Giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước

10/09/2023 - 15:11

PNO - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định giáo dục nghề nghiệp là bậc học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước. Trong đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục nghề là một trong những nội dung quan trọng.

Ngày 10/9, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời, chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận định: "Giáo dục nghề nghiệp là bậc học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, nơi cung ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho ngành kinh tế đất nước."

"TPHCM có 376 cơ sở giáo dục đào tạo nghề, hằng năm có khoảng 125.000 người học tốt nghiệp và bổ sung cho thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực TPHCM thời gian qua đáp ứng tương đối được yêu cầu của thị trường lao động cho thành phố và các tỉnh bạn, khu vực" - ông Dương Anh Đức thông tin. 

Ông Dương Anh Đức cho biết, hiện nay TPHCM đã và đang ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề. TPHCM đặt mục tiêu đến 2025 sẽ đạt nguồn nhân lực đã qua đào tạo là 87%, đến năm 2030 là 89%, đây là một thách thức không đơn giản nhưng TPHCM quyết tâm sẽ đạt được.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục nghề là một trong những nội dung quan trọng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục nghề là một trong những nội dung quan trọng. 

Vì vậy, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị, đầu tiên phải thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, trong đó, mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề là một trong những nội dung quan trọng. Tập trung ưu tiên, quan tâm đến các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh…

Thứ hai, ban hành những chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực sau đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ chi phí cho người học, cho đội ngũ nhà giáo, cho doanh nghiệp có tham gia tích cực vào công tác đào tạo nghề nghiệp…

Thứ ba, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp TPHCM quan tâm, đầu tư chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học, quan tâm công tác kiểm định chất lượng khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của cơ sở giáo dục của mình.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác phân luồng, các đơn vị liên quan cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thực hiện công tác truyền thông tốt hơn để thực hiện sớm công tác phân luồng. Làm sao để xã hội hiểu rằng con đường phát triển của con người không phải duy nhất vào đại học mà còn nhiều con đường, trong đó con đường rất triển vọng là theo đuổi nghề với một kỹ năng, chất lượng cao.

Thứ năm, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, đặc biệt khâu kết nối cung cầu. Để người cần việc và người cần nhân lực có thể gặp nhau càng sớm càng tốt. Gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan dự báo nguồn nhân lực, cơ quan dịch vụ việc làm.

Thứ sáu, tập trung xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể mục tiêu đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TPHCM đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực đã qua đào tạo và sắp xếp lại mạng lưới theo hướng tinh giản, tăng cơ sở chất lượng cao và giảm sự chồng chéo. Trong đó phấn đấu giảm các trường trung cấp, công lập và nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo tư thục, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ bảy, xây dựng những chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, tiếp nhận chuyển giao những chương trình đào tạo chất lượng cao từ các tổ chức quốc tế, xây dựng những chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp liên kết, phối hợp với nhau tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cho khu vực.

Tú Ngân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI