Giảm mạnh giá tour chưa chắc khiến du khách hào hứng

04/07/2020 - 12:50

PNO - Đầu tháng 6, Sở Du lịch TPHCM công bố chương trình kích cầu du lịch nội địa từ nay đến hết năm 2020 với gần 260 chương trình tour và 280.000 vé ưu đãi giảm từ 10-70%. Đây được xem là cách để phục hồi ngành du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - qua khảo sát, vẫn còn hàng loạt doanh nghiệp (DN) du lịch ở TPHCM và TP.Hà Nội đóng cửa, nhiều khách sạn vẫn chưa hoạt động trở lại. Để nhanh chóng “làm sống lại” hoạt động du lịch, sản phẩm tour phải thu hút được du khách với mức giá giảm sâu nhưng chất lượng không đổi. Dù khó khăn, nhưng DN cần phải liên kết giảm giá các dịch vụ, giảm giá tour; chỉ DN nào dám giảm giá, dám hy sinh lợi nhuận giai đoạn này, mới hồi phục được.

Giảm mạnh giá tour chưa chắc khiến du khách hào hứng
Giảm mạnh giá tour chưa chắc khiến du khách hào hứng

Thế nhưng, không phải DN nào cũng sẵn sàng giảm giá để kích cầu du lịch nội địa, bởi không có lợi nhuận thì DN khó trụ vững. Một số DN xác định tăng chất lượng dịch vụ chứ không giảm giá tour. Theo đại diện một số công ty du lịch, rất khó giữ nguyên chất lượng dịch vụ với mức giảm giá tour đến 50%. Nếu thực hiện điều này, DN lỗ chắc, không sống nổi chứ đừng nói đến hồi phục, hồi sinh. 

Ông Võ Anh Tài - Phó tổng giám đốc Saigon Tourist Group - cho biết, công ty giữ quan điểm đảm bảo chất lượng tour, đầu tư chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng chứ không giảm giá tour, không bán tour dưới giá thành, bán lỗ.

Giám đốc một công ty du lịch tại TPHCM (đề nghị giấu tên) cho rằng, không thể vừa giảm giá tour sâu, vừa giữ chất lượng dịch vụ được vì DN lữ hành chỉ lời tối đa 10%, 10% trả mặt bằng, lương nhân viên, có khi lãi ròng chỉ còn 1-2%, từng có DN chỉ lời 0,03%. Nếu chỉ các DN du lịch giảm giá là vô lý, vì không thể giảm được. Các điểm đến miễn phí vé tham quan nhưng vé chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu tour; muốn giảm giá tour, cần phải có sự phối hợp của các đơn vị vận chuyển, cơ sở lưu trú và phải giảm giá ở những thời điểm, khung giờ phù hợp.

Theo vị này, không nên giảm giá tour quá mạnh vì thực tế, có DN tăng giá rồi giảm giá hoặc giảm chất lượng dịch vụ gây mất lòng tin của khách hàng. Sản phẩm du lịch là loại hình “đi rồi mới biết được chất lượng dịch vụ” nên với mức giảm giá sâu, khách vẫn do dự. Khách cần sản phẩm du lịch với giá hợp lý, chất lượng dịch vụ tốt chứ không cần giá rẻ. Để thu hút khách, thay vì giảm giá, DN cần tìm cách làm mới sản phẩm cũ bằng điểm nhấn mới lạ, không bắt chước tour của DN khác như nhiều công ty vẫn làm, đồng thời tăng thêm dịch vụ cho khách như ở một đêm, tặng một đêm thì sẽ thực tế hơn. 

Ông Lê Duẩn - Giám đốc Công ty Du lịch Thử Thách Việt - cũng cho biết, công ty tìm cách tinh gọn bộ máy nhân sự, giảm chi phí để tăng chất lượng dịch vụ cho du khách chứ không thể giảm sâu giá tour, mức giảm chỉ khoảng 10-15% tùy tour. Với mức giảm 30%, DN chỉ huề vốn, không lời. Tuy nhiên, để giảm giá được, cần sự chung tay của các đơn vị liên kết chứ một mình DN không gồng nổi.  

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - du khách đến TPHCM sẽ đến các tỉnh, thành khác. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội trong điều kiện khó khăn hiện nay, các DN lữ hành phải xác định liên kết là nhiệm vụ phải làm để tạo ra các sản phẩm liên vùng, liên tuyến, hấp dẫn du khách. 

Tuy nhiên, theo đại diện các DN, sự liên kết giữa TPHCM và các địa phương hiện nay rất yếu. “Nhiều lãnh đạo địa phương thậm chí không biết điểm lạ, đặc trưng riêng của địa phương mình để kéo du khách tới. Họ cứ nghĩ du lịch chỉ là vui chơi, giải trí, không biết rằng nhiều người đi du lịch là muốn trải nghiệm. “Liên kết cần phải thực tiễn, thông qua những đơn vị nhỏ cùng bắt tay nhau. Liên kết để tồn tại nên DN phải sàng lọc kỹ và hành động; nếu chỉ hô khẩu hiệu, kêu gọi suông thì không hiệu quả, chỉ tốn công sức, chi phí” - giám đốc một công ty du lịch nói. 

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, để KCDL nội địa hiệu quả, Nhà nước cần đồng hành, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN. Vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, nhưng nhiều chính sách hỗ trợ vẫn chưa đến được tay DN. Nhiều cơ quan chịu trách nhiệm vẫn chưa thực sự đồng cảm, đồng hành cùng DN; thậm chí, nhiều cơ quan vô cảm trước khó khăn của các công ty du lịch. 

Nguyễn Cẩm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lieutien 04-07-2020 17:58:24

    Du khách chỉ muốn đảm bảo chất lượng tour, chứ không phải là giảm giá. Về ẩm thực , nên cải tiến,cho ăn cơm phần vào buổi trưa, chiều hoặc hình thức nào đó, để đảm bảo vệ sinh trong ăn uống trong mùa dịch.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI