Gánh nặng từ những “người con toàn thời gian” trong xã hội Trung Quốc

19/07/2023 - 16:49

PNO - Xu hướng thanh niên sống chung với cha mẹ do không có việc làm ngày càng mở rộng ở đất nước tỉ dân, báo hiệu rủi ro trong các thập niên tới.

 

Luôn có phụ huynh hoan nghênh những đứa con trưởng thành trở về sống chung với họ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời – Ảnh: Shutterstock
Luôn có phụ huynh hoan nghênh những đứa con trưởng thành trở về sống chung với họ, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời - Ảnh: Shutterstock

Tâm sự của những “người con toàn thời gian” hé lộ bức tranh ảm đạm của thị trường lao động Trung Quốc, trong bối cảnh đất nước tỉ dân ngày càng già hóa dân số, theo bài báo của South China Morning Post ngày 19/7.

Theo đó, khái niệm “người con toàn thời gian” hay “người con được trả lương” ám chỉ những thanh niên không có việc làm ổn định và sống chung với cha mẹ. Họ làm việc nhà để nhận lại hỗ trợ tài chính từ cha mẹ, một số trường hợp vẫn tiếp tục học tập hoặc cố gắng tìm việc làm. Họ đã trở thành chủ đề tranh luận trên mạng xã hội Trung Quốc trong các tháng gần đây.

Trong các cuộc thảo luận, có những sinh viên chia sẻ rằng họ mệt mỏi trước môi trường làm việc cạnh tranh, giờ làm việc kéo dài và chi phí sinh hoạt cao ở các thành phố lớn. Một số khác nói thẳng lý do: họ không thể tìm được việc làm dù rất cố gắng, cả khi có nền tảng học vấn tốt, nên đành trở về nhà sống với cha mẹ.

Một ngày điển hình của “người con toàn thời gian” bao gồm việc nhà như nấu ăn, mua sắm cho cha mẹ, đưa họ đi khám bác sĩ nếu cần, lên kế hoạch để cả nhà đi chơi cuối tuần. Có những người trẻ chấp nhận cuộc sống bình lặng, xa lánh áp lực thành thị. Một số người khác nói về áp lực còn lớn hơn khi gia đình hối thúc họ tìm việc hoặc kết hôn.

South China Morning Post dẫn ra trường hợp 1 phụ nữ ở Thiểm Tây tâm sự trên diễn đàn trực tuyến dành cho những “người con toàn thời gian” vào cuối năm ngoái. Theo đó, cô này không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp 1 trường đại học ở Úc, sau cùng chấp nhận nấu bữa tối cho cha mẹ để đổi lấy trợ cấp hàng tháng là 3.000 nhân dân tệ, tương đương khoảng 420 USD.

Một trường hợp tương tự từ Cát Lâm chia sẻ: “Ba năm nay tôi đều đưa cha hoặc mẹ đi khám bác sĩ. Tôi không kiếm được đồng nào và phải dựa dẫm vào phụ huynh. Thật đáng xấu hổ và do đó tôi không có bất kỳ cuộc sống với quan hệ xã hội nào ngoài việc trò chuyện trực tuyến”.

Đa số trường hợp “người con toàn thời gian” đều xem việc sống cùng cha mẹ như giải pháp tạm thời bắt buộc, khi không còn lựa chọn nào khác, họ vẫn muốn kiếm được việc làm ổn định về lâu dài.  

Năm nay, khoảng 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học đã gia nhập lực lượng lao động ở Trung Quốc, trong khi vào tháng 6 vừa qua, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người từ 16 đến 24 tuổi bật lên mức cao kỷ lục 21,3%, vượt qua cả kỷ lục trước đó trong tháng 4 là 20,4%.

Hiệu trưởng Liu Yuanchun của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải cảnh báo, tình trạng thất nghiệp của thanh niên đã trở thành một vấn đề hệ thống cần được giải quyết ngay bây giờ, hoặc tích tụ thành nguy cơ về lâu dài.

Song song với xu hướng thanh niên thất nghiệp, xã hội Trung Quốc còn đối mặt gánh nặng khác: dân số già hóa nhanh chóng. Khoảng 30% dân số Trung Quốc, tương đương 400 triệu người, sẽ ở độ tuổi từ 60 trở lên vào năm 2035. Chỉ trong 12 năm tới, số người tuổi hưu ở Trung Quốc sẽ xấp xỉ 54% tổng dân số châu Âu hiện tại.

Hơn nữa, do hệ quả của chính sách một con, được áp dụng từ  năm 1979 đến 2015, nhiều người Trung Quốc sắp đến tuổi nghỉ hưu chỉ có 1 con, nghĩa là mỗi cặp vợ chồng sẽ phải chăm lo cho 4 người già.

Trường An (theo South China Morning Post)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI