Gần 4 triệu người Việt Nam bị đái tháo đường

14/11/2020 - 14:02

PNO - Hàng năm, có từ 5-10% người Việt Nam từ tình trạng tiền đái tháo đường tiến triển thành bệnh đái tháo đường.

 

Lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Ảnh: Hiếu Nguyễn
Lọc máu cho bệnh nhân bị suy thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM). Ảnh: Hiếu Nguyễn

Hưởng ứng Ngày đái tháo đường thế giới 14/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM phối hợp Hội Y tế công cộng TPHCM tổ chức mít tinh chủ đề "Sống khỏe với đái tháo đường".

Bác sĩ Phan Thanh Tâm – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết Việt Nam đang có 3,8 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là con số thống kê vào năm 2019 và dự báo vào năm 2040, Việt Nam có 6,1 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đáng lo khi bệnh đái tháo đường đang ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước kia, bệnh chỉ xuất hiện ở người trên 40 tuổi rồi dần dần có ở người 30 tuổi, nay đã len lỏi cả ở trẻ em.

Trong một nghiên cứu vào năm 2020 trên trẻ em từ 11 đến 14 tuổi, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện 1/2.880 trẻ mắc đái tháo đường type 2 (tỷ lệ 0,035%). Bên cạnh đó, tỷ lệ rối loạn đường huyết lúc đói của trẻ lên đến 6,1%. Đây là nguy cơ dẫn đến sự trẻ hóa bệnh đái tháo đường về sau”.

Theo tổng điều tra toàn quốc vào năm 2012, Việt Nam đang có 12 triệu người được chẩn đoán đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Gần 70% số người này, tương đương 8,4 triệu người sẽ tiến triển thành bệnh đái tháo đường trong tương lai nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời. Trên thực tế, hàng năm, Việt Nam đã ghi nhận có từ 5- 10% số người từ tiền đái tháo đường tiến triển thành bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ Hồ Đắc Phương, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết chi phí xét nghiệm đường huyết để tầm soát đái tháo đường chỉ khoảng 15 đến 20.000 đồng. Nếu phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường, việc điều trị là hoàn toàn có thể vì hiện nay có rất nhiều thuốc. Tuy nhiên, nếu để xảy ra biến chứng đái tháo đường, giải quyết là vô cùng nan giải và chi phí cực kỳ kinh khủng. Chẳng hạn, chi phí lọc máu hàng tháng phải từ 15 đến 20 triệu đồng. Số người phải lọc máu tại các bệnh viện ở TPHCM đã quá đông.

Có đến 50% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng. Trong đó, nhiều nhất là về tim mạch, sau đó đến suy thận, bệnh thần kinh và mắt. Đái tháo đường khiến mỗi năm tăng thêm 4,6% ca suy tim; 2,4% ca đột quỵ, 1,1% ca đoạn chi, 1,2% ca suy thận và 0,8% ca mù mắt.

Theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF, trên thế giới có khoảng 415 triệu người độ tuổi từ 20 đến 79 đang phải sống chung với bệnh đái tháo đường.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI