“Em mong được sống trong môi trường an toàn”

17/08/2022 - 06:33

PNO - Trong chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi ngày 5/6, Mai Cát Vi - học sinh lớp Bảy - cho rằng đang có một số vụ việc, hình ảnh khiến trẻ em cảm thấy bất an.

 

“Tâm lý như vậy sẽ không ổn cho sự phát triển và lớn lên của thiếu nhi. Em mong được sống và lớn lên trong môi trường an toàn” - Cát Vi nói trước cử tọa gồm đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM cùng 150 thiếu nhi tiêu biểu.

Mới đây, làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM về kết quả thực hiện Luật Trẻ em và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, tính từ năm 2017 đến quý I/2022, TPHCM xảy ra 186 vụ việc với 248 trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục và các hình thức gây tổn hại khác, trong đó trẻ gái chiếm gần 70%.

Khi phân tích thực trạng, cơ quan chức năng cho biết, các đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại tình dục thường là họ hàng, người thân của trẻ; cha mẹ nạn nhân mặc cảm, cả nể nên thường che giấu, không tố giác, không cho tiếp xúc, đối chất, có trường hợp đưa nạn nhân đi nơi khác sinh sống, không để lại địa chỉ. Do đó, các vụ việc chỉ được phát hiện hoặc xử lý khi đã quá muộn và hậu quả trong một số trường hợp là không thể khắc phục.

Về nguyên nhân của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em, các báo cáo chỉ ra rằng, trẻ sống trong các gia đình không hòa thuận, kinh tế khó khăn có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bạo hành cao hơn. Sự xáo trộn các chức năng của gia đình, sự mâu thuẫn, thiếu hạnh phúc dẫn đến việc trẻ em không được quan tâm, chăm sóc, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ 

Ngoài ra, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội với không ít nội dung tiêu cực, bạo lực, đồi trụy cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, quá trình phát triển và sự an toàn của trẻ em

Để bảo đảm quyền được sống, được quan tâm, chăm sóc, quyền “được sống và lớn lên trong môi trường an toàn” như mong ước của học sinh Mai Cát Vi, đòi hỏi các giải pháp và sự chuyển động từ các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thiết chế xã hội, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ trẻ em tại cộng đồng. 

Để bảo vệ trẻ em, cần phải làm tốt việc phòng ngừa và dự báo. Gia đình vẫn là nơi đầu tiên và là cộng đồng gần gũi nhất với trẻ làm tốt nhất những việc này.

Nếu mọi gia đình đều yêu thương, quan tâm đến con cái, có kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ con, sẽ khó xảy ra các vụ việc đau lòng như trẻ bị bảo mẫu hành hạ, bị thanh niên đánh đập rồi nhốt vào tủ đông, trẻ dùng băng keo dán miệng khi ngủ vì bắt chước trào lưu trên TikTok. 
Công tác bảo vệ trẻ em - tương lai của đất nước - chắc chắn cần giải pháp đồng bộ, liên ngành và cần được kích hoạt từ đơn vị gia đình. 

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI