Được ưu đãi, doanh nghiệp vẫn không mặn mà với nhà ở xã hội

28/07/2021 - 08:42

PNO - Các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở xã hội trong thời gian qua liên tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thêm ưu đãi, nhưng hầu hết doanh nghiệp bất động sản vẫn không mặn mà đầu tư.

 

Dự án nhà ở xã hội HQC Plaza (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Dự án nhà ở xã hội Jamona (quận 7, TPHCM)

Ưu đãi nhiều, dự án vẫn không “chạy”

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, các dự án dành cho người thu nhập thấp vẫn được triển khai nhưng tiến độ rất chậm. Trong sáu tháng đầu năm 2021, cả nước chỉ đưa vào sử dụng sáu dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Tính chung từ trước đến nay, trên cả nước, chỉ có tổng cộng 254 dự án NƠXH hoàn thành với khoảng 108.800 căn, tổng diện tích 5.440.000m2; đang triển khai 271 dự án với khoảng 256.500 căn, tổng diện tích 12.825.000m2

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng thừa nhận, nguồn cung NƠXH, nhà ở thương mại giá thấp, nhà cho thuê chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra. Riêng tại TPHCM, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là phát triển và quản lý 20.000 căn NƠXH, nhưng đến nay chỉ mới hoàn thành khoảng 50% chỉ tiêu. Trong khi đó, từ năm 2014 đến nay, UBND TPHCM đã chấp thuận đầu tư tổng cộng 35 dự án phát triển nhà ở thương mại có diện tích trên 10ha. 

Thời gian qua, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp (DN) đầu tư xây NƠXH liên tục được sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng ưu đãi. Hiện nay DN đầu tư xây NƠXH được miễn tiền sử dụng đất, được giảm thuế VAT 5%, được giảm thuế thu nhập DN, được vay vốn ưu đãi lãi suất… Quốc hội cũng bổ sung, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng tăng cường hỗ trợ cho nhà đầu tư và người mua NƠXH.

Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 100 về phát triển và quản lý NƠXH, trong đó quy định, đối với dự án có quỹ đất trên dưới 10ha, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị phải dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH và có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất này. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi để phát triển NƠXH với lãi suất chỉ 4,8%/năm đồng thời ban hành hàng loạt chỉ thị, quyết định khác để thúc đẩy phân khúc nhà ở này cho người thu nhập thấp.

Doanh nghiệp cần ưu đãi về cơ chế đầu tư

Vì sao được hưởng nhiều ưu đãi, DN vẫn thờ ơ với dự án phát triển NƠXH? Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) giải thích, đó là do còn nhiều vướng mắc trong một số quy định của Luật Nhà ở và các nghị định đi kèm, đồng thời nguồn vốn cho vay ưu đãi còn hạn hẹp.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, hiện cơ chế hỗ trợ cho DN đầu tư phát triển NƠXH còn nhiều bó buộc. Chẳng hạn, vừa qua, Bộ Xây dựng soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung phát triển, quản lý NƠXH, đề ra các điều kiện và tiêu chí xét duyệt trúng thầu, trong đó có tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng NƠXH (ưu tiên chọn nhà đầu tư đã thực hiện nhiều dự án NƠXH).

Tiêu chí này không hợp lý, bởi nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện dự án NƠXH và nhà đầu tư có kinh nghiệm thực hiện dự án nhà ở thương mại đều có năng lực như nhau. Đặc biệt, Nhà nước không nên đánh giá cao nhà đầu tư thực hiện nhiều dự án NƠXH mà phải đánh giá cao nhà đầu tư thực hiện được nhiều dự án NƠXH đạt chất lượng tốt, có nhiều tiện ích, dịch vụ cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - chia sẻ, DN làm dự án NƠXH vẫn phải làm mọi thủ tục pháp lý như dự án nhà ở thương mại, khi làm xong, lại phải mất thêm một thời gian nữa để làm các thủ tục thực hiện NƠXH. Tổng thời gian làm thủ tục để có thể khởi công thường mất 3-4 năm. Làm thủ tục cho một dự án NƠXH hiện nay khổ hơn làm thủ tục xây nhà ở thương mại. Ông tỏ ra ngán ngẩm: “DN đã có rất nhiều kiến nghị tháo bớt các thủ tục hành chính nhưng đến nay vẫn vậy. Trước đây, tôi từng đề nghị cho phép DN đăng ký ngay từ đầu là làm NƠXH để khâu thủ tục được duyệt nhanh, sớm đi vào xây dựng nhưng đến nay, mọi thứ vẫn vậy nên DN không hứng thú với NƠXH nữa”.

Theo ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - một trong những giải pháp thu hút nhà đầu tư tham gia xây NƠXH là cho họ không gian hoạt động rộng hơn và Nhà nước chỉ cần kiểm soát giá bán, chất lượng dự án. Hiện nay, các tiêu chí do Bộ Xây dựng đề ra khó thu hút được DN tham gia đầu tư xây NƠXH. Chẳng hạn, tiêu chí về giải pháp quy hoạch, kiến trúc, tỷ lệ diện tích cây xanh, diện tích đất dành cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của dự án, tiện ích công cộng quá nhiều sẽ “chỏi” với yêu cầu giảm giá bán vì dự án NƠXH cần tối ưu hóa diện tích xây dựng để giảm giá bán. 

Theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ, đối với dự án có quỹ đất trên dưới 10ha, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị phải dành 20% quỹ đất để phát triển NƠXH và có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất này. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các dự án có diện tích trên 10ha của TPHCM hiện nay, chỉ có bốn dự án NƠXH được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên tổng diện tích đất 6,3ha, với khoảng 5.000 căn hộ. Một số dự án khác có quy mô trên 10ha nhưng chủ đầu tư chậm triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hoặc chậm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nên không thể triển khai xây dựng NƠXH trên quỹ đất này được.


Bích Trần  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI