Dùng môn sử, địa, giáo dục công dân... tuyển sinh ngành kinh tế, sức khỏe?

08/07/2020 - 07:21

PNO - Với cơ chế tự chủ tuyển sinh, nhiều trường đại học đã không ngần ngại đưa các môn chẳng liên quan gì đến ngành đào tạo vào tiêu chí xét tuyển. Liệu chất lượng sẽ đi về đâu khi mà đầu vào đại học ngày càng thả nổi?

Tổ hợp “lạ” ngày càng nhiều

Tình trạng lạm dụng các tổ hợp “lạ” để xét tuyển xuất hiện ngày càng nhiều nhằm tăng cơ hội… tuyển người học cho các trường. 

Dư luận băn khoăn về chất lượng đào tạo khi trường tuyển sinh bằng tổ hợp “lạ” ngày càng nhiều - Ảnh: Đại Minh
Dư luận băn khoăn về chất lượng đào tạo khi trường tuyển sinh bằng tổ hợp “lạ” ngày càng nhiều - Ảnh: Đại Minh

Trường đại học (ĐH) Gia Định thông báo xét tuyển các ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, marketing bằng tổ hợp C00 (văn, sử, địa). Dù tuyển sinh nhóm ngành kinh tế nhưng trường này lại không cần thí sinh phải có khả năng về toán hay ngoại ngữ.

Còn Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố ngành dược học và điều dưỡng tuyển cả tổ hợp toán - hóa - giáo dục công dân (GDCD), ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tuyển tổ hợp toán - sử - địa. Các ngành công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật môi trường cũng xét tuyển tổ hợp có môn GDCD. Hay như Trường ĐH Hải Phòng, có ngành kỹ thuật công trình xây dựng, quản trị kinh doanh cũng đưa cả môn địa lý vào tổ hợp xét tuyển. 

Tương tự, Trường ĐH Thành Đông tuyển nhiều ngành kỹ thuật bằng tổ hợp xét tuyển có các môn khoa học xã hội. Cụ thể, ngành công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp toán - ngữ văn - lịch sử; ngành điều dưỡng, dinh dưỡng, dược học, y học cổ truyền đều có môn lịch sử trong tổ hợp xét tuyển. Trường ĐH Võ Trường Toản có ngành y khoa xét tuyển tổ hợp toán - sinh - văn, ngành dược xét tuyển tổ hợp toán - hóa - văn. 

Tại Trường ĐH Nam Cần Thơ, ngành kỹ thuật môi trường xét tuyển tổ hợp văn - hóa - sinh. Chưa kể, ở phần xét tuyển bằng học bạ, trường này còn đưa các môn GDCD, công nghệ, tin học vào tổ hợp xét tuyển. Đơn cử như ngành bất động sản xét bằng môn toán - GDCD - sinh. Hay như các ngành thuộc nhóm kinh tế như kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing lại xét tuyển bằng các tổ hợp môn toán - GDCD - sinh, toán - công nghệ - tin… Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật, kể cả các ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn địa lý, GDCD… vào xét tuyển. 

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng tăng cường cơ hội tuyển sinh bằng việc mở rộng nhiều tổ hợp hơi… xa. Ví dụ, ngành quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng ngoài tổ hợp C01 (văn, toán, lý) thì tuyển cả C00 (văn, sử, địa). Ngành ngôn ngữ Trung, Nhật tuyển C00 (văn, sử, địa)…

Chưa thấy giải trình về tổ hợp “lạ”

Trong khi đó, tại hội nghị tuyển sinh năm 2020 hay quy chế tuyển sinh ĐH, cao đẳng 2020 và cả công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên tục nhắc nhở các trường không nên sử dụng tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành nghề đào tạo. Thế nhưng, giữa cuộc cạnh tranh tuyển sinh giành người học, nhiều trường đã không ngần ngại “phớt lờ“ hướng dẫn này. 

Về nguyên tắc, những môn dùng để xét tuyển phải liên quan đến chương trình đào tạo, đó mới gọi là tuyển sinh - tìm người học phù hợp. Trường học phải chứng minh được tính khoa học đó, chứ không phải muốn đưa môn nào vào cũng được. Việc đưa nhiều môn không phù hợp với đặc điểm ngành đào tạo vào để xét tuyển sẽ tạo ra nhiều hệ quả. Trước hết, đó là sự ảnh hưởng đến người học. Theo phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhiều nơi tuyển ngành công nghệ kỹ thuật ô tô bằng tổ hợp toán - sử - địa. Tuyển thí sinh không có thế mạnh phù hợp thì chất lượng đào tạo sẽ rất thấp và người học cũng không theo nổi. Thực tế, trên các hệ thống của ô tô chủ yếu dựa trên nền tảng vật lý nhưng lại tuyển cả môn sử - địa. Nếu tuyển sinh bất chấp thì đào tạo kiểu gì và người học ra trường sao làm việc được.

Với khối ngành kỹ thuật, toán là môn cơ bản, kèm theo đó là lý, hóa hoặc tiếng Anh, giúp người học có đủ năng lực cần thiết để theo suốt quá trình đào tạo. Còn về năng lực các môn khoa học xã hội (văn, địa, sử, GDCD) có cần thiết cho khối ngành kỹ thuật hay không, theo các chuyên gia đào tạo, chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào làm rõ về vấn đề này. Vì vậy, các trường đưa những tổ hợp “lạ” vào xét tuyển cần phải giải trình một cách khoa học để chứng minh cho Bộ GD-ĐT và sau đó là với người học. 

Tự chủ tuyển sinh phải gắn liền với trách nhiệm, giải trình nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo. Thế nhưng, thực tế nhiều trường vẫn tiếp tục lạm dụng những tổ hợp chưa phù hợp để xét tuyển nhằm mục tiêu đảm bảo số lượng như mong muốn. 

Nhiều trường chi xét học bạ ba môn 15 điểm

Tuy Bộ GD-ĐT không đặt ra ngưỡng đầu vào đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ nhưng một số ít trường đã xác định “sàn” khá thấp, chỉ cần ba môn đạt 15 điểm hoặc trung bình học kỳ đạt 5,0 cũng đủ trúng tuyển. Tuy trường không sai nhưng khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng đào tạo.

Trường ĐH Gia Định khẳng định với người học xét học bạ học kỳ I lớp 12 từ 15 điểm chắc chắn đậu ngành yêu thích. Trên website trường này “quảng cáo”: “Tự tin 100% trước kỳ thi THPT. Hình thức xét tuyển học bạ duy nhất một học kỳ I lớp 12, tổng điểm ba môn ≥15 điểm được xem là giải pháp hiệu quả để thí sinh có thể tận dụng thành tích học tập của mình và chủ động hơn với tương lai của bản thân…”. 

Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM vừa công bố danh sách trúng tuyển đợt 2 chương trình ĐH chính quy bằng hình thức xét kết quả học tập THPT (học bạ). Đáng nói, điểm trúng tuyển là điểm trung bình học kỳ I hoặc cả năm lớp 12 chỉ cần 5,0 là đủ. Đợt này có 156 thí sinh trúng tuyển vào các ngành công nghệ thông tin, kế toán, luật, marketing, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, quản lý bệnh viện, ngôn ngữ Anh…

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI