Dùng hóa chất độc làm chín sầu riêng: Nông dân khóc ròng vì oan ức

02/09/2016 - 11:37

PNO - Việc dùng hóa chất kích chín hoa quả hay trái cây chuẩn Việt như: cam sành Hà Giang, nho Ninh Thuận, hồng Đà Lạt… bị nghi hàng Tàu khiến nông dân điêu đứng.

Sầu riêng ngậm hóa chất

Mới đây, trên tờ Tuổi trẻ đưa tin sầu riêng dùng hóa chất độc để kích chín sầu riêng khiến dư luận hoang mang.

Theo đó, loại hóa chất trái phép mà cơ sở thu mua trái cây thôn 2, xã Hòa Nam, huyện Di Linh (Lâm Đồng) sử dụng được báo này phản ánh là hóa chất kích thích – một loại phân bón lá mang nhãn hiệu HPC-97HXN.  Khi dùng hỗn hợp dung dịch gồm 40 lít nước, 500ml HPC-97HXN và một ít bột nghệ các công nhân của cơ sở thu mua có thể “hô biến” khoảng 700kg sầu riêng xanh thành sầu riêng chín. 

Người quản lý của cơ sở thu mua sầu riêng này, cho biết sau khi sầu riêng xanh được thu mua và nhúng hóa chất, chỉ  từ 2-3 ngày trái sẽ chín đều, rồi được dán chữ Trung Quốc lên cuống, đóng vào thùng giấy có dán chữ Trung Quốc và mang vào kho chờ đưa đi tiêu thụ.   

Thông tin trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận và khiến người tiêu dùng lo lắng. Liệu hóa chất kia có độc hại như báo chí phản ánh?

Dung hoa chat doc lam chin sau rieng: Nong dan khoc rong vi oan uc
Dùng hóa chất độc làm chín sầu riêng: Nông dân khóc ròng vì oan ức. (ảnh: tuoitre.vn)

Ông Dụng Quý Đông chủ trang trại cây ăn trái, có cửa hàng Trái cây cao cấp gần Siêu thị Co.op Mart, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) tỏ ra rất bức xúc và cho rằng, thông tin trên là không chính xác và sẽ “giết” nông dân.

Với 25 năm kinh nghiệm làm vườn, ông Đông cho biết, loại thuốc nông dân sử dụng để làm chín sầu riêng trong trường hợp trái cắt vào mà lâu chín là một loại dung dịch sinh học pha loãng, dạng hỗ trợ kali để trái chín đều.  

Thuốc này có tên là Phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN do Công ty cổ phần sinh học nông nghiệp HPC (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất. Trên bao bì sản phẩm có ghi: Điều khiển cho trái cây già chín nhanh và có cả hướng dẫn nồng độ pha dung dịch để hỗ trợ chín nhanh cho các loại trái cây như xoài, bơ, mít, chuối, sầu riêng... Đặc biệt giúp trái sầu riêng già chín nhanh, không bị sượng”. Loại phân bón này có giấy phép sản xuất, ghi rõ ngày sản xuất và hạn sử dụng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép lưu hành và có bán rộng rãi ở các nhà thuốc bảo vệ thực vật trên toàn quốc.

Không chỉ sầu riêng mà nhiều loại trái cây chuẩn Việt khác khi bị hiểu nhầm dùng hóa chất độc hại hoặc bị “ụp mũ” hàng Tàu làm dậy sóng cộng đồng thực ra là sự hiểu lầm giữa người trồng, người tiêu dùng và cả giới truyền thông.

Mít chích thuốc cho mau chín

Nông dân trồm mít ở Đồng Nai khi đang vào mùa thu hoạch, thương lái đổ xô mua, xe tải, xe máy chạy ầm ầm vào rẫy, vào vườn thu mua, thì bỗng tin xuất hiện tin đồn mít được chích một loại thuốc cho mau chín, khiến người tiêu dùng tẩy chay không ăn nữa. Các vựa mít thừa mứa hàng trăm tấn hàng không bán được, đẩy nhiều hộ trồng mít tại xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai và nhiều vựa mít khác chịu cảnh điêu đứng.

Dung hoa chat doc lam chin sau rieng: Nong dan khoc rong vi oan uc
Nông dân điêu đứng vì tin đồn mít chích thuốc (ảnh:zing)

Giá mít đang từ 10.000–12.000 đồng/kg, tụt dốc thảm hại xuống 500–1.000 đồng/kg. Tin như “sét đánh” đó khiến nông dân tá hỏa, không tin nổi vào tai mình.

Anh Trần Trọng Sự (ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chia sẻ: “Vừa rồi thương lái vào mua mít, tôi phụ anh ta cắt đúng 2 tấn, thương lái nói 500 đồng/kg làm tôi bật ngửa vì ngạc nhiên”.

Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN cho rằng, thông tin “mít tẩm thuộc độc hại” chỉ là tin đồn vì thực chất cơ quan chức năng chưa phát hiện được bất kỳ cơ sở hay nhà vườn nào sử dụng chất cấm cho loại trái cây này. Hoặc có chăng chỉ là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, chỉ cần biết cách nhận diện đúng mít chín cây thì có thể sử dụng loại trái cây này một cách an toàn.

Nỗi oan quả Việt bị nghi hàng Tàu

-  Cam sành Hà giang: Sắp sửa đến chính vụ cam sành Hà Giang thì các loại cam mượn danh, núp bóng loại quả đặc sản này đã được bày bán tại nhiều tỉnh thành phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Đến khi chính cam Hà Giang vào vụ thì lại bị nghi oan là cam Trung Quốc, nhiều người tiêu dùng nghi ngại không dám mua, khiến cam rớt giá, nông dân thất thu.

Để người tiêu dùng khỏi nhầm lẫn, ông Phạm Xuân Tình - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, Hà Giang vẫn trồng cam kiểu truyền thống, tự nhiên chứ chưa can thiệp hóa chất. Vị cam Hà Giang cũng ngọt đậm hơn so với loại khác, nhưng có chút chua chứ không ngọt như nhiều loại cam Trung Quốc.

Dung hoa chat doc lam chin sau rieng: Nong dan khoc rong vi oan uc
Cam sành Hà Giang bị nghi hàng Tàu. (ảnh:zing)

Mận Tây Bắc: Cảnh được mùa mất giá lại tiếp diễn với mận làm đắng lòng người nông dân. Nếu như đầu mùa giá thu mua mận tại vườn thường vào khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg thì khoảng đầu tháng 6 chỉ còn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg, do mận Trung Quốc tràn ngập thị trường.

Theo lời chị Lò Thị Phương - người trồng mận ở Sơn La, hầu hết các vườn mận đều được mùa, năng suất cao hơn hẳn mọi năm tuy nhiên, giá thu mua năm nay đã rớt mạnh so với năm ngoái. Mận chua (ruột đỏ) trên thị trường hiện đang được trồng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái thường được gọi là mận hậu.  

Dung hoa chat doc lam chin sau rieng: Nong dan khoc rong vi oan uc
Mận được trồng ở một số tỉnh Tây Bắc rớt giá vì mác mât Tàu. (ảnh: baomoi)

-  Nho Ninh Thuận: Thời điểm tháng 3 - 4, nho Trung Quốc nhập về các chợ đầu mối nhưng khi bán lẻ lại được quảng cáo là nho Ninh Thuận hay nho Mỹ với giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, một số tiểu thương tại TP.HCM bày bán nho Ninh Thuận chính gốc với giá 50.000 – 70.000 đồng/kg thì nhiều người tưởng là nho Trung Quốc nên tỏ ra dè chừng, một số còn mặc cả xuống chưa bằng giá gốc.

-  Hồng Đà Lạt: Gần đây nhất, giá hồng giòn Đà Lạt tại nhiều chợ ở TP.HCM chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg. Một số tiểu thương của các chợ này cho biết, hồng Đà Lạt đang vào mùa nên giá thấp. Nhiều người thấy giá rẻ lại tưởng là hồng Trung Quốc nên hạn chế mua, khiến mặt hàng này đã mất giá lại càng giảm thêm. Ngoài ra, nhiều loại hồng để lâu chỉ mềm chứ không hư khiến người tiêu dùng hoài nghi hồng bị thúc chín, bảo quản bằng hóa chất.

Dung hoa chat doc lam chin sau rieng: Nong dan khoc rong vi oan uc
Hồng Đà Lạt được mùa giá rẻ lại bị hiểu nhầm là hàng Trung Quốc nên người tiêu dùng không mặn mà.

Không chỉ hồng giòn, hồng trứng của Đà Lạt cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi giá sản phẩm này cũng đứng ở mức hơn 6.000 đồng/kg, tại Đà Lạt chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Toàn Khánh (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI