Đừng để chưa được 'chứng' đã sớm... đi chầu Thánh Gióng

04/03/2015 - 10:53

PNO - PN - Người ta mượn lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của họ, kết nối tình bạn bè, tình thân; còn ta làm lễ hội để người ghét người, người đạp người.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dung de chua duoc 'chung' da som... di chau Thanh Giong

Cướp lộc ở hội Gióng - Nguồn ảnh: Đời sống và Pháp luật.

Từ ngày đất nước chuyển mình, đời sống nhân dân khá hơn chút ít về kinh tế so với thời bao cấp thắt lưng buộc bụng thì các lễ hội cũng được phục hồi, và nảy sinh thêm khá nhiều lễ hội mới.

Theo thống kê, toàn Việt Nam có 8.902 lễ hội. Trong đó, có 7.005 lễ hội dân gian truyền thống , 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng và 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài. Như vậy, bình quân một ngày, có gần 30 lễ hội được tổ chức. Đây có thể nói là lãng phí lớn về nhiều mặt của đất nước. Lãng phí tiền của, lãng phí thời gian, lãng phí công sức, lãng phí sinh mạng…và lãng phí cả thanh danh của một nước hơn mấy ngàn năm văn hiến.

Theo định nghĩa của Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình...”. ( Cơ sở văn hóa Việt Nam, 1996, Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM).

Văn hóa hiểu theo người bình dân là cái gì đẹp đẽ, tinh hoa đã được chọn lọc, đã được cắt bỏ những thứ bẩn thỉu, xấu xa. Và ai gần cái gì gọi là “văn hóa” tự nhiên phải “hóa văn”, có nghĩa là phải đẹp hơn từ đời sống tinh thần đến hình hài, đến vật chất.

Thế mà, nhìn các “lễ hội văn hóa” diễn ra từ Nam chí Bắc hiện nay thì phần lớn không đủ tính văn hóa.

Dung de chua duoc 'chung' da som... di chau Thanh Giong

Đầu tiên, phía tổ chức lễ hội không tổ chức được một buổi lễ trang nghiêm, trật tự, có văn hóa và tính thẩm mỹ có thể làm thay đổi tầm nhìn của người dự. Điều này chứng tỏ ban tổ chức và những người có trọng trách quản lý văn hóa ở địa phương thiếu nền tảng kiến thức văn hóa dân tộc, thiếu đầu tư sáng tạo.

Điển hình như lễ hội Gióng ở Sóc Sơn - Hà Nội, năm nào cũng chen lấn, giẫm đạp và tranh giành, cướp lộc Thánh… Những hành vi vô cùng thiếu văn hóa ấy lại diễn ra ngay trong lễ hội tôn vinh một bậc được tôn làm Thánh trong lòng dân gian bởi tính sẵn sàng xả thân cứu nước khi lâm nguy và không cần báo đáp, không cần dựa vào công cán của mình để bắt người khác phục tùng, cung phụng đền ơn.

Một hình tượng đẹp đẽ về nhân cách đến thế, mà những người làm quản lý văn hóa không tổ chức nổi một vở kịch, một vở tuồng hấp dẫn cho người xem tự soi rọi mình, cho học sinh - sinh viên học hỏi, cho bạn bè quốc tế ngưỡng mộ… Đằng này, càng làm, càng mất đi hình ảnh đẹp đẽ trên.

Thử hình dung, có một sân khấu nho nhỏ được dựng lên, người du xuân chia làm nhiều đợt đến xem kịch, xem tuồng trong một không gian thanh tịnh, trang nghiêm, trật tự. Sau đó, ai cũng được phát những tờ “lộc” in những câu tục ngữ hay, những câu nói hay dạy cách cư xử, ăn ở, làm người của tiền nhân, tiền bối, cao nhân… đem về nhà suy ngẫm và hành động thì hội Gióng sẽ hay, sẽ đẹp, sẽ thu hút khách du lịch quốc tế… Sẽ là nơi ai đến cũng vui, ai về cũng thấy nhẹ nhàng thư thái hay xúc động tâm can bởi diễn xuất xuất thần của diễn viên, bởi sự thưởng ngoạn vô cùng lịch lãm của khán giả hay khách du xuân.

Hay sau màn diễn đó là lễ tôn vinh những người vượt khó vươn lên số phận, những người có phẩm hạnh đáng kính trong làng, trong xã… Có thế mới xứng đáng là “di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Đằng này, năm nào cũng bấy nhiêu đó, cũng cúng vái, van xin thần thánh, cũng tranh giành, cướp giật, đánh đập, giẫm đạp lên nhau chỉ vì “lộc”… Ngay cái tục tung hoa tre để khách tranh giành cướp bóc nhằm cướp lộc mang về cho nhà mình may mắn là do người đời sau thêm vào chứ Gióng không hề dạy con cháu làm thế.

Việc tranh giành, cướp bóc hoa tre dâng cho Gióng sau khi cúng không biết có mang lại may mắn cho ai trong tương lai hay không nhưng rõ ràng rất dễ dẫn đến đánh nhau, giẫm nhau khiến cho người du xuân sớm chầu…Thánh Gióng! Việc này nên sớm bỏ khỏi lễ hội.

Gióng bản tính không tranh giành, thì Gióng cũng chỉ phù hộ cho ai làm ăn lương thiện, không chà đạp đồng loại mà sống. Vậy thì thử hỏi những kẻ sừng sộ, cầm gậy gộc đánh đồng loại để cướp hoa, hay cướp ấn ở đền Trần có thể được may mắn do các ngài đức rộng như trời cao kia phù hộ?

Tất cả do một nhóm lợi ích bày vẽ ra để thu lợi. Rồi những người dân quá khó khăn chưa tìm ra phương kế thay đổi số phận hay lười lao động đến tranh giành để cầu may.

Tuy nhiên, tệ hại hơn, ngày càng có nhiều trí thức có trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, các viên chức, công chức cũng tham gia…tranh giành lộc, tranh giành ấn với dân nghèo. Cũng vì thiếu tự tin với bản thân mình hay là muốn thần thánh giúp cho “tồn tại” qua mùa thanh tra, hay xin thần thánh giúp lên chức, tăng lương trước thời hạn! Trí thức như vậy thì chỉ làm nguy tổn sức mạnh quốc gia.

Ngay cả một người có chức có quyền, có học thức như phó ban tuyên giáo của một thành phố lớn còn phát biểu một cách “ không còn gì để nói” như sau: “Lưu ý từ cướp, nhiều người nghĩ là cướp giật. Cướp ở đây phải đặt trong ngoặc kép, cướp có văn hóa. Nhiều người bảo tại sao không phát lộc kiểu như phát ấn đền Trần. Vấn đề ở đây là phải cướp, có sự cố gắng, có dấu ấn cá nhân chứ không phải tự nhiên lộc thánh đến với mình”.

Bác Hồ từng chỉ thị trong những năm đầu mới thành lập chính quyền cách mạng: cái gì do lịch sử, do truyền thống để lại mà có ích cho dân về mặt trí tuệ, nhân cách, sức khỏe, vật chất... thì phát huy, cái gì ngược lại chỉ gây tổn hại về sức khỏe, tiền bạc, phẩm hạnh, thời gian…thì dẹp bỏ.

Do đó, việc cướp hoa tre, hay phát ấn, cướp ấn đền Trần, theo tôi, nên mạnh dạn loại bỏ khỏi các lễ hội trên.

Dung de chua duoc 'chung' da som... di chau Thanh Giong

Cần tổ chức làm sao cho dân thấy được ân đức của tiền nhân, nhân cách của tiền nhân mà học hỏi. Không tổ chức theo kiểu kích hoạt phần thú tính con người. Vì con người trong đám đông phần lớn rất dễ bộc lộ thú tính của mình khi có hiện tượng tranh giành, đánh nhau, giẫm đạp, chưa kể phản ứng dây chuyền, lây lan của đám đông tiêu cực sẽ dẫn đến nảy sinh chuyện khó lường. Lúc ấy không còn lễ hội văn hóa mà chỉ còn lễ hội văng…họa.

Nếu ai từng đi Thái Lan trong dịp tết cổ truyền Songkran thì thấy rõ lễ té nước chúc may mắn của họ diễn ra rất vui vẻ, nhẹ nhàng và đầy tình thân. Dù khách nước nào đến cũng tham gia nhiệt tình, ai cũng ướt nhem nhưng ai cũng nở nụ cười và chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Họ đã quốc tế hóa được hình ảnh lễ hội của họ.

Quan chức Việt Nam đi Thái Lan không ít, thế mà chưa thấy ai có một sáng kiến gì để tổ chức lễ hội cho đúng tính chất là lễ hội văn hóa. Thật đáng buồn.

Người ta mượn lễ hội để tôn vinh vẻ đẹp truyền thống của họ, kết nối tình bạn bè, tình thân, còn ta làm lễ hội để người ghét người, người đạp người.

Lễ hội làng Gióng vừa lan truyền đi bao hình ảnh xấu, bây giờ tiếp nối là lễ phết Hiền Quan, lễ khai ấn đền Trần… Hầu như lễ hội nào cũng đầy mê tín, đầy bạo lực và đầy chất mua thần bán thánh. Tiền, hương, hoa…. các thần các thánh không hưởng, chỉ có nhóm người mệnh danh thờ thần thánh hưởng.

Những người dân nghèo khổ tranh giành, đánh đập, giẫm đạp lên nhau để cướp lộc thánh…thì mãi nghèo vì tư duy và nhân cách không đổi. Vậy để làm chi nhiều lễ hội vô bổ như thế khắp đất nước?

Chỉ cần mỗi làng, mỗi xã, mỗi người dân nơi có thờ các thần thánh có công với nước nói riêng và cả nước nói chung, nhất là các vùng đất còn khó khăn hãy học đức hạnh của các ngài mà siêng năng lao động, siêng năng học tập chuyên môn, học cách làm kinh tế, học công nghệ khoa học, học cách người tôn trọng người, tôn trọng thiên nhiên…thì không cầu, may mắn cũng đến. Không đến đền xin lộc thì chắc chắn thần thánh cũng gõ cửa mà cho.

Dân chưa làm được thế thì người làm lãnh đạo phải chỉ bảo nhân dân làm. Có đâu lãnh đạo cũng là những cánh tay giành giật, chìa xin… ở nơi thánh thần phải bỏ trốn thì bao giờ đất nước mới khá nổi?

Dung de chua duoc 'chung' da som... di chau Thanh Giong

Lễ hội Chém lợn gây nhiều tranh cãi ở Tiên Du, Bắc Ninh.

Thờ thần thánh, tổ tiên đúng nghĩa là luôn nhớ đến các đức hạnh, việc làm tốt đẹp của các ngài mà ứng dụng vào đời sống, là sống và cư xử giữa người với nhau cho tốt đẹp, là rèn luyện thân thể cường tráng, giữ cho tinh thần minh mẫn, thoải mái chứ không thần thánh nào bắt chúng ta đốt cả ngàn tỉ vàng mã, cây nhang, cúng tiền, cúng bạc, cúng áo, cúng quần, cúng xe hay đội mâm cúng sớ giải hạn hàng trăm triệu đồng. Làm thế chỉ thờ quỷ chứ không phải thờ thần thánh, nếu có thần thánh và quỷ ma!

Thói quen của một người tạo ra số phận của người đó, thói quen của hơn 80% dân số cứ chờ thần thánh ban lộc giáng phước, suy nghĩ tiêu cực, tốn thời gian cho những chuyện làm tổn hao sinh lực, hao tốn tiền bạc, thời gian…thì điều gì sẽ xảy ra?

LÂM VĂN NHÂN TIẾN (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI