Đua nhau nâng ngực rồi thi nhau... vào bệnh viện

04/11/2019 - 07:00

PNO - Nhiều chị em hơn thua nhau từng mi-li-mét túi độn ngực, kết quả phải vào bệnh viện cầu cứu do biến chứng của những lần liên tục “biến cam thành bưởi”.

“Cuộc chiến” kích cỡ

Sinh con xong, chị N.T.T.T. (32 tuổi, ở Bình Dương) mất tự tin vì vòng một ngày càng nhỏ. Ban đầu, chị cố gắng chịu đựng với hy vọng đến lúc cai sữa cho con, chị sử dụng kem dưỡng, mát-xa sẽ đỡ hơn. Tuy nhiên, mọi chuyện như giọt nước tràn ly khi một người em họ gọi đùa là “bà chị hai lưng”.

Chị T. đành lén đi nâng cấp vòng một ở tiệm spa gần nhà. Chủ tiệm spa tư vấn chị tiêm mỡ nhân tạo sẽ tự nhiên và an toàn, bơm ngực một thời gian, mỡ sẽ tự tiêu, thấy hợp lý, chị T. chọn gói nâng ngực hơn ba triệu đồng. Chị khá hài lòng vì kích cỡ cải thiện thấy rõ.

Dua nhau nang nguc roi thi nhau...  vao benh vien
Tiến sĩ - bác sĩ Phan Minh Hoàng đang khám lại cho bệnh nhân

Chưa kịp vui, ba ngày sau bơm ngực, chị cảm thấy ngực bên trái sưng, đau, nghĩ do vừa làm đẹp xong nên chị ra tiệm mua thuốc uống. Thêm hai ngày, ngực bên phải cũng có triệu chứng tương tự, ngực bên trái bắt đầu thâm tím, chảy dịch, chị sốt cao không hạ nên đến bệnh viện khám. Bác sĩ nhận định ngực của chị T. bị nhiễm trùng nặng, có dấu hiệu hoại tử. 

Người nhà phải đưa chị đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để điều trị. Sau thăm khám, các bác sĩ quyết định xử lý ổ dịch, cắt lọc mô hoại tử, loại bỏ phần mỡ nhân tạo còn sót lại cho chị. Tuy vết thương được kiểm soát, sức khỏe hồi phục tốt nhưng chị bị khủng hoảng, không biết làm cách nào để đối diện với người thân.

Không xuất phát từ tự ti về ngoại hình như chị T., chị H.T.X. (25 tuổi) và chị P.K.T. (23 tuổi, cùng ở Q.Thủ Đức, TP.HCM) tuy là bạn, ở chung dãy nhà trọ nhưng luôn ganh đua nhau về sắc đẹp. Đầu năm 2018, thấy chị X. đi nâng mũi, chị K.T. liền đến một tiệm spa để nâng mũi và cắt lúm đồng tiền. 

Không muốn thua bạn, chị X. lại đến một cơ sở mát-xa ở Q.Bình Thạnh tiếp tục nâng mũi để được khuyến mãi nhấn mí mắt. Từ năm 2018 đến đầu năm 2019, chị X. đã thực hiện nâng mũi, cấy chỉ mũi, nối mi, nâng ngực… Không thua kém bạn, chị K.T. cũng có sáu lần đi làm đẹp, từ mặt đến ngực, bụng.

Dua nhau nang nguc roi thi nhau...  vao benh vien

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết đa phần người làm đẹp ở các cơ sở không uy tín do tâm lý thích rẻ, nhiều khuyến mãi

 

Cách đây vài tháng,  chị T. vào Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM để khám do ngực sưng căng, có nhiều cục cứng nghi do silicon gây nên. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán, chị T. bị silicon vón cục gây biến chứng trong mô vú phải mổ cắt lọc gần như toàn bộ mô vú.

Chị K.T. phẫu thuật xong hai ngày, chị X. cũng được bạn bè đưa đến bệnh viện do sốt cao, mệt mỏi, than đau mũi, ngực. Theo chẩn đoán, chị bị tràn dịch bao quanh túi ngực do bơm ngực quá to, buộc phải hút dịch ngay để giảm áp lực. Sau đó, ê-kíp bác sĩ đã hội chẩn, mổ xử lý các bao xơ xung quanh túi ngực, loại bỏ silicon lỏng, cắt da thừa cho chị.

Sau khi ổn định, cả hai chị được xuất viện về nhà, phải khám theo lịch hẹn, đợi khi tổn thương lành, bác sĩ sẽ phẫu thuật thẩm mỹ lại vùng ngực cho hai chị. Riêng chị T. phải tiếp tục phẫu thuật “giải cứu” phần mũi vì có dấu hiệu biến chứng từ việc nâng mũi trước đó.

Triệu chứng của bệnh tâm lý

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: “Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân bị biến chứng vì làm đẹp. Đa số là phụ nữ độ tuổi từ 20-55, làm đẹp ở các tiệm spa, mát-xa. Trong đó, khoảng 60% ca bệnh do phẫu thuật nâng mũi; ngoài ra biến chứng cắt mí mắt, nhấn mí, xăm môi cũng đang tăng; biến chứng từ nâng ngực ít hơn nhưng rất nặng, đã có trường hợp tử vong”.

Theo bác sĩ Tuấn, một số ít người “nghiện” làm đẹp, chỉ cần một thời gian không đi “trùng tu” hoặc thấy người khác vừa làm đẹp xong thì bản thân sẽ bứt rứt, khó chịu. Đây có thể xem là triệu chứng của bệnh tâm lý. Phần lớn những người này đều ở các tỉnh, thành đến TP.HCM để làm công nhân. 

Chị em lại thường so kích cỡ với bạn bè rồi tiếp tục đi phẫu thuật với tần suất dày đặc, với mong muốn đổi “cam” lấy “bưởi”, lần sau phải to hơn lần trước. Thông thường, chị em tìm đến các cơ sở làm đẹp chui, tiệm spa… để được khuyến mãi, sau đó bị biến chứng nặng nề.

Một khi đã gặp biến chứng, chi phí điều trị sẽ cao gấp nhiều lần so với làm đẹp, thời gian phục hồi cũng kéo dài nhiều năm. Lúc này, chưa biết ai đẹp hơn ai, mà tổn thương, sẹo xấu, nợ nần đã kéo đến. 

Tiến sĩ - bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Phan Minh Hoàng, Phó giám đốc Bệnh viện Quận 2, khuyến cáo: khi đã phẫu thuật thẩm mỹ, bản thân mình phải là người thụ hưởng đầu tiên. Mình làm đẹp cho bản thân nhằm có thêm sự tự tin, chủ động trong mọi việc, từ đó mang lại thành công, chứ không phải hơn thua với người bên cạnh. 

Khi chọn nâng ngực, ít khách hàng có khái niệm về kích cỡ nào phù hợp với mình mà thường so sánh với bạn bè xung quanh. Ví dụ một người khoe vừa đặt túi ngực 300ml, người kia sẽ cảm thấy thua thiệt khi của mình chỉ có 275ml. Ban đầu, đa số chị em đều mong muốn đặt túi ngực sao cho ngực kích cỡ nhỏ, tự nhiên. Sau phẫu thuật, chị em cũng rất hài lòng, nhưng được một thời gian thì quay lại “trách móc” sao lúc trước bác sĩ không sử dụng túi to hơn một chút. 

Chị em nên nhớ đặt túi ngực to không phải là đẹp, túi ngực đẹp phải giúp ngực hài hòa, cân đối được tổng thể hình dáng của cơ thể. Chưa kể, đặt túi ngực quá to, khuôn vai sẽ không đủ lớp mô để che phủ khiến nguy cơ lộ túi ngực rất lớn, đặt quá căng có thể bị bao xơ co thắt, biến chứng. 

Đặc biệt lưu ý, ngoài khám sức khỏe toàn bộ, chị em không được chủ quan nếu trước đó bản thân đã từng gây tê hoặc gây mê khi sinh con, nhổ răng, hay các tiểu phẫu khác vì đã phẫu thuật thì các yếu tố nguy cơ phải được kiểm soát.

Khi  muốn làm đẹp, mọi người đừng chạy theo tin đồn, quảng cáo của mạng xã hội, hay truyền miệng tiệm spa, mát-xa có nhiều khuyến mãi, giá quá rẻ… nhất là quảng cáo về thâm niên hành nghề của bác sĩ. Nếu quá khó khăn trong việc tìm cơ sở uy tín, người dân có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để được tư vấn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI