Dự thảo thi tốt nghiệp THPT: Học sinh lựa chọn môn âm nhạc, mỹ thuật sẽ thiệt thòi

29/08/2023 - 15:03

PNO - Dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không có môn mỹ thuật, âm nhạc dù các môn này nằm trong Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh ở bậc này.

Thiệt thòi cho học sinh

Theo Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, học sinh sẽ thi 6 môn bao gồm 4 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử cùng 2 môn lựa chọn trong tổng số các môn: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Thực tế các môn lựa chọn ở bậc THPT còn bao gồm mỹ thuật, âm nhạc. Nhiều giáo viên, nhà trường cho rằng việc “co” số môn lựa chọn trong ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đã vô tình làm mất quyền lợi của học sinh, gây thiệt thòi cho những học sinh chọn mỹ thuật và âm nhạc ở bậc THPT.

Học nhưng không được chọn thi sẽ là thiệt thòi cho học sinh
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong giờ học mỹ thuật

Cô Nguyễn Hoàng Thanh Tâm - Phó hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận - cho hay, khi thiết kế triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, các trường đều cố gắng tổ chức giảng dạy môn mỹ thuật và âm nhạc dù rất khó khăn về đội ngũ giáo viên. Việc tổ chức các môn này nhằm phát huy tối đa mục tiêu giáo dục mà chương trình hướng đến là phát triển phẩm chất, năng lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh gắn với các môn học lựa chọn.

Hơn nữa, đây là 2 môn học ngoài sở thích ra còn phải có năng khiếu. Như vậy, số học sinh chọn học 2 môn này đều là những em có mong muốn theo học các ngành nghề liên quan đến bộ môn sau này.

“Việc Dự thảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không đề cập đến 2 môn này trong số các môn thi sẽ gây thiệt thòi cho những em lựa chọn học 2 môn này” - cô Tâm nhìn nhận.

Năm học 2022-2023, khu vực quận 12, huyện Hóc Môn chỉ có duy nhất Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) đưa môn mỹ thuật vào giảng dạy cho học sinh khối 10. Số học sinh lựa chọn học trong năm đầu tiên là 60 em.

Thầy Nguyễn Hữu Hiếu -giáo viên dạy hợp đồng môn mỹ thuật tại trường - đánh giá, đây là những học sinh có năng lực, đam mê và định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng. Vì thế, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 nếu không có môn mỹ thuật thì không chỉ thiệt thòi cho học sinh mà còn khiến các em mất một cơ hội, một phương thức xét tuyển vào trường đại học bằng kết quả thi.

“Khi học sinh yêu thích, định hướng chọn học, các em học rất trách nhiệm và say sưa. Do đó, nếu môn học trở thành môn thi được lựa chọn thì các em càng có trách nhiệm và ý thức học hơn” - thầy Hiếu nói.

Học sinh bớt thiết tha, nhà trường bớt mặn mà

Giai đoạn THPT trong Chương trình GDPT 2018 được xác định là giai đoạn định hướng nghề nghiệp cho học sinh thông qua việc các em được chọn môn lựa chọn. Trong năm đầu triển khai ở khối 10, các trường THPT thiết kế nhiều phương thức tổ chức môn học lựa chọn gắn với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Việc “vắng bóng” môn nghệ thuật trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có thể khiến học sinh bớt nhiệt huyết, nhà trường không còn say mê khi tổ chức giảng dạy, mục tiêu định hướng nghề nghiệp thiếu trọn vẹn. 

Tại TPHCM, không nhiều trường THPT tổ chức dạy môn mỹ thuật vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất… song vẫn có một số trường đã xoay xở nhiều cách để đưa môn học nghệ thuật vào giảng dạy, từ việc hợp đồng với giáo viên mỹ thuật tiểu học cho đến mời giảng viên nhạc viện, đại học về trường thỉnh giảng. 

Thiệt đơn, thiệt kép nếu mỹ thuật, âm nhạc không được chọn là môn thi tốt nghiệp
Năm học 2022-2023, Trường THPT Bình Hưng Hòa tổ chức 2 lớp mỹ thuật cho học sinh khối 10

“Nếu Bộ GD-ĐT bỏ hẳn mỹ thuật và âm nhạc ra khỏi các môn thi tốt nghiệp thì các trường có lẽ sẽ bớt nhiệt huyết hơn để đưa 2 môn này vào giảng dạy, vì rõ ràng giảng dạy mà không phục vụ thi cho học sinh thì cả thầy, trò, nhà trường và phụ huynh học sinh bớt nhiệt huyết, mặn mà” - hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 chia sẻ.

Trong năm học 2022-2023, Trường THPT Bình Hưng Hòa tổ chức 2 lớp mỹ thuật và 1 lớp âm nhạc cho học sinh khối 10 thông qua cơ chế hợp đồng thỉnh giảng.

Đại diện nhà trường cho biết, khi định hướng tổ chức giảng dạy, nhà trường luôn gắn với mục tiêu đa dạng các lựa chọn ngành nghề cho học sinh từ sớm. Việc giảng dạy mỹ thuật, âm nhạc từ bậc THPT sẽ giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp gắn với các môn này được trải nghiệm, học hỏi và cạnh tranh vào việc xét tuyển đại học.

Đại diện nhà trường băn khoăn, nếu đưa môn học vào dạy theo định hướng nghề nghiệp nhưng lại không được thi để định hướng nghề nghiệp thì lâu dần mỹ thuật, âm nhạc cũng sẽ chỉ trở thành môn học trải nghiệm ở trường THPT, học sinh sẽ không còn thiết tha theo học, còn trường THPT có lẽ cũng bớt mặn mà với việc đưa 2 môn này vào giảng dạy.

Hơn 5 tháng lấy ý kiến chỉ nhận được 57 góp ý

Từ giữa tháng 3/2023, Bộ GD-ĐT bắt đầu lấy ý kiến rộng rãi về góp ý dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đến nay Bộ chỉ ghi nhận được 57 ý kiến đóng góp. 

Ông đặt vấn đề, một dự thảo quan trọng như vậy nhưng bao nhiêu ý kiến đóng góp trong đó là của lãnh đạo sở, lãnh đạo trường học. Việc không đóng góp thẳng thắn, mạnh dạn song đến khi thông qua, đưa vào triển khai thực hiện thì lại than khó, than vướng. “Đến 30/9 tới đây, Bộ GD-ĐT phải báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án thi này, do vậy càng cần lấy ý kiến, rộng rãi trong quần chúng, thầy cô, giúp lãnh đạo Bộ đề xuất tham mưu thường trực Chính phủ” - ông đề nghị. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI