Du lịch Phú Quốc giảm sức hút, vì sao?

22/05/2023 - 08:03

PNO - Năm 2022, sau các đợt dịch COVID-19, thành phố đảo du lịch Phú Quốc đón lượng khách tăng đột biến nhưng năm nay, các chỉ số lượng khách, tỉ lệ lấp kín phòng, doanh thu của Phú Quốc đều giảm mạnh.

Lượng khách, doanh thu đều giảm 

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, có khoảng 112.000 lượt khách du lịch đến TP Phú Quốc, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2022; tỉ lệ kín phòng chỉ đạt gần 60%; du khách đến bằng đường hàng không giảm gần 30%; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 132,5 tỉ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ. 

Ngày thường, lượng khách tới thành phố đảo này cũng ít, trái ngược với năm 2022. Năm 2022, dù mở cửa du lịch trở lại sau thời gian dài bị dịch COVID-19, Phú Quốc vẫn đón 4,7 triệu lượt khách, tỉ lệ kín phòng luôn ở mức 80 - 90%, kể cả vào mùa thấp điểm du lịch.

Nhiều điểm tham quan, du lịch ở TP Phú Quốc từng thu hút rất đông khách du lịch trong năm 2022 - ẢNH: QUỐC THÁI
Nhiều điểm tham quan, du lịch ở TP Phú Quốc từng thu hút rất đông khách du lịch trong năm 2022 - Ảnh: Quốc Thái

Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Kiwi Travel (TPHCM) - cho biết, lượng khách đặt tour theo đoàn ra Phú Quốc của Kiwi hè này giảm phân nửa so với hè năm 2022. Theo ông, du lịch Phú Quốc giảm sức hút là do các dịch vụ không còn thân thiện như trước đây. Rõ nhất là các nhà hàng, dịch vụ ăn uống đua nhau chi hoa hồng cho tài xế taxi, xe dịch vụ để có được nguồn khách. 

Đường bay, chuyến bay quốc tế đến Phú Quốc giảm

Hiện nay, có 3 đường bay quốc tế đến Phú Quốc là Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan; đường bay từ Ấn Độ đến Phú Quốc đang tạm ngưng do vắng khách; các chuyến bay thuê bao (charter) kết nối Đài Loan (Trung Quốc) đến Phú Quốc cũng đang tạm ngưng.

Ông Bùi Quốc Thái cho hay, trong thời gian tới, UBND tỉnh, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang sẽ làm việc với các hãng hàng không, đề xuất, kiến nghị với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính để có mức giá vé máy bay phù hợp; đề xuất Chính phủ xem xét tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh lên 60 ngày, miễn thị thực nhập cảnh cho du khách đến từ các thị trường nhiều tiềm năng như châu Âu, châu Úc, châu Mỹ; vận động doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với các thị trường mục tiêu, trọng điểm; phối hợp với các hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không tổ chức quảng bá du lịch Phú Quốc ở một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc…

Theo ông Phạm Quý Huy, khi mở cửa trở lại sau các đợt dịch COVID-19, lượng khách đến Phú Quốc tăng mạnh. Lẽ ra, khi lượng khách tăng thì giá cả phải giảm nhưng thực tế, giá dịch vụ càng tăng. Đây là điều hết sức vô lý. “Tiền bồi dưỡng cho tài xế lẽ ra chủ dịch vụ phải chịu nhưng họ lại đưa vào giá khiến du khách phải chi trả nhiều hơn, và họ rất dễ nhận ra điều đó” - ông nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Image Travel & Event (TPHCM) - trước khi có dịch COVID-19, Phú Quốc đón nhiều khách quốc tế, nhất là khách châu Âu, châu Á, trong khi lượng khách sạn ít. Sau dịch, số khách sạn đã tăng lên gấp 2-3 nhưng chủ yếu đón khách châu Á, chưa có khách Âu trở lại. Hiện đang là mùa thấp điểm nhất của khách du lịch châu Âu, nguồn khách trong nước cũng vắng do học sinh, sinh viên chưa nghỉ hè. Phú Quốc đông khách vào dịp lễ những năm trước, nay vắng có thể do nhiều người muốn nghỉ ngơi ở nhà hơn là chen chúc, tranh giành nhau chỗ ăn, chỗ chơi ở các điểm du lịch.

Cần thay đổi cách làm 

Chiều 15/5, UBND TP Phú Quốc đã tổ chức cuộc họp để mổ xẻ các vấn đề của du lịch. Các đại biểu cho rằng, lượng khách giảm chủ yếu do giá vé máy bay tăng cao; nhiều du khách đặt tour đến Phú Quốc đã phải hủy tour do giá vé máy bay quá cao. Ngoài ra, giá dịch vụ đắt đỏ, tình trạng kinh doanh chụp giật, bát nháo cũng góp phần vào tình trạng này. Khi du lịch Phú Quốc tăng trưởng nóng, nhiều chủ kinh doanh đã thiếu chăm chút cho dịch vụ của mình, nhất là các dịp cao điểm (lễ, tết, hè). 

Theo một số chủ nhà hàng ở TP Phú Quốc, chi phí vận chuyển từ đất liền ảnh hưởng lớn tới cơ cấu giá thành hàng hóa trên đảo. Nhiều đơn vị phải trả chiết khấu từ 20 - 30% doanh thu cho tài xế khi đưa khách đến nhà hàng khiến giá đồ ăn, thức uống đến người dùng cao hơn.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho rằng, giá cả hàng hóa ở Phú Quốc cao hơn nơi khác do phải đưa từ đất liền ra; chi phí thuê mặt bằng, tiền công trả cho người lao động dịp lễ, tết cũng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường; các dịch vụ còn tốn chi phí quảng bá, hoa hồng cho đối tác gửi khách. Tuy nhiên, không có chuyện “chặt chém” bởi giá đã được niêm yết, du khách có thể lựa chọn tùy theo khả năng tài chính của mình.

Để thu hút du khách, ngành du lịch tỉnh Kiên Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư địa phương về xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững; tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Toản góp ý, Phú Quốc cần tập trung thu hút khách quốc tế, trong đó chú trọng khách châu Âu, châu Mỹ. Phú Quốc được định hướng, quy hoạch là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm quốc gia và quốc tế, nên cần chú trọng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. 

Vì sao giá vé máy bay đến Phú Quốc cao?

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị - cho biết: lý do giá vé máy bay đi Phú Quốc gần đây đắt đỏ là hiện các chuyến bay đi Phú Quốc thường chỉ đầy ở chiều đi, chiều về không có khách, máy bay hầu như chỉ chở các loại hải sản như cá, tôm, cua, mực… nên chi phí chiều đi phải gánh cả cho chiều về. 

Một số hãng hàng không khác cũng cho biết thêm có nhiều nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao từ sau dịch, không chỉ tập trung vào các dịp nghỉ lễ, tết. Cụ thể là do vấn đề cung cầu. Dịch vụ vận chuyển hàng không mang tính mùa vụ cao. Ở các giai đoạn cao điểm như hè hay dịp lễ 30/4 và 1/5, nhu cầu đi lại tăng đột biến trong khi nguồn cung của các hãng có hạn, dẫn đến giá vé bị đẩy lên. Vào ngày thường, nhu cầu đi lại cũng cao hơn cùng kỳ 1 năm trước. 
Theo đại diện Vietnam Airlines, giá vé được các hãng thực hiện theo cơ chế dải linh hoạt, gồm nhiều mức từ thấp đến cao với các điều kiện khác nhau để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Loại vé giá thấp sẽ đi kèm hạn chế như không được hoàn hủy, đổi chuyến, giờ bay không đẹp. Khách mua sớm sẽ có cơ hội mua giá thấp, sát ngày phải trả giá cao hơn.

Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI