Du học sinh Việt gồng mình với “bão giá” ở trời Tây

26/09/2022 - 06:21

PNO - Tình hình lạm phát, giá cả leo thang ở châu Âu, Mỹ, Canada… đã tác động mạnh đến đời sống của các du học sinh. Nhiều bạn phải đau đầu tìm cách “giảm chi, tăng thu”, xoay xở trong cơn “bão giá”.

Tiền thuê nhà: Chi phí đau đầu nhất 

Tốt nghiệp Đại học Fordham (New York, Mỹ) từ tháng 5/2022, Nguyễn Lê Bích Quân quyết định chuyển chỗ ở từ trung tâm TP.New York ra vùng ngoại ô để giảm bớt gánh nặng cho gia đình trong thời gian Quân vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Trước đó, Quân ở cách trung tâm thành phố khoảng 6km, giá thuê một căn phòng trung bình 15m2 khoảng chừng 1.200 USD, nay tăng khoảng 1.800-2.000 USD. Con số đó vượt quá tổng mức chi tiêu sinh hoạt phí hằng tháng của Quân mấy năm nay, chỉ khoảng 1.500 USD.

Du học sinh tại châu Âu, Mỹ, Canada… đang chật vật xoay xở trong “bão giá”.  Ảnh: Sinh viên tại Đại học Artois (Arras, Pháp)
Du học sinh tại châu Âu, Mỹ, Canada… đang chật vật xoay xở trong “bão giá” - Ảnh: Sinh viên tại Đại học Artois (Arras, Pháp)

Quân cho biết, sau đợt dịch COVID-19, giá thuê nhà tại New York cao hơn 1,5 lần so với trước. Chi phí đi lại, các mặt hàng thực phẩm, ăn uống cũng cao hơn. Ví dụ, một vé tàu điện di chuyển khoảng cách ngắn trước đây là 2,5 USD, giờ tăng lên khoảng 2,75 USD. 

Với những du học sinh đang sống tại các thành phố lớn ở Mỹ, tiền thuê nhà là khoản chi tiêu “đau đầu” nhất. “Để tiết kiệm chi tiêu trong giai đoạn vật giá leo thang như hiện nay, không cách nào khác hơn là đi xa trung tâm”, Quân nói. Nhưng đó không phải là phương án thuận lợi với đa số các bạn sinh viên, bởi càng rời xa trung tâm thì chi phí đi lại tăng lên do giá cước tăng theo giá nhiên liệu đang cao ngất ngưởng. Chưa kể, việc ở xa trung tâm sẽ mất thêm một khoảng thời gian hằng ngày dành cho việc di chuyển, gây bất tiện cho những hoạt động học tập tại trường.

Nơi ở hiện tại của Quân là tầng 1 của một ngôi nhà ngoại ô, cách trung tâm thành phố chừng 20km, được thuê với giá 1.200 USD/tháng. Quân lựa chọn chuyển chỗ ở vì hiện nay không còn phải đến trường hằng ngày như trước, do đó, mỗi tháng em tiết kiệm thêm khoảng 130 USD tiền vé sử dụng các phương tiện công cộng. Để vẫn có thể gói gọn chi tiêu hằng tháng ở mức 1.500 USD, Quân tự nấu ăn ở nhà, bớt đi chơi, đi ăn hàng quán bên ngoài… Bên cạnh đó, Quân cũng kiếm thêm hai mối dạy ngoại ngữ online cho những người có nhu cầu để có thêm thu nhập trong thời gian tìm một công ty xin thực tập có trả lương.

Cũng như Quân, để đối phó với tình hình giá cả tăng cao, nhiều du học sinh ở Mỹ cũng đã tìm cách xoay xở làm thêm, mong muốn có nguồn thu nhập để phụ gia đình trang trải chi phí học tập, mặc dù việc sinh viên quốc tế đi làm thêm là không được cho phép ở Mỹ ngoại trừ các công việc trong trường.

Stress với việc loay hoay cắt giảm chi tiêu

Nguyễn Trung Khoa, sinh viên Đại học British Columbia (Vancouver, Canada) - thì cảm thấy stress nhiều hơn trong mấy tháng qua khi phải bắt đầu học cách cân đo đong đếm chuyện chi tiêu hằng ngày. “Hễ mở mắt ra là em thấy cái gì cũng tiền, tiền, tiền. Nay mua cái gì, hoặc phải bớt chi cho cái gì, đều cân nhắc kỹ chứ không phải cứ cần là mua như trước nữa vì giá cả “trên trời” hết”, đó là chia sẻ của Khoa - một “cậu ấm” chưa từng phải đau đầu về chuyện tiền nong trong cuộc sống học tập tại Canada cho đến đầu năm nay. 

Khoa cho biết, hiện nay, vào quán ăn một tô phở phải trả 15-16 CAD, trong khi cách đây chưa đầy một năm, giá là 11 CAD. Giá của một ký gạo hoặc một ký rau củ bán tại siêu thị đều tăng trung bình 2-3 CAD. Đặc biệt, khoản tăng cao nhất là tiền thuê nhà. Căn hộ em đang thuê chung với người khác có giá 2.950 CAD, trong khi năm ngoái, chỉ ở mức giá 2.400 CAD. Giá thuê nhà tăng cao đến nỗi chính quyền địa phương phải ra quy định áp mức tăng giá trần không quá 20%.

“Mặc dù chính phủ đã nỗ lực để giảm bớt áp lực cho người dân, tuy nhiên, nhiều thứ tăng cùng lúc đã gây không ít khó khăn cho những sinh viên du học bằng học bổng một phần và điều kiện gia đình không quá khá giả. Cả những bạn gia đình có điều kiện hơn cũng bắt đầu học cách tiết kiệm chứ không dám xài xả láng như trước nữa”, Khoa chia sẻ. 

Đặc biệt, khủng hoảng giá cả càng nặng nề hơn ở Anh trong suốt chín tháng qua. Bạn Nguyễn Phương Thanh - du học sinh đang học tại London - cho biết không chỉ tiền thuê nhà, chi phí thực phẩm, ăn uống, di chuyển, mà tiền điện, nước hiện là nỗi ám ảnh của sinh viên khi đang tăng xấp xỉ 3 lần so với đầu năm. Do đó, trong những tháng gần đây, tiền thuê nhà ở Anh thường không bao gồm tiền điện, nước như trước mà sinh viên phải tự chi trả. Trong khi đó, có trường còn tăng học phí 10% trong năm học mới. Thanh cho biết, tại London, nhiều du học sinh phải chuyển chỗ ở ra xa trung tâm, hằng ngày đi chợ nấu ăn chung với nhau để giảm bớt phần nào chi phí.

Ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt đến đời sống của du học sinh tại Anh có thể nhìn thấy rõ ràng hơn từ kết quả một cuộc thăm dò do Tổ chức Các trường đại học Vương quốc Anh (UUK) thực hiện. Kết quả khảo sát cho thấy, 67% sinh viên đã thể hiện nhiều lo lắng về việc quản lý chi phí sinh hoạt trong học kỳ này, trong khi đó 55% cho biết, có thể phải bỏ học khi không “gồng” nổi chi phí sinh hoạt tăng cao.

Cuộc sống của tôi tại Pháp tạm ổn nhờ có việc làm thêm

Giá cả sinh hoạt tại Pháp cũng tăng, nhưng may mắn, nhờ có việc làm thêm để tự trang trải sinh hoạt phí mấy năm qua nên hiện tại, cuộc sống của tôi cũng ổn. Hiện nay, trong khi giá cả leo thang thì tiền lương của chúng tôi cũng được tăng chút ít. Thỉnh thoảng, chúng tôi còn được nhận một khoản tiền hỗ trợ từ Chính phủ Pháp. 

Dù sao, Pháp vẫn là một quốc gia có phúc lợi xã hội tốt ở châu Âu và du học Pháp không quá đắt đỏ. Hơn nữa, tôi được tài trợ học phí nên trước cơn bão giá của lạm phát, chỉ cố gắng tiết kiệm tiêu xài hơn trước một chút.

Lê Mỹ Bình (du học sinh ở Pháp)

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI