Đồng Ấu Bạch Long trở lại

22/08/2022 - 07:18

PNO - Những ngày này, nghệ sĩ Bạch Long và các học trò đang ráo riết tập luyện để chuẩn bị cho sự trở lại của thương hiệu cải lương Đồng Ấu Bạch Long vào dịp tết Trung thu 2022.

Ra mắt và nổi đình đám vào thập niên 90, đến nay, Đồng Ấu Bạch Long vẫn được nhắc nhớ là một trong những thương hiệu sân khấu thiếu nhi đầu tiên, cũng như đã đào tạo nên nhiều ngôi sao cải lương như: Vũ Luân, Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Thy Trang…

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và nghệ sĩ Bạch Long hợp tác đưa thương hiệu cải lương Đồng Ấu Bạch Long trở lại
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và nghệ sĩ Bạch Long hợp tác đưa thương hiệu cải lương Đồng Ấu Bạch Long trở lại

Giữ gìn bản sắc cải lương tuồng cổ

Vốn dĩ chỉ muốn làm một nghệ sĩ cần mẫn, nhưng cơ duyên đưa đẩy Bạch Long làm bầu, rồi làm thầy. “Hồi đó, chị Kim Hà - biên tập viên Đài truyền hình TPHCM -  nhờ tôi dựng kịch thiếu nhi Cóc kiện trời để thu hình. Tôi thấy làm kịch nói không ăn với mấy đứa nhỏ nên xin chuyển thành cải lương tuồng cổ để có thêm âm nhạc, vũ đạo, màu sắc này nọ cho hấp dẫn. Chị Kim Hà gật đầu, thế là tôi về tập hợp đám cháu trong nhà rồi mấy con em nghệ sĩ tập vở…” - nghệ sĩ Bạch Long nhớ lại xuất phát điểm của Đồng Ấu Bạch Long.

Vở phát sóng thành công, Bạch Long được khuyến khích thực hiện thêm một số kịch bản theo phong cách này. Cải lương con nít “hot” đến mức giám đốc rạp Đại Đồng lúc bấy giờ kéo Bạch Long đưa đệ tử về rạp diễn. Đang đà máu lửa, Bạch Long quyết định chơi lớn. Khoảng năm 1991, Đồng Ấu Bạch Long chính thức từ màn ảnh nhỏ bước lên sân khấu.

“Làm đoàn rồi mới thấy trầy trật lắm. Thời gian đầu chưa có khách, nhưng dù chỉ 10 - 20 vé, chúng tôi cũng diễn. Nhờ thế mà tiếng lành đồn xa. Lúc ấy, các đoàn người lớn nếu chỉ bán được cỡ 150 vé thì thường nghỉ hát, vì không đủ trả cho ngôi sao. Mỗi khi đoàn người lớn trả vé là khán giả lại dồn sang chỗ chúng tôi” - Bạch Long kể.

Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn học trò tập vở
Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn học trò tập vở

Cứ thế, Đồng Ấu Bạch Long dần lớn mạnh, không chỉ diễn mỗi sáng Chủ nhật, mà chuyển sang lịch diễn hằng đêm như đoàn người lớn, có khi hai suất/ngày. Bạch Long cho biết mình cũng chẳng có bí quyết gì ghê gớm, chỉ là đoàn hát con nít nên mới lạ, thêm vài nhân tố nổi bật, nhất là Vũ Luân trời sinh rất giống ngôi sao Vũ Linh làm khán giả tò mò. “Quan trọng là có bao nhiêu vé, chúng tôi cũng hát. Tôi biết có nhiều khán giả ở xa và cũng khá vất vả để đưa cả nhà đi coi hát. Chúng tôi không thể làm họ thất vọng” - Bạch Long nói.

Mang tiếng làm bầu nhưng Bạch Long thuần túy là người làm nghệ thuật, thiếu kinh nghiệm cũng như không có khiếu làm quản lý. Vì vậy rạp lúc nào cũng kín, nhưng thu không đủ bù chi. Bao nhiêu vốn liếng từ quay video cải lương, chạy show tấu hài của Bạch Long đều đổ vào Đồng Ấu. Đến năm 1996, đoàn ngừng hoạt động khi Bạch Long không thể cầm cự được nữa. Là ông bầu của đoàn hát ăn khách nhưng Bạch Long tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Kết thúc nghiệp làm bầu, nhưng vẫn còn đó nghiệp làm thầy, Bạch Long ý thức phải đào luyện thế hệ kế thừa cho sân khấu cải lương. Vì thế, đoàn ngừng hát thì Bạch Long hợp tác với các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi mở lớp dạy cải lương thiếu nhi. Nhiều bạn nhỏ cũng chủ động tìm đến Bạch Long xin học nghề. Đến nay, có khoảng 100 bạn nhỏ từng được truyền nghề từ Đồng Ấu Bạch Long.

Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn học trò tập vở Nghệ sĩ Bạch Long hướng dẫn học trò tập vở
Ê-kíp vở diễn Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ của Đồng Ấu Bạch Long diễn tạichương trình “Cầu vồng tuổi thơ” vào năm 2012. Nghệ sĩ Bạch Long dựng mới và thay đổi nhiều tình tiết cho phù hợp khán giả thiếu nhi hôm nay ở lần trở lại này của Đồng Ấu Bạch Long.

“Với tôi, Đồng Ấu Bạch Long rất ý nghĩa. Đó không chỉ là thương hiệu sân khấu mình gầy dựng, mà còn là niềm tự hào nối tiếp được truyền thống Đồng Ấu Minh Tơ của gia tộc ngày trước. Và trên hết, tôi mong muốn giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Thông qua Đồng Ấu Bạch Long, tôi chia sẻ hết mọi vốn nghề, mọi sự hiểu biết của mình, hy vọng có thể giúp các bạn trẻ biết và hiểu được những chuẩn mực cần phải giữ gìn của cải lương tuồng cổ - loại hình mà người đi trước đã dày công định hình bản sắc” - nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ.

Chương trình ra mắt đánh dấu sự trở lại của thương hiệu Đồng Ấu Bạch Long dự kiến diễn ra vào sáng 11/9 tại Nhà hát Nón Lá (Cung Văn hóa Lao động) với vở cải lương thiếu nhi Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ. Chương trình được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF hỗ trợ diễn vào sáng Chủ nhật cách tuần, nhằm thăm dò hiệu ứng khán giả để có hướng phát triển tiếp theo.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết, chương trình cũng nằm trong kế hoạch làm cải lương đường dài của mình: “Trước mắt là cải lương thiếu nhi, ngoài các vở diễn thương hiệu của Đồng Ấu Bạch Long, tôi cũng có kế hoạch chuyển thể một số kịch bản Ngày xửa ngày xưa sang cải lương. Tiếp đến, từ thăm dò hiệu ứng khán giả, củng cố lực lượng biểu diễn, tìm được mô hình phù hợp sẽ phát triển thêm sân khấu cải lương cho người lớn…”.

Hết lòng theo đuổi đam mê

Những năm qua, Bạch Long vẫn đau đáu nỗi niềm không lo được sân khấu cho học trò biểu diễn. Anh tin rằng nếu mình vẫn còn đủ lực làm đoàn, thì lứa học trò sau này sẽ có cơ hội tỏa sáng không thua gì Vũ Luân, Tú Sương, Bình Tinh… ngày trước. Lần trở lại này của Đồng Ấu Bạch Long có sự đồng hành của 16 diễn viên từ đợt đào tạo thứ ba.

“Nhiều em đã theo tôi suốt mười năm nay. Không có đất cho các em dụng võ, mỗi đứa phải tự bươn chải mưu sinh và nuôi nghề. Nhưng hễ tôi kêu là lại tập hợp trong từng dự án nhỏ, từng suất diễn sân khấu học đường, và mới nhất là chương trình Thằng Bờm kể chuyện xưa trên YouTube…” - Bạch Long kể.

Là một trong những học trò theo thầy Bạch Long lâu nhất, Bạch Luân cho biết, suốt mười năm qua, anh luôn tin tưởng một ngày Đồng Ấu Bạch Long sẽ trở lại. “Có thời gian hai năm tôi đi nghĩa vụ quân sự, cứ lo thầy sẽ quên luôn mình. Trở về, tôi nhắn liền cho thầy: “Con đi bộ đội về rồi, thầy đừng bỏ con”. Đọc tin thầy nhắn lại mà mừng muốn khóc. Lần này, thầy điện kêu về đoàn, không còn từ nào diễn tả được hạnh phúc” - Bạch Luân chia sẻ.

Việc đầu tiên Bạch Luân phải làm theo yêu cầu của thầy là… giảm cân. Và anh đã giảm được bảy ký trong một tháng. Là hướng dẫn viên giáo dục thẩm mỹ, Bạch Luân có hai lớp học ở Thuận An (Bình Dương) và Thủ Đức (gần cầu Bình Lợi). Mỗi ngày, Bạch Luân chạy từ Dĩ An lên Thuận An đứng lớp, rồi về Thủ Đức dạy tiếp, sau đó đi tập tuồng ở quận 1. Anh chưa vắng buổi tập nào.

Quỳnh Anh tìm đến lớp dạy cải lương thiếu nhi của Bạch Long từ năm lớp Mười, nay đã là sinh viên năm hai Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Theo học đạo diễn, Quỳnh Anh được xem là cánh tay đắc lực, giúp thầy quán xuyến nhiều việc. Thời học sinh, qua các bài học của thầy Bạch Long, Quỳnh Anh đã cùng bốn người bạn lập nhóm “Đưa cải lương vào trường học” biểu diễn tại một số trường. Với sự trở lại của Đồng Ấu Bạch Long, Quỳnh Anh cũng dự định khôi phục dự án sân khấu học đường này.

Học kiến trúc nhưng lại bén duyên cùng nghệ thuật biểu diễn, Đổng Tường cũng gây cho Bạch Long nhiều bất ngờ. Năm 2018, Đổng Tường đạo diễn bộ phim đầu tay là Chuyện đạo hát nhằm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Dự án cá nhân của một người trẻ bày tỏ lòng tôn trọng đối với nghệ thuật dân tộc đã làm Bạch Long xúc động, nhận lời làm cố vấn và tham gia một vai trong phim. Thời gian sau, Bạch Long giật mình khi thấy cậu đạo diễn có mặt trong lớp dạy cải lương của mình. “Thực ra lúc làm phim, tôi chỉ thích chứ không hẳn là mê cải lương. Nhưng rồi được thầy Bạch Long chia sẻ kinh nghiệm, kể nhiều chuyện nghề, thì tôi mê thiệt và tìm thầy tầm nghệ” - Đổng Tường chia sẻ. 

Ngoài ra còn có Thanh Dư vốn là giảng viên Đại học Sư phạm TPHCM; Bạch Liên tranh thủ những giờ nghỉ ở quán cà phê để tập tuồng; Bạch Ngân dù tìm cơ hội diễn xuất ở kịch nói vẫn ấp ủ ước mơ nối nghiệp cha là cố nghệ sĩ Hoàng Tuấn… Tất cả đều hào hứng chờ ngày Đồng Ấu Bạch Long tái xuất. “Chúng tôi còn ở đây là vì thầy. Chúng tôi hiểu tấm lòng của thầy đối với việc giữ gìn chuẩn mực của cải lương tuồng cổ, và mong muốn đóng góp cùng thầy. Hy vọng lần này, chúng tôi sẽ cùng thầy đi được xa hơn”, Tài Nhân - gương mặt nòng cốt gắn bó cùng Đồng Ấu Bạch Long hơn mười năm qua - chia sẻ.

Ninh Lộc

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI