Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, phân phối hàng tết trong khó khăn

20/12/2021 - 07:16

PNO - Sau thời gian thăm dò thị trường, các nhà sản xuất, bán lẻ bắt đầu tăng cường sản xuất, phân phối hàng hóa tết.

Lượng hàng cung ứng tăng nhanh

Ông Kajiwara Junichi - Tổng Giám đốc Acecook Việt Nam - cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, việc sản xuất của công ty bị gián đoạn, sản lượng bị thiếu hụt do bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu từ một số nhà cung cấp. Nhưng hiện tại, công ty bắt đầu khôi phục công suất sản xuất bằng với mức trước đây. Công ty chấp nhận giảm lợi nhuận, cố gắng không tăng giá sản phẩm ít nhất đến tết Nguyên đán 2022 trong bối cảnh các chi phí tăng, giá nguyên phụ liệu cũng tăng cao. 

Công ty cổ phần Sài Gòn Food tăng sản lượng thực phẩm đông lạnh đóng gói phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2022 ẢNH: N.CẨM
Công ty cổ phần Sài Gòn Food tăng sản lượng thực phẩm đông lạnh đóng gói phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2022 Ảnh: N.Cẩm

Theo đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị này dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán 2022 với tổng giá trị gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart - cho biết từ giữa năm, Saigon Co.op đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng lượng hàng thiết yếu gấp 2-3 lần, trong đó ưu tiên đầu tư cho các nhóm hàng bình ổn thị trường (gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản), còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản tết. Saigon Co.op cũng tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giai đoạn kinh doanh cao điểm này, đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thời vụ tết.

Chưa công bố số liệu chính thức nhưng đại diện các hệ thống siêu thị Lotte Mart, Big C, Aeon… cũng cho biết, đã chuẩn bị sẵn lượng hàng phục vụ thị trường dịp tết Nguyên đán 2022 với sản lượng tăng cao, đảm bảo đủ cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả bình ổn. Dù vậy, rất nhiều nhà cung cấp, bán lẻ có chung nhận định, sức mua năm nay thấp hơn so với mọi năm. Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho biết, thời điểm này mọi năm, chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ trung bình khoảng từ 6.000 - 7.000 con heo/ngày. Hiện chợ này tiêu thụ trung bình khoảng 5.000 con heo, sức mua rất chậm dù giá không cao.

Hầu hết các nhà bán lẻ đang triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 10 - 50%, tặng kèm sản phẩm, bán đồng giá… và trưng bày các mẫu giỏ quà tết gồm rượu, trà, bánh, mứt để khách mua làm quà biếu. Năm nay, ngoài các nhóm sản phẩm thông dụng, các siêu thị còn tăng cường thêm nhóm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng, đồng thời nhận giao quà tận nơi, kể cả ở các tỉnh. 

Theo đại diện các siêu thị, từ nay đến tết Nguyên đán, các siêu thị sẽ giảm giá trực tiếp 50% đối với hàng ngàn sản phẩm, áp dụng trước đối với các sản phẩm may mặc, hóa phẩm và sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn trong 10 ngày cận tết, đồng thời tăng cường nhóm hàng thực phẩm tươi sống, các món chế biến sẵn để gia tăng tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Theo ông Furusawa Yasuyuki - Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam - sức mua tại hệ thống Aeon trong 11 tháng qua giảm so với cùng kỳ năm 2020 nhưng dự báo sắp tới sẽ tăng cao nhờ các chương trình kích cầu mua sắm. Ông cho rằng, xu hướng tiêu dùng mùa tết năm nay sẽ thay đổi: phần lớn người tiêu dùng quan tâm đến các sản phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe; người ta giảm đi du lịch, dành thời gian nhiều hơn cho gia đình; tăng mua hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Ông lưu ý, các nhà sản xuất cần coi trọng chất lượng, giá cả và chủng loại, kích cỡ sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Doanh nghiệp vẫn gặp quá nhiều trở ngại

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhìn nhận, các doanh nghiệp (DN) đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sự tăng giá nguồn nguyên liệu đầu vào và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Sở đã làm việc với các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường của TPHCM, đồng thời kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành để đảm bảo lượng hàng cung ứng cho người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán. Lượng hàng dự trữ cho tết năm nay có thể giảm so với năm ngoái, nhưng Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) đã có kế hoạch sản xuất gia tăng, đảm bảo không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng tết. Các DN thành viên FFA cũng cam kết giữ ổn định giá cả hàng hóa ít nhất đến hết tháng 12/2021. 

Các hệ thống bán lẻ đều tăng lượng hàng, triển khai đồng loạt chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, mua sắm dịp tết - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Các hệ thống bán lẻ đều tăng lượng hàng, triển khai đồng loạt chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, mua sắm dịp tết - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA - cho biết, sau khi UBND TPHCM và Chính phủ nhất trí quan điểm “sống chung, thích ứng an toàn với COVID-19” trên phạm vi cả nước, cộng đồng DN tự tin hơn khi khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chính sách chống dịch nhất quán, đặc biệt là vận chuyển, lưu thông đã tạo thuận lợi để chuỗi cung ứng nguyên liệu, hàng hóa diễn ra thông suốt. Hiện tất cả DN ngành lương thực, thực phẩm đã trở lại sản xuất với 80 - 100% công suất. Nhiều DN đã tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả.

Tuy nhiên, bà cũng nhận định, trong thời gian tới, các DN - nhất là DN vừa và nhỏ - vẫn phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn, nhất là nguồn vốn sản xuất bởi sau các đợt dịch COVID-19, hầu hết DN đều thiếu hụt nguồn vốn tái sản xuất, đặc biệt là DN ngành lương thực, thực phẩm. Nguồn vốn dự trữ của các DN trước đó đã phải trưng dụng cho các chi phí phát sinh để duy trì sản xuất, đảm bảo các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho TPHCM trong thời gian giãn cách xã hội nên rất cần vay thêm vốn từ ngân hàng. 

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc, lãi của khoản nợ, miễn giảm lãi, phí. Tuy nhiên, tỷ lệ DN tiếp cận gói hỗ trợ về vốn, tín dụng còn thấp. Rào cản lớn nhất để DN tiếp cận vốn vay là không đủ điều kiện về tài sản thế chấp theo tiêu chuẩn tín dụng bình thường của ngân hàng. Mức giảm lãi suất cho vay còn thấp cũng là rào cản cho DN.

Cuối năm là cơ hội cho các DN xuất khẩu nhưng theo phản ánh của nhiều DN, chi phí vận chuyển tăng cao đang khiến xuất khẩu khó khăn. Theo bà Trần Thụy Quế Phương - Chánh văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - giá nguyên vật liệu, điện nước, xăng dầu tăng, cộng thêm các chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 nên việc giá cước tàu liên tục tăng đã góp phần đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia.

Theo bà Quế Phương, trong hai năm qua, VASEP đã nhiều lần phối hợp Cục Hàng hải và các DN phản ánh với các hãng tàu về giá cước nhưng đến nay, các hãng tàu vẫn chưa hạ giá vận chuyển. Ngoài tuyến đi châu Âu có giá tương đối ổn định và giảm nhẹ từ 100 - 200 USD thì cước tàu các tuyến đi sang Mỹ, Nhật vẫn tiếp tục tăng, có hãng tăng gần 100%.

Bên cạnh đó, việc đặt tàu vận chuyển cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu container, thiếu chỗ, các DN phải đăng ký tàu trước 15-20 ngày và phải lên lịch sản xuất cho phù hợp với thời gian giao hàng và lịch chạy của tàu. Ngoài ra, các DN còn gặp tình trạng các hãng tàu tự động hủy chuyến do có DN khác đồng ý trả cước cao hơn. Những điều này khiến các DN bị thụ động trong việc tính giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các DN.

Bộ Công thương vừa có chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đồng thời, các đơn vị này phải phối hợp triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối DN sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán; phối hợp với các sở ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cho lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán…

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI