Doanh nghiệp lúng túng với kế hoạch sản xuất hàng tết

15/11/2021 - 11:06

PNO - Các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống đang phải đắn đo, cân nhắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh tết do không thể tiên lượng được diễn biến của dịch bệnh cũng như các biện pháp được áp dụng để phòng, chống dịch.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm TPHCM (FFA) - cho biết thời điểm này hằng năm, hầu hết doanh nghiệp (DN) đã công bố số lượng hàng cung ứng cho thị trường dịp tết Nguyên đán nhưng năm nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sức mua thấp nên các DN vẫn chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể. Họ phải tiếp tục theo dõi diễn biến dịch COVID-19 và “tình hình thế nào thì kế hoạch sản xuất thế ấy”. 

Dù vậy theo bà, các DN sản xuất nhóm hàng thiết yếu vẫn chuẩn bị hàng hóa gối đầu cho một tháng trước tết và một tháng sau tết. Mọi năm, sản lượng tăng ít nhất 20 - 30% nhưng năm nay, lượng hàng chắc chắn không tăng đến mức này. Các DN chỉ tập trung dự trữ nguyên liệu để khi nhu cầu thị trường tăng đột biến thì tăng công suất. 

Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng tình trạng sức mua của thị trường thấp có thể kéo dài đến cận tết - ẢNH: N.CẨM
Nhiều doanh nghiệp đang lo lắng tình trạng sức mua của thị trường thấp có thể kéo dài đến cận tết - Ảnh: N.Cẩm

Nguyên liệu chế biến lương thực, thực phẩm trong nước đã tăng giá 10 - 20% nên sắp tới, giá các sản phẩm chắc chắn sẽ tăng. Ông Trương Chí Thiện - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho biết chi phí đầu vào tăng 20% nhưng sức mua đang giảm 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước. Nếu từ nay đến tết, sức mua vẫn thấp, công ty ông chấp nhận giữ giá bán do cung vượt cầu; nếu có tăng giá thì mức tăng cũng không quá 10%. Hiện, giá trứng bình ổn vẫn 28.000 đồng/chục trứng gà và 33.000 đồng/chục trứng vịt. 

Theo ông Trương Chí Thiện, hầu hết DN rất lo lắng về sức mua yếu nhưng vẫn chuẩn bị đủ sản lượng để cung ứng cho thị trường. Ngày thường, công ty bán ra khoảng 700.000-800.000 trứng gia cầm (gà, vịt). Thường từ 23 tháng Chạp trở đi là cao điểm mua sắm tết, sản lượng tiêu thụ 1-1,2 triệu trứng/ngày nhưng năm nay, sản lượng tiêu thụ có thể giảm do nhiều người đã về quê sau đợt dịch vừa qua. 

Bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cũng cho hay sức mua đang giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty vẫn chủ động dự trữ nguồn thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thịt, trứng để sẵn sàng cung ứng cho thị trường tết. Chi phí đầu vào các sản phẩm đã tăng 20 - 30%, xăng dầu cũng tăng giá, đội giá thành lên. “Chúng tôi chỉ mong sức mua của thị trường tăng lên, DN bán được nhiều hàng và giữ giá ổn định chứ không mong tăng giá khi nhu cầu tiêu dùng quá thấp” - bà Phạm Thị Huân nói. 

Đại diện các công ty Vissan, San Hà, Vinamit... đều cho biết đủ lượng hàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Vissan có kế hoạch cung ứng hơn 2.800 tấn thực phẩm tươi sống và hơn 4.200 tấn thực phẩm chế biến trong dịp tết. Hiện giá nguyên phụ liệu tăng 10 - 30% nhưng Vissan vẫn giữ giá sản phẩm bình ổn. Theo lãnh đạo FFA, hầu hết các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đều đang có kế hoạch đề nghị tăng giá sản phẩm, nhưng mức tăng cụ thể sẽ tùy diễn biến của thị trường. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI