Doanh nghiệp lại thiếu lao động do F0 tăng

09/12/2021 - 06:26

PNO - Số ca mắc COVID-19 (F0) trong các doanh nghiệp ở TPHCM ngày càng nhiều khiến tình trạng thiếu lao động có thể trầm trọng hơn.

F0 gia tăng

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội các doanh  nghiệp (DN) khu công nghiệp (KCN) TPHCM (HBA) - cho biết sau hai tháng nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, đã có thêm khoảng 3.700 ca F0 trong các KCN, khu chế xuất (KCX), khu công nghệ cao (CNC). Trung bình mỗi ngày, có khoảng 100 ca F0 mới và hiện có 2.824 ca đang điều trị, chiếm 0,8% tổng số công nhân. 97% nhà máy ở các KCN, KCX, khu CNC với hơn 300.000 công nhân đang hoạt động và chắc chắn số lượng F0 sẽ còn tăng trong thời gian tới.

Công ty Pouyuen muốn thành lập khu thu dung để cách ly tại chỗ F0 nhưng không tìm được mặt bằng - ẢNH: LINH LINH
Công ty Pouyuen muốn thành lập khu thu dung để cách ly tại chỗ F0 nhưng không tìm được mặt bằng - Ảnh: Linh Linh

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân) có gần 50.000 người lao động, tất cả đều tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Mặc dù DN luôn xét nghiệm định kỳ cho công nhân, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K về phòng, chống dịch, các phân xưởng sản xuất đều giãn cách, chia ca, tránh tiếp xúc nhiều nhưng F0 trong công ty vẫn gia tăng, có ngày lên đến 25 ca. Công ty không có đủ nhân lực và địa điểm để thành lập các khu cách ly, điều trị F0 tại chỗ nên cả nhà quản lý DN lẫn người lao động đều lo lắng. 

Theo HBA, có DN tuyển dụng được công nhân, chưa kịp chính thức vào làm đã nhiễm COVID-19. DN không thể đưa những trường hợp này đến các bệnh viện (BV) đã ký kết hợp tác với DN do vướng mắc về thủ tục. Nhưng để những người lao động này tự điều trị ở nhà trọ thì không phù hợp, dễ lây lan mầm bệnh. Cũng có tình trạng DN đã ký kết hợp đồng với BV nhưng BV quá tải, không thể tiếp nhận bệnh nhân nên DN phải lưu giữ công nhân mắc COVID-19 trong nhà máy dài ngày. Ngoài ra, cũng có tình trạng cơ quan phòng, chống dịch địa phương đùn đẩy nhau trong việc tiếp nhận F0.

Giám đốc một công ty may ở Q.7, TPHCM cho biết, trước đây, mỗi ngày, công ty xuất hiện khoảng 1-2 ca F0 nhưng nay lên khoảng chục ca/ngày. DN đã lập một khu cách ly riêng, có ký kết với phòng khám tư nhân để theo dõi, điều trị các ca bệnh: “Cán bộ công ty đến phường nhận thuốc để phát cho F0 nhưng hầu như đều thiếu các gói thuốc C. Nhiều công nhân đang ở nhà phát hiện mình mắc bệnh, tự liên hệ với y tế phường để lấy thuốc nhưng rất khó,  phải tự mua thuốc để uống”. 

Theo ông Nguyễn Viết Hồng - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina CHG - F0 xuất hiện ngày càng nhiều khiến không ít DN “đuối” do phải lo đủ thứ chi phí. Công nhân đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin nhưng vẫn bị buộc bắt cách ly đủ 14 ngày giống như những trường hợp chưa được tiêm. Điều này là không hợp lý. Có nhiều công nhân mắc bệnh, chỉ sau ba ngày đã có kết quả xét nghiệm âm tính trở lại, họ năn nỉ được đi làm để tăng thêm thu nhập vì tết đã cận kề nhưng không được. Hiện các DN đều thiếu lao động từ 10 - 20%. F0 xuất hiện nhiều và thời gian cách ly quá dài khiến DN càng thiếu hụt lao động trong khi hy vọng của DN đang dồn vào các đơn hàng cuối năm.  

Thiếu mặt bằng để cách ly F0

Theo ông Nguyễn Văn Bé, HBA đã đưa ra giải pháp khuyến khích mười KCN, KCX có quy mô trên 10.000 người lao động/khu và khu CNC thành lập khu thu dung điều trị COVID-19 tầng một dành cho bệnh nhân dạng nhẹ hoặc chưa có triệu chứng; hiệp hội sẽ đứng ra vận động xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, còn y tế địa phương hỗ trợ đội ngũ bác sĩ và thuốc men. Bảy KCN còn lại có quy mô dưới 10.000 người lao động/KCN chỉ nên xây khu cách ly tập trung, có trạm y tế hoặc đội y tế lưu động, chi phí do DN tự đầu tư. Hiện UBND TPHCM đang ủng hộ các giải pháp này.

Song, theo đại diện Ban Quản lý các KCX và KCN TPHCM (HEPZA), không phải KCX, KCN nào cũng đủ điều kiện mặt bằng để thành lập khu thu dung tầng một. KCX Tân Thuận ký kết với một trường học làm khu thu dung nhưng trường chuẩn bị khai giảng nên phải trả lại mặt bằng. Công ty Pouyuen cũng muốn thành lập khu thu dung để cách ly tại chỗ nhưng không có mặt bằng, trong khi các khu thu dung khác được lập ở trường học đều đã phải trả lại mặt bằng. 
Ông Nguyễn Văn Bé đề xuất, nếu không có điều kiện thành lập khu thu dung, các KCN cần có tổ y tế. Công ty đầu tư hạ tầng của KCN nên có trạm y tế hoặc đội y tế lưu động để hỗ trợ DN có F0. 
Còn ông Nguyễn Viết Hồng kiến nghị, nếu công nhân là F0 sớm cho kết quả xét nghiệm âm tính thì thời gian cách ly chỉ nên là bảy ngày. Việc kéo dài thời gian cách ly có thể khiến DN giấu bệnh để F0 đi làm cho kịp đơn hàng, làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI