Doãn Linh: Khúc thơ ly hương mang khát vọng hòa bình

17/08/2019 - 18:10

PNO - 'Tôi về Việt Nam, người ta nói tôi là Việt kiều, nhưng sang Đài Loan thì họ nói tôi từ Việt Nam sang, đến Pháp thì được giới thiệu là làm việc ở Đài Loan...'- Doãn Linh tâm sự.

“Một em bé Syria, chỉ mới 3 tuổi, gục chết trên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ. Em bé ấy và gia đình, họ chỉ là những người dân bình thường, lẽ ra phải được sống vui vẻ, yên bình ở đất nước họ. Vậy mà phải ly hương tị nạn, rồi bỏ mạng nơi xứ người. Chiến tranh là điều đau đớn nhất mà nhân loại phải gánh chịu” - nhà thơ Doãn Linh nói, chiến tranh ám ảnh bà đến mức, mỗi lần nghĩ đến, ngồi xuống viết là nước mắt không ngừng chảy. Những bài thơ bà viết, không chỉ từ chiến tranh Việt Nam, mà còn là cảm thức từ những cuộc chiến khắp thế giới.

Một cô bé nhỏ/ Trần truồng/ Bị nuốt chửng trong khói lửa hung bạo/ Không được thốt ra tiếng kêu nào/ Đi vào lịch sử chiến tranh… Dấu chân tôi/ Than khóc trên đại lộ này/ Đã có hơn một triệu/ Vong hồn chiến tranh”.

Doan Linh: Khuc tho ly huong  mang khat vong  hoa binh

Những dòng thơ trong bài Tiến vào - Đại lộ kinh hoàng, Doãn Linh viết cho hình ảnh “em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc (trong bức ảnh đoạt giải Pulitzer của nhiếp ảnh gia Nick Út). Thơ tả thực, không phán xét, không thiên kiến, mà đau. Những khúc thơ của Doãn Linh mang khát vọng hòa bình và nặng nỗi u hoài của một tâm hồn xa xứ, lang bạt, hoài tìm một “cố quốc” mà không biết đâu mới đúng là quê hương.

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý nói, nếu không mang trong lòng nỗi niềm ly hương, có lẽ Doãn Linh đã không trở thành nhà thơ. Chính bà cũng nói, bà tựa vào thơ để vượt qua những biến cố, mất mát phải gánh chịu từ năm 16 tuổi. Khi đêm nở rộ như hoa (dịch giả Trúc Ty, Domino Books và nhà xuất bản Văn học ấn hành) là tập thơ đầu tiên của Doãn Linh được phát hành ở Việt Nam, trong khi ở Đài Loan, bà đã là một nữ sĩ nổi tiếng trên thi đàn.

“Tôi về Việt Nam, người ta nói tôi là Việt kiều, nhưng sang Đài Loan thì họ nói tôi từ Việt Nam sang, đến Pháp thì được giới thiệu là làm việc ở Đài Loan. Tính tôi thích phiêu lưu lang bạt, đi mãi từ nước này đến nước khác, rồi có lúc dừng lại, không biết nhà mình ở đâu, quê hương xứ sở mình thuộc về chốn nào. Từ năm 1994 đến nay, năm nào tôi cũng về Việt Nam, thăm lại quê nhà Mỹ Tho, nhưng không có người thân ở đó. Tôi viết rất nhiều về cảm giác tha hương, đi tìm mãi câu trả lời cho tự vấn: đâu mới thật sự là nơi mình thuộc về?” - Doãn Linh tâm sự.

Chuyến về Việt Nam ra mắt tập thơ lần này là nhờ kết nối từ những người yêu chữ nghĩa, bắt đầu từ dịch giả Trúc Ty (Đồng Nai), vì yêu thơ của nữ sĩ mà chọn dịch những bài tâm đắc. Doãn Linh làm thơ bằng tiếng Hoa. Bà cũng là dịch giả, nhưng chủ yếu chuyển ngữ các tác phẩm tiếng Anh, tiếng Pháp. “Thế giới còn rất nhiều tác phẩm hay để chuyển ngữ. Tôi không nghĩ mình sẽ tự dịch thơ của mình” - bà nói.

Một cuộc gặp gỡ ấm cúng, với dăm ba người bạn, người yêu sách, lại mở ra được nhiều góc nhìn về chiến tranh, tình yêu; mở cả tâm hồn nữ sĩ đeo mang ám ảnh biệt ly và sự tàn khốc của cuộc chiến. “Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc cùng cha đứng trên lầu bốn ở nhà, thấy máy bay thả bom xuống chợ Dòng Nhỏ. Suốt đời tôi không thể quên hình ảnh người chết không đếm nổi và cả mùi xác chết làm tôi muốn ngất. Nhân loại đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến, kết cục chỉ có phá hủy, tàn lụi, mất mát. Vậy mà chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn, những cuộc chạy trốn, tị nạn, chết chóc… vẫn đang diễn ra trên thế giới này. Có những lúc tôi viết mà thấy mình khóc lịm đi, như thể mình cũng không còn nữa” - nhà thơ Doãn Linh bộc bạch.

Doan Linh: Khuc tho ly huong  mang khat vong  hoa binh
Nhà thơ Doãn Linh 

Bình yên ở “Đôi cánh thần nơi ông ngoại kể chuyện”, nhưng cuộc ly hương đã khiến những giấc mơ trẻ “Bay vùn vụt về cố quận xa xôi…” (trích Tưởng niệm hoa hồng điêu linh).

Ngày 17/9/1969, Doãn Linh (tên đầy đủ là Hà Doãn Linh hay còn gọi là Hà Kim Lan) nhận học bổng sang Đài Loan nghiên cứu, học tập tại Viện Nghiên cứu văn học Trung Quốc thuộc Đại học quốc lập Đài Loan. Bà lấy bằng tiến sĩ văn học và tiếp tục nhận học bổng sang Pháp. Rời khỏi vùng quê nghèo đang trong khói lửa chiến tranh, đi học xứ người và rồi vì cuộc ra đi ấy mà giữ mãi gánh nặng tiềm thức. “Đi xem không biết những nơi chốn là hư hay thực/ Ở nơi nào đó vừa không phải là quê nhà cũng chẳng phải tha hương” (trích Ở xứ sở phiên dịch vĩnh viễn). “Mới hai mươi lăm năm mà đã/ Như từ kiếp trước” (trích Ngang qua nhà cũ).

“Tâm trạng tôi như câu thơ của Lý Bạch - “Cúi đầu nhớ cố hương”. Thơ giúp tôi trụ lại với đời sống này, dù nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, quỵ ngã. Chính vì thế, thơ của tôi thường buồn, mang một tâm sự khó chia sẻ cùng ai” - bà nói. Cũng vì thơ mà bà chọn ngành văn học, rồi nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật. Hiện bà là giáo sư danh dự của Khoa Văn học Trung Quốc tại Trường đại học Đạm Thủy (Đài Loan). 

Một “người cũ” của thi đàn

Doãn Linh bắt đầu làm thơ, viết văn từ năm 16 tuổi. Tác phẩm của bà từng đăng trên các tờ báo Hoa ngữ tại Sài Gòn trước đây, với nhiều bút danh: Doãn Linh, Y Y, Diệp Lan, Sương Châu, Khả Nhân, Từ Trác Phi, Tuấn Cường, A Dã… Những bài viết thuở học trò ấy đã được in thành sách (tiếng Hoa).

Một số tác phẩm khác của bà đã xuất bản tại Đài Loan: Tóc hay dòng sông bội phản, Cánh chim câu trắng lướt qua, Thơ lát cắt Doãn Linh, chuyên luận văn học: Lý luận văn học Pháp và thực tiễn, Xã hội học văn học, Tô Đông Pha và Tần Thiếu Du, Roland Barthes… Bà từng đoạt giải Thơ mới Văn nghệ Trung Hưng khóa 18, giải sáng tác thơ khóa đầu tiên của Hiệp hội Nghệ thuật thi ca Trung Quốc.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI