Điều trị ung thư ở Việt Nam có nguy cơ tụt hậu

21/10/2022 - 06:25

PNO - Do thiếu trang thiết bị nên điều trị ung thư ở Việt Nam đang có một bước lùi.

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao đổi với tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái - Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - về vấn đề này.

Phóng viên: Các báo cáo y khoa của Mỹ, Úc cho thấy, tỷ lệ tử vong do ung thư liên tục giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại Việt Nam, thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu Globocan công bố năm 2021 lại cho thấy, tỷ lệ ca mới mắc ung thư tăng lên chín bậc, tỷ lệ tử vong cũng tăng sáu bậc. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái: Số liệu để nói lên thứ bậc về tỷ lệ mắc mới và tử vong là ghi nhận của các cơ quan thống kê. Số liệu được Globocan nhắc tới trên đây là kết quả thống kê trong năm 2020. Thời điểm này, cả thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Nhiều bệnh nhân ung thư có thể không đến viện, tử vong ở nhà. Do đó, con số thống kê giữa các quốc gia khác nhau có thể có sai số nhất định do phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của COVID-19. Trình độ thống kê giữa các quốc gia cũng có thể khác nhau.

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái

Bên cạnh đó, đặc điểm về dân trí, kinh tế cũng tác động tới số liệu ghi nhận ung thư. Tại Việt Nam, trước đây người cao tuổi mắc ung thư đa phần không đến viện hoặc đến viện rồi xin về. Hiện nay ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khỏe và đi khám sức khỏe định kỳ. Cùng với sự phát triển và những thành tựu khoa học tiên tiến trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư đã được ứng dụng thành công ở nước ta trong thời gian qua, nên ngày càng có nhiều ca ung thư mới được phát hiện. Do đó, ghi nhận về ung thư ở Việt Nam đang dần dần phản ánh sát với thực tế hơn.

Nguyên nhân gây ung thư trong thời gian gần đây có lẽ gia tăng, từ đó, ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc bệnh. 

* Ông có thể nói cụ thể hơn về các nguyên nhân gây ung thư?

- Một vấn đề rất nan giải và khó kiểm soát là ô nhiễm thực phẩm. Thực phẩm ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ung thư, chiếm khoảng 30%. Thực phẩm bảo quản không tốt, có nấm mốc sẽ tiết ra các chất độc, ví dụ: aflatoxin - đã được chứng minh là chất gây ung thư trên động vật.

Thực phẩm nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật cũng có bằng chứng gây bất thường về sinh phân tử, trong đó có đột biến gen. Loại khác là các chất độc được sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm. Những năm gần đây, nhiều người Việt Nam có thói quen và thích ăn đồ nướng, chiên, rán. Quá trình đốt cháy không hoàn toàn có thể sinh ra các chất trung gian, trong đó có những chất có nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là thức ăn được chiên đi chiên lại nhiều lần.

Ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân gây ung thư. Trong những năm gần đây, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế nhờ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, một trong những mặt trái của quá trình này là vấn đề ô nhiễm môi trường sống như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí… cũng tác động trực tiếp đến cơ thể, làm tăng tỷ lệ mắc ung thư.

Bên cạnh đó, vấn đề lạm dụng rượu bia, và hút thuốc lá vẫn chưa được kiểm soát. Đây cũng là các tác nhân gây nhiều loại ung thư. Trong đó, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi (chiếm trên 90% các trường hợp) và cũng gây ra nhiều loại ung thư khác. Với ung thư gan, vấn đề lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân chính, bên cạnh nguyên nhân do viêm gan virus.

* Thời gian qua, nhiều bệnh nhân ung thư chọn ra nước ngoài điều trị. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này? 

- Theo tôi, cần nhìn vấn đề này theo hai khía cạnh. Trước hết, ở các nước phát triển, về mặt bằng chung, phải thừa nhận chất lượng dịch vụ y tế tốt. Khi tôi đi đào tạo ở nước ngoài, một bác sĩ chuyên ngành ung thư một ngày chỉ khám, điều trị khoảng 10 bệnh nhân nên có nhiều thời gian để thăm khám, tư vấn.

Mặt khác, hệ thống điều dưỡng cũng sẵn sàng hỗ trợ bác sĩ trong công việc hành chính. Vì vậy, bệnh nhân có cảm giác được chăm sóc thực thụ. Tuy nhiên, tất cả sự tư vấn, hỗ trợ này đều tính phí nên tổng gói điều trị ung thư tại nước ngoài so với chi phí ở trong nước rất cao. Còn tại Việt Nam, mỗi bác sĩ có khi thăm khám tới cả nhiều chục bệnh nhân mỗi ngày. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái thăm khám bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - ẢNH: H.A
Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Văn Thái thăm khám bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: H.A

Về chuyên môn, hầu hết bác sĩ, đặc biệt là ở tuyến trung ương, rất nhiều bác sĩ có trình độ, tay nghề cao và giỏi. Nhiều bác sĩ được học tập, đào tạo tại các nước có nền y học phát triển, cũng như luôn cập nhật kiến thức mới nhất để áp dụng vào trong thực hành lâm sàng hằng ngày. Nên nhìn chung, trình độ của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước phát triển.

Thậm chí, chúng ta có những cái hơn. Vì với nghề y, chất lượng chuyên môn phụ thuộc vào tay nghề bác sĩ nhiều. Mà tay nghề bác sĩ lại phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm. Bác sĩ Việt Nam điều trị quá nhiều bệnh nhân nên có nhiều kinh nghiệm quý báu. 

Hiện nay, hiệu quả điều trị ung thư bằng thuốc trong nước cũng rất tốt. Như ở Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai, điều trị đích và miễn dịch là hai xu hướng mới trên thế giới cũng đang được ứng dụng và điều trị rất thành công. Phương pháp này được áp dụng cho rất nhiều bệnh ung thư khác nhau, trong đó có ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Nếu trước đây, ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn muộn (giai đoạn 4) chỉ sống trung bình được 8-10 tháng thì hiện nay có thể kéo dài được 4-5 năm. Về mặt chẩn đoán, chúng tôi áp dụng các tiến bộ về công nghệ sinh phân tử, đặc biệt là chẩn đoán các đột biến gen, từ đó giúp lựa chọn thuốc chính xác và đem lại hiệu quả điều trị cao và an toàn hơn. 

Tuy nhiên, về trang thiết bị trong điều trị ung thư, đây là một vấn đề. Vài năm về trước, tại một số bệnh viện, nhiều kỹ thuật với các thiết bị hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới. Nhưng trong thời gian gần đây, do vướng mắc về cơ chế xã hội hóa trong y tế, cũng như vấn đề đấu thầu, dẫn tới khó khăn trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, không đưa về được các thiết bị mới, hiện đại. Đó là rào cản trong điều trị ung thư nói chung ở Việt Nam hiện nay.

* Như vậy, có thể hiểu, do thiếu trang thiết bị nên điều trị ung thư ở Việt Nam đang có một bước lùi?

- Đúng vậy, trong bối cảnh hiện nay, đây là bước lùi vì khoa học phát triển theo từng ngày, từng tháng. Nếu chững lại vài năm sẽ tụt hậu ngay. Hiện vấn đề này rất vướng. Chúng tôi rất buồn vì không có trang thiết bị kỹ thuật cao được mua sắm, trong khi về mặt con người - khẳng định chúng ta không thua kém.

Tuần qua, chúng tôi vừa có một cuộc hội thảo quốc tế. Chúng tôi rất mong muốn có một thiết bị PET/CT toàn thân thế hệ mới với nhiều ưu điểm như: tốc độ chụp rất nhanh, chất lượng hình ảnh rất tốt nhưng lại rất an toàn, chính xác, có thể quét được toàn thân. Song, với bối cảnh hiện tại, để mua sắm được thiết bị này thì không dễ dàng.

* Xin cảm ơn ông!

Tọa đàm về tầm soát ung thư vú 

Nhằm khuyến khích phụ nữ nâng cao nhận thức về tầm soát sớm ung thư vú và các loại ung thư phổ biến khác, Báo Phụ Nữ TPHCM, Hội LHPN TPHCM, Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM phối hợp cùng Công ty Gene Solutions tổ chức chiến dịch truyền thông hướng tới phụ nữ với thông điệp “Hãy yêu bản thân vì bạn chính là tương lai”. Đặc biệt, chương trình sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tầm soát ung thư vú: Chọn chủ động - Trọn yêu thương” với sự tham dự của đông đảo hội viên Hội LHPN TPHCM, học viên Nhà văn hóa Phụ nữ TPHCM.

Nhiều khách mời, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung thư vú sẽ tham dự tọa đàm. Cụ thể có: phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương; thạc sĩ - bác sĩ Tăng Hùng Sang - Giám đốc Y khoa Gene Solutions, Viện Phó Viện Di truyền y học; bà Võ Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Ánh Dương, Hội LHPN TPHCM; doanh nhân Jenny Quế Phương; MC Tấn Tài.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, khách mời sẽ có nhiều chia sẻ, tư vấn hữu ích về việc hạn chế các nguyên nhân gây bệnh, phát hiện sớm và chữa trị ung thư vú, cung cấp những thông tin mới nhất về vấn đề này cho độc giả.

Tọa đàm diễn ra từ 9 giờ đến 11 giờ ngày 22/10 tại hội trường Hội LHPN TPHCM, số 32 Trần Quốc Thảo, Q.3, TPHCM. 

PV

Huyền Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI