Điều quan trọng là có “mục tiêu gia đình” rõ ràng

20/02/2023 - 06:37

PNO - Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM về bữa cơm gia đình của cán bộ, công chức, tiến sĩ tâm lý học Lê Thị Linh Trang (Học viện Cán bộ TPHCM) nêu thực tế, nhiều công chức, viên chức phải làm thêm giờ, đi học, làm những việc phát sinh (như đi tiếp khách) sau giờ làm, có người cả năm không ăn bữa cơm nào ở nhà.

Phóng viên: Bà nghĩ gì về thực tế đó và theo bà, bữa cơm chung quan trọng thế nào?

Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang: Bữa cơm chung là điều có lợi cho bầu không khí gia đình. Tuy nhiên, công tác giảng dạy cho tôi một cái nhìn khác. Bên cạnh những lớp học chỉ để lấy văn bằng, có những người tham gia các khóa học kỹ năng sau giờ làm chính thức nhằm nâng tầm bản thân. Tôi thường mở đầu tiết học lúc 18g bằng câu hỏi: “Nếu giờ này không đi học, các anh chị đang làm gì”. Ai cũng ngẩn ra rồi hồi tưởng cảm xúc được ăn cơm ở nhà, xem ti vi, chơi với con hoặc trò chuyện với ông bà, cha mẹ.

Tôi hỏi tiếp: “Tại sao anh chị không ở nhà thụ hưởng những điều đó mà phải ngồi đây?”. Phần lớn đều đáp, vì muốn phát triển bản thân cho mục tiêu xa hơn. Các học viên cho rằng, dành thời gian học hỏi để công việc phát triển hơn cũng tức là làm cho gia đình phát triển bền vững hơn. Tinh thần đó cho thấy, người ta đã hy sinh những thời khắc đầm ấm bên gia đình để học tập và xem đó như một công việc.

Trong bối cảnh xã hội thay đổi không ngừng, con người cũng luôn phải thích ứng. Yêu cầu công việc mới luôn mâu thuẫn với tư duy, phương thức cũ. Muốn sống với thời đại, phải thay đổi. Điều này sẽ chuyển biến nếp sinh hoạt gia đình, trong đó có bữa cơm. Tôi nghĩ, nên có cái nhìn khách quan, toàn diện và có thiện chí hơn đối với người lao động nói chung và với các công chức, viên chức nói riêng trong việc sắp xếp cuộc sống sao cho có nhiều sinh hoạt gia đình hơn.

* Vậy theo bà, mỗi người nên sắp xếp ra sao?

- Tôi nhận ra rằng, nhiều người có mục tiêu cho bản thân khá rõ, nhưng mục tiêu cho gia đình thì không. Thành ra, người ta thường chỉ đầu tư vào mục tiêu đã được xác định kia. Họ quên rằng, nếu không có những mục tiêu cụ thể cho gia đình thì khi đạt được mục tiêu cá nhân, có khi lại nhận ra gia đình đã không còn như mình mong muốn.

Ngoài duy trì nòi giống, kinh tế, gia đình còn có chức năng nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em, người già. Nhắc đến “nuôi dưỡng, chăm sóc” trong thời buổi bây giờ không chỉ cơm ăn, áo mặc là đủ mà còn quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần, trong đó có sức khỏe tâm thần. 

Để nuôi dưỡng giá trị truyền thống tốt đẹp, ta có thể thay thế bữa cơm bằng cách dành thời giờ cùng nhau xem phim, xem kịch, nghe tin tức thời sự, đọc chung 1 tác phẩm, qua đó, các thành viên lắng nghe, chia sẻ những quan điểm của mình. Tôi thấy việc dành thời giờ để cùng nhau làm việc nhà cũng rất quan trọng, trong đó có phân công lao động để phát hiện ra những khả năng của từng người, vừa làm vừa động viên nhau, kể những câu chuyện vui hoặc cả những kỷ niệm ngớ ngẩn của mình ở cơ quan, trường học để rèn cách ứng xử.

Các thành viên gia đình cũng có thể cùng nhau tham gia các sinh hoạt cộng đồng, có cái hoàn toàn miễn phí. Ví dụ, 8g sáng Chủ nhật, cả nhà cùng ra Nhà hát TPHCM để xem chương trình biểu diễn nghệ thuật do nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, vừa hưởng thụ văn nghệ, vừa thưởng thức bầu không khí trong lành, ngắm nhìn đường phố. Sau đó, cả nhà có thể ghé một quán cà phê nào đó hoặc vào công viên.

Nếu đã ý thức dành thời gian cho nhau thì thời lượng không quan trọng bằng chất lượng khi ở bên nhau. Có học viên của tôi nói bây giờ ở nhà ăn cơm cạnh nhau chứ không phải ăn cơm cùng nhau, bởi ngồi ăn kế nhau nhưng ai cũng cắm mặt vào điện thoại, ti vi, nói chung là tương tác với cả thế giới nhưng không tương tác với người đang có mặt bên mình. Đã ăn cơm cùng nhau là phải có giao tiếp, lắng nghe, thấu hiểu. Và làm ơn bỏ những câu chuyện bực bội, chán nản ra khỏi bữa cơm nhà mình. Đừng quá tận dụng lúc ngồi ăn để lên lớp cái này, nhắc nhở cái kia, gây căng thẳng không đáng có. Sắp xếp thời gian bên nhau tức là đã có mục tiêu cho gia đình.

* Đó là các giải pháp cá nhân. Còn về mặt chính sách thì sao, thưa tiến sĩ?

- Ở các đơn vị sử dụng lao động, cơ quan nhà nước, tôi thấy công đoàn đã chăm lo đời sống cho anh chị em tương đối tốt. Họ cũng tổ chức nhiều hoạt động không chỉ cho công đoàn viên mà cho cả gia đình tham gia.

Theo tôi, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong đơn vị mới là nguồn động viên lớn đối với người lao động. Khi các chính sách đã đi vào khuôn khổ rồi thì phương pháp giữa con người với con người mới quan trọng. Hãy làm sao để cấp trên, cấp dưới và đồng nghiệp giảm thiểu căng thẳng, tránh để người ta bị ức chế về tinh thần để rồi nó lan tỏa vào trong gia đình họ. Văn hóa công sở nên đề cao tính dân chủ và quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động. Cần có chế độ chăm sóc sức khỏe tinh thần bên cạnh thể chất.


* Xin cảm ơn bà. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI