Điệu bài chòi vang vọng hồn quê

07/02/2020 - 07:17

PNO - Có những câu ca bài chòi được chính những người nông dân thứ thiệt, chưa từng được học chữ sáng tác nên và vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.

 

Những ngày tết vừa rồi, băng theo những cánh đồng nằm trải dài theo tuyến Quốc lộ 1 ở Quảng Ngãi, chúng tôi lại nghe đâu đó vang lên tiếng trống, tiếng mõ, rồi những tiếng hô như thúc giục dân làng đến tụ họp chơi xuân. Ở đây, tôi bắt gặp những câu ca bài chòi mang rặt hương “gốc rạ” của những anh tư, chị bảy. Có những câu ca bài chòi được chính những người nông dân thứ thiệt, chưa từng được học chữ sáng tác nên và vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.

Từ bài chòi của dân “gốc rạ”

Trong những căn nhà đã nhuốm màu thời gian ở huyện Đức Phổ, chúng tôi chợt nghe lại điệu Hò Quảng tưởng chừng đã lụi tắt cách đây mấy chục năm: “Trăng lên như nụ cười đang mọc/ con cá dưới sông bơi dọc, bơi ngang/ câu hò theo gió ngân vang/ thuyền em chở cả trăng vàng trên sông”.

Hô bài chòi ngày tết ở tỉnh Quảng Ngãi
Hô bài chòi ngày tết ở tỉnh Quảng Ngãi

Nghe đến bài chòi, nhiều người vẫn hình dung đến những lễ hội nô nức, đông vui. Ở đó, có những cây cờ ngũ sắc, những anh, chị hiệu (người hô thai) với những tiếng hô rộn ràng, quy tụ hàng trăm dân làng tham gia. Nhưng, trong lối sống của người dân Quảng Ngãi, vẫn tồn tại một kiểu bài chòi khác mà người viết tạm gọi là bài chòi của dân “gốc rạ”. Lối bài chòi này đang được lưu giữ và truyền đời mấy chục năm qua.

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Võ Duy Khánh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cũng khẳng định: “Bài chòi là loại hình mang đậm dấu ấn của văn minh lúa nước... Hiểu nôm na, bài chòi là hát trên chòi”. Dân ca bài chòi đã xuất hiện từ khi người Việt vào mở mang, khai phá đất phương Nam với lời hát đối đáp đơn sơ giữa những người dân quê chân chất. Sau đó, cụ Ðào Duy Từ sáng tạo ra hội chơi bài chòi khá độc đáo, thu hút nhiều người tham gia. Do vậy, vùng đất Ðức Phổ giáp ranh với huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh (nơi cụ Ðào Duy Từ cư ngụ) được xem là đất tổ của hội đánh bài chòi, và bài chòi ở các địa phương lân cận phát triển khá sớm.

Đặc điểm của vùng đất Đức Phổ nói riêng và dãy đất miền Trung nói chung là người dân hay canh tác khá gần núi. Họ sợ thú rừng phá hoại hoa màu nên dựng những chiếc chòi trên cao để canh giữ. “Cứ đêm đến là trai tráng, thôn nữ lại rời nhà lên chòi để canh thú. Khi phát hiện thú rừng, họ liền hô to rồi gõ mõ tre xua đuổi. Mỗi nhà một cái chòi như vậy, thì họ lại nghĩ ra những câu hò, câu vè để trò chuyện với nhau. Bài chòi cũng ra đời từ đó” - NNƯT Võ Duy Khánh giải thích.

Thuở xa xưa, khi lời ca tiếng hát chưa có phương tiện truyền đi, thì người dân lại dùng ống tre rỗng bịt một đầu bằng da ếch phơi khô, giữa miếng da đục lỗ nhỏ rồi xỏ sợi tơ tằm nối với ống tre cũng bịt bằng da ếch phía chòi bên kia. Khi người này hát, người kia áp ống vào tai để nghe những ca từ giản dị thấm đẫm nghĩa tình. Tuy những bước đầu phát triển sơ khai, nhưng hầu hết người dân ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ khi đó đều biết đến bài chòi.

NNƯT Võ Duy Khánh nhớ lại, cách đây mấy chục năm, có những người ở quê ông thậm chí không biết chữ nhưng vẫn sáng tác được những câu ca bài chòi được lưu giữ đến tận bây giờ. Trong một số buổi sinh hoạt bài chòi ở địa phương, người ta vẫn nghe những câu hát kể về chính cuộc đời mình như: “Từ ngày không vận Huê Kỳ/ Bắt đầu khủng bố Diện đi Hố Dài/ Ngày đêm đốn củi lai rai/ Sáng ra tai nghe con gà gáy… xách đòn xóc cứ Hố Dài đi vô/ Mỹ càng khủng bố quy mô/ Hố Dài hang đá chun vô liền liền…”. (Hố Dài là địa danh ẩn náu của du kích trong kháng chiến chống Mỹ).

Hình ảnh một bộ bài chòi trong hội bài chòi ngày tết
Hình ảnh một bộ bài chòi trong hội bài chòi ngày tết

“Những câu vè này do một người tên Diện sáng tác nên người ta gọi là vè ông Diện. Thật ra ông Diện là người không biết chữ, nhưng ông vẫn nghĩ ra được những câu vè theo lối 6-8. Lối sáng tác, biểu diễn bài chòi ở nông thôn thời đó chủ yếu là truyền miệng và mang đậm tính ruộng đồng”, NNƯT Võ Duy Khánh kể.

Đến những hội bài chòi ngày xuân

Chính vì xuất phát từ dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi nghệ thuật dân gian bài chòi thu hút được rất nhiều người tham gia. Ý nghĩa của bài chòi còn vượt ra khỏi một hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian đơn thuần. Bài chòi là nơi người nghệ nhân trổ tài ứng tác, biểu diễn, vừa hô, vừa đối đáp. Đặc biệt, hội đánh bài chòi còn là môi trường giao tiếp cộng đồng, là nơi nam thanh, nữ tú đến gặp gỡ, giải trí, tìm hiểu, trao duyên. Bài chòi dần làm say đắm bao người khi có tiếng đàn, nhịp phách phụ họa, nâng lời ca bay bổng giữa chốn quê.

Theo NNƯT Võ Duy Khánh, bài chòi hầu hết là những câu thơ lục bát, song thất lục bát, nhưng điểm đặc sắc ở đây là cách gieo vần, và đặc biệt trong thơ phải có kịch tính. Song hành với thơ là những làn điệu như: Xuân Nữ, Hò Quảng, Cổ Bảng, Xàng Xê, Lô Tô… Mỗi làn điệu thể hiện một âm sắc khác nhau để tạo nên sự cuốn hút cho bài chòi. Như điệu Cổ Bản thì thể hiện sự tức giận, Xuân Nữ thì bi lụy, Hò Quảng thì tươi vui, Xàng Xê thì hùng hồn…

Bài chòi ngày Xuân đã có từ xa xưa trên dãy đất miền Trung. Tuy nhiên, từ chỗ ban đầu là hô tên các con bài, qua năm tháng, từ sáng tạo của các nghệ nhân, đã dần hình thành một thể loại sân khấu dân ca độc lập, có thể diễn xướng mọi nơi. Yếu tố diễn xướng cũng ngày càng được tăng cường theo sáng kiến của các nghệ nhân.

Cái gốc của dân ca bài chòi là hô bài chòi, ca bài chòi, tấu bài chòi và ca kịch bài chòi. Ở các lễ hội này, người ta có thể diễn các đề tài dân gian, lịch sử, thần thoại… nhưng nói bằng tiếng quê hương mình, nội dung phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Chính vì vậy, lối chơi bài chòi có thể giống nhau, nhưng “đặc sản” bài chòi ở các địa phương đều có nét riêng.

Đầu xuân Canh Tý 2020, Hội xuân giữa lòng thành phố Quảng Ngãi (cạnh Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng, TP.Quảng Ngãi) lại quy tụ đông đảo người dân về tham dự. Tuy nhiên, hoạt động đặc sắc, cuốn hút đông người dân tham gia chính là hội bài chòi đặc trưng xứ Quảng.

Các nhà chòi sẽ sáng đèn vào buổi tối, thắp lên không gian văn hóa truyền thống quen thuộc với một bộ phận người dân. Theo bà Huỳnh Thị Minh (68 tuổi, ngụ TP. Quảng Ngãi), những năm gần đây, số lượng người trẻ tham gia Hội bài chòi ngày càng đông. Điều này thật sự đáng mừng, nó khiến các bậc cao niên giảm bớt nỗi lo loại hình nghệ thuật này sẽ bị mai một trên chính quê hương mình. 

NNƯT Võ Duy Khánh cho biết, một tín hiệu rất lạc quan là phong trào ca hát bài chòi đang dần hồi sinh và phát triển mạnh trở lại ở nhiều địa phương như: Đức Phổ, Bình Sơn, Mộ Ðức, TP.Quảng Ngãi... Nghệ thuật bài chòi đã và đang đi vào các trường học ở huyện Đức Phổ. Trong các liên hoan biểu diễn bài chòi gần đây, nhiều người ở các địa phương khác không khỏi bất ngờ khi được xem các tiết mục biểu diễn bài chòi đến từ các em học sinh.

Hiện NNƯT Võ Duy Khánh cũng đang bồi dưỡng, đào tạo nhiều học trò ở độ tuổi còn rất trẻ. Ðây chính là lực lượng nòng cốt biểu diễn ở nhiều nơi, góp phần giữ gìn và truyền lửa đam mê nghệ thuật bài chòi đến với công chúng, nhất là giới trẻ. 

 

Cách chơi bài chòi

Người chơi sẽ mua các lá bài gắn với những tên gọi độc đáo, như: Nhứt Nọc, Đỏ Mỏ, Nhì Nghèo, Ông Thầy, Bảy Xưa, Sáu Suốt... Hiệu lệnh hô bài chòi nổi lên cũng là lúc cặp đôi nghệ nhân lần lượt hát các điệu khúc vui nhộn để gọi tên các lá bài này. Trong lúc hô, các nghệ nhân cũng pha trò, tung tẩy lẫn nhau qua những điệu hát, câu vè vui nhộn, trào phúng... khiến người nghe không khỏi phì cười. Người chiến thắng và nhận phần thưởng là người được gọi đủ tên ba lá bài sớm nhất. 

Năm 2018, UNESCO công nhận nghệ thuật bài chòi Trung bộ (Việt Nam) là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Sơn Vinh

 


 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI