Số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở Indonesia đã vượt Ấn Độ

19/07/2021 - 14:51

PNO - Số ca nhiễm hàng ngày hiện nay ở Indonesia đã cao hơn Ấn Độ và Brazil khi chủng Delta quét khắp Đông Nam Á, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế nước này.

Mỗi ngày, cảnh tượng ở Indonesia luôn gây ám ảnh khi có đến hàng ngàn người ngủ trong hành lang, lều và xe hơi. Họ đang chờ giường ở bệnh viện. Trong khi đó, ở bên trong bệnh viện, cảnh tượng vô cùng đông đúc. Nhiều bệnh nhân trở nặng và không được cung cấp oxy đầy đủ. Ngoài ra, rất nhiều người tự tìm cơ hội ở nhà khi cho rằng bệnh viện là vô vọng, thậm chí nguy hiểm.

COVID-19 gần như đang cướp dần đi hơi thở của mọi người, hàng ngày, nhiều gia đình đã tham gia vào một cuộc săn lùng điên cuồng để tìm kiếm nguồn cung cấp oxy khan hiếm.

Ardi Novrianyah, 41 tuổi, một người thực hiện tình nguyện mang thiết bị bảo hộ cá nhân khi anh ta tạm nghỉ khi mang quan tài của Yoyoh Sa'diah, 64 tuổi, người đã qua đời do các biến chứng liên quan đến COVID-19 trong khi cách ly tại nhà của cô ở Bogor, tỉnh Tây Java, Indonesia, ngày 8 tháng 7 năm 2021. (Ảnh Reuters)
Các tình nguyện viên tạm nghỉ khi mang quan tài của người đã qua đời do các biến chứng liên quan đến COVID-19 trong khi cách ly ở Bogor, tỉnh Tây Java - Ảnh: Reuters

Hiện tại, Indonesia đã trở thành tâm chấn mới của đại dịch COVID-19, vượt qua Ấn Độ và Brazil để trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất thế giới. Một phần nguyên nhân của sự gia tăng này là do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Malaysia, Myanmar và Thái Lan cũng đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất và đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới, bao gồm phong tỏa và lệnh lưu trú tại nhà.

Ở Indonesia, số ca mắc mới và tử vong đã tăng vọt trong tháng qua khi biến thể Delta quét qua đảo Java và Bali. Ở một số khu vực, COVID-19 đã đẩy hệ thống y tế vượt quá giới hạn, mặc dù các bệnh viện đang thực hiện các bước khẩn cấp để mở rộng năng lực.

Ở bệnh viện công khu vực Bekasi, nơi một số bệnh nhân COVID đã phải chờ đợi nhiều ngày để được điều trị, những chiếc lều lớn được dựng lên với sức chứa lên đến 150 người. Gần đó, ở thủ đô Jakarta, rất đông người xếp hàng dài suốt nhiều giờ đồng hồ bên ngoài một trạm y tế nhỏ, với hy vọng đổ đầy oxy vào các bình di động.

Trong số đó có Nyimas Siti Nadia, 28 tuổi. Nyimas đang tìm kiếm oxy cho gia đình của cô khi tất cả mọi người đều mắc COVID.

Nyimas là một bác sĩ và cô sợ đến bệnh viện khi biết tình hình hiện tại không khả quan. “Có nhiều trường hợp bệnh nhân không được nằm giường hoặc thở oxy. Nếu đến bệnh viện, chúng tôi phải tự mang bình dưỡng khí”, Nyimas cho biết. 

Cuối tuần qua, Indonesia đã báo cáo gần 57.000 trường hợp mắc mới - tổng số ca mắc hàng ngày cao nhất từ ​​trước đến nay - gấp 7 lần so với một tháng trước đó - và số ca tử vong kỷ lục 1.205 ca. Như vậy, từ khi đại dịch bắt đầu, đất nước này đã ghi nhận 71.000 ca tử vong.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, không thể dựa vào các con số để đánh giá mức độ dịch bệnh lan rộng ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, vì việc thử nghiệm còn hạn chế. Dicky Budiman, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Indonesia tại Đại học Griffith ở Úc, ước tính rằng số ca nhiễm thực sự cao hơn từ 3 đến 6 lần.

 

Các nhân viên y tế khiêng thi thể một người chết bằng Covid-19 khi đang cách ly tại nhà ở Bandung, Indonesia. Ảnh: Timur Matahari / AFP / Getty Images
Các nhân viên y tế vận chuyển thi thể một người chết vì COVID-19 khi đang cách ly tại nhà ở Bandung, Indonesia - Ảnh: AFP 

Tại Ấn Độ, hồi tháng 5, số ca mắc hàng ngày lên đến đỉnh điểm hơn 414.000 ca, nhưng hiện tại con số này đã giảm xuống còn khoảng 40.000. Tại Brazil - quốc gia có số người chết cao thứ 2 thế giới - số ca mắc mới cũng đã giảm sâu nhờ chiến lược tiêm vắc xin nhanh chóng. Trong khi đó, ở Indonesia mặc dù số ca nhiễm mới và tử vong đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng các quan chức lại nói rằng họ đã kiểm soát được tình hình.

Luhut Pandjaitan, một bộ trưởng cấp cao được Tổng thống Joko Widodo giao nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, nhận định: “Nếu chúng ta nói về tình huống xấu nhất, 60.000 người hoặc hơn một chút, thì vẫn khá ổn. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ không lên đến 100.000, nhưng ngay từ bây giờ, chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống đó".

Tuy nhiên, nhiều người Indonesia phải đối mặt với tình huống xấu nhất trong nhiều tuần tới. Bởi ngay cả khi được nhập viện, họ cũng không chắc chắn rằng sẽ nhận được oxy. Tại Bệnh viện Đa khoa Tiến sĩ Sardjito ở thành phố Yogyakarta, 33 bệnh nhân đã chết trong tháng này sau khi nguồn cung cấp oxy trung tâm cạn kiệt. 

Tiến sĩ Lia G. Partakusuma, Tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Indonesia, cho biết các bệnh viện quá tải đã kê thêm hàng ngàn giường bệnh, nhưng trung bình đã có 10% nhân viên y tế phải cách ly sau khi tiếp xúc với virus. Một số bệnh viện đang sử dụng lượng oxy lỏng gấp 5 lần bình thường và các nhà phân phối đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu.

Khi các bệnh viện quá tải, nhiều người chọn ở nhà - và họ chết ở đó. Lapor COVID, một nhóm hoạt động phi lợi nhuận đang theo dõi các trường hợp tử vong vì căn bệnh này, báo cáo rằng mỗi ngày có ít nhất 40 bệnh nhân COVID-19 chết tại nhà.

Hiện tại, chỉ khoảng 15% dân số Indonesia trong 270 triệu người đã được tiêm một liều vắc xin COVID-19 và chỉ 6% được tiêm đầy đủ. Indonesia chủ yếu dựa vào vắc xin do Sinovac Biotech, một công ty Trung Quốc sản xuất. Loại vắc xin này tỏ ra kém hiệu quả hơn so với các loại vắc xin khác. Theo The Gaurdian, trong tháng 7 này có 180 y bác sĩ ở Indonesia đã chết vì COVID-19.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã tặng Indonesia 4,5 triệu liều vắc xin Moderna. Các quan chức Indonesia cho biết sẽ ưu tiên dùng số vắc xin này để tiêm nhắc lại cho gần 1,5 triệu nhân viên y tế đang phải ngày đêm chiến đấu với số ca bệnh không ngừng tăng.

Trọng Trí (theo The Guardian, India Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI