Đi vào tinh túy của thiền

27/03/2017 - 14:19

PNO - Trong truyền thống Thiền học, giác ngộ là tâm tủy của Phật giáo. Nói cho thật chính xác, giác ngộ là cứu cánh của Thiền.

Trong truyền thống Thiền học, giác ngộ là tâm tủy của Phật giáo. Nói cho thật chính xác, giác ngộ là cứu cánh của Thiền. Muốn thấu triệt sự chứng ngộ tối hậu, cái gọi là tri thức hàn lâm thuần túy cần phải được chặt đứt từ gốc rễ để được thay thế bằng một trực kiến sâu xa hơn, thâm mật hơn, bắt nguồn từ chính Phật tính trong chân tâm của hành giả.

Trong tất cả các trường phái Phật giáo, chỉ có Thiền tông khẳng định sự gắn kết chặt chẽ giữa “kiến tính” và “giác ngộ”. Và chính Bồ Đề Đạt Ma là người đầu tiên đặt nền móng cho sự gắn kết ấy. 

Di vao tinh tuy cua thien
 


Tại Việt Nam có lẽ học giả Trúc Thiên, người dịch quyển thượng trong bộ Thiền luận của D.T. Suzuki, là người đầu tiên dịch tác phẩm của Bồ Đề Đạt Ma (Sáu cửa vào động Thiếu Thất, An Tiêm, 1971). Đến năm 2006, toàn bộ các tác phẩm được gán cho Bồ Đề Đạt Ma được nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tiến dịch từ Hán văn sang Việt ngữ (Thiếu Thất lục môn, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2006). 

Lần này, 4 giảng luận về Thiền là bản dịch mới của dịch giả Tiến Thành dựa trên bản tiếng Anh The Zen Teachings of Bodhidharma, có kèm theo nguyên tác Hán ngữ dưới dạng bản khắc kinh được sao chụp cẩn thận. Dịch giả Tiến Thành (từng dịch trọn bộ Hoàng đế Nội kinh) đã phiên âm và chuyển sang Việt ngữ trực tiếp từ bản Hán văn bốn tác phẩm của Bồ Đề Đạt Ma: Lược đạo Đại Thừa nhập đạo tứ hành quán, Huyết mạch luận, Ngộ tính luận, và Phá tướng luận.  

Văn bản sớm nhất đề cập đến nhân vật Bồ Đề Đạt Ma là Lạc dương già lam ký của Dương Huyễn Chi (khoảng năm 547) người đã gặp một nhà sư tại chùa Vĩnh Ninh tự xưng là Bồ Đề Đạt Ma có tuổi thọ 150 tuổi. Tác phẩm thứ hai là Tục cao tăng truyện của Đạo Tuyên (chết khoảng 667) có viết một tiểu sử chi tiết về Bồ Đề Đạt Ma (quyển 16) và nêu tên Huệ Khả và Đạo Dục là hai đệ tử của Đạt Ma. Đạo Tuyên có thể cũng sử dụng nguồn thông tin của Đàm Lâm (525-543), người biết đến tư tưởng của Đạt Ma thông qua Huệ Khả.

Đàm Lâm có lẽ đã sử dụng những tài liệu rất xưa vì cùng những thông tin ấy được tìm thấy trong tác phẩm Lăng già sư tư ký phát hiện tại Đôn Hoàng (có niên đại khoảng từ 713 đến 716). Yanagida Seizan (Liễu Điền Thánh Sơn) - chuyên gia Nhật Bản hàng đầu về lịch sử Thiền, đánh giá rất cao tính lịch sử trong lời tựa của Đàm Lâm, mặc dù ông thừa nhận “có nhiều điều lộn xộn trong tiểu sử của Đạt Ma” (Chùgoku zenshùshi, tr.12). 

Đi vào nội dung các tác phẩm tương truyền là của Bồ Đề Đạt Ma - người được công nhận là sơ tổ của dòng Thiền Trung Hoa, chúng ta sẽ nắm được tinh túy của Thiền học từ bên trong, đặc biệt là phần Phá tướng luận. Có thể khẳng định trong tư tưởng Thiền học sơ nguyên này không hề có sự phân biệt giữa Nam tông và Bắc tông; giữa thiền quán và việc đọc tụng kinh điển; giữa trì giới và chứng ngộ - như nhiều người đã ngộ nhận về sau.

Không hề có những hành vi hay ngôn ngữ kỳ quái. Không hề có chuyện thần thông thần lực. Trái lại triết lý của Thiền, hay của Phật giáo nói chung, vẫn chỉ bao hàm trong hai chữ “giải thoát”, giải thoát chúng sinh ra khỏi sự chấp trước vào hình tướng, vào những ảo tưởng mê muội vào cõi đời phiền não. Tinh thần ấy của Thiền thực sự là một cống hiến lớn cho kho tàng tư tưởng nhân loại.

4 giảng luận về Thiền do Công ty Cổ phần Văn hóa Văn Lang liên kết với NXB Hồng Đức ấn hành quý I năm 2017.

Triều Chân Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI