Đeo nón chắn giọt bắn: Thương con một hại con… mười!

06/05/2020 - 06:27

PNO - Bảo vệ con khi quay trở lại trường học bằng cách đeo nón chắn giọt bắn phòng COVID-19, nhiều phụ huynh đã vô tình khiến con mình phải mang theo “gánh nặng” và có nguy cơ ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng.

Tranh cãi đeo nón chắn giọt bắn khi đi học

Ngày 5/5, mạng xã hội ngập tràn hình ảnh học sinh tới trường sau thời gian giãn cách, trong đó cảnh tượng học sinh khối tiểu học đeo khẩu trang, đội nón chắn giọt bắn khiến các phụ huynh xôn xao, tranh cãi. 

Học sinh Trường tiểu học Núi Thành (TP.Đà Nẵng) đeo nón chắn giọt bắn khi tới trường
Học sinh Trường tiểu học Núi Thành (TP.Đà Nẵng) đeo nón chắn giọt bắn khi tới trường

Tại Trường tiểu học Núi Thành (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng), phụ huynh của khối lớp Một đã tự trang bị nón chắn giọt bắn cho con và giáo viên. Hay Trường THPT Trần Quang Khải (Q.11, TP.HCM) đã được tài trợ tới 2.400 chiếc nón này để chống dịch COVID-19… Không khó để nhìn thấy trong đó có những học sinh vừa đeo khẩu trang, vừa đeo nón chắn giọt bắn lại kèm theo kính cận. Trao đổi với chúng tôi, Trường tiểu học Nhị Đồng (tỉnh Bình Dương) cũng cho biết, một phụ huynh của trường đã tặng nón chống dịch cho cả lớp của con mình. 

Không ít phụ huynh cảm thấy an tâm với biện pháp này bởi có thể bảo vệ con mình một cách “tối đa” khỏi các nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh băn khoăn. Chị Đinh Hương (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) có con đang học lớp Một, cho biết: “Riêng việc đeo khẩu trang suốt thời gian học ở lớp đã khiến chúng tôi lo lắng, không biết các con có thực hiện được hay không. Nên nếu trang bị cả thêm tấm chắn bảo hộ thì các con sẽ vướng víu, nóng nực không chịu nổi khi thời tiết đã vào hè”.

Lo ngại việc đeo tấm chắn giọt bắn sẽ áp dụng đại trà sau khi TP.Hà Nội, TP.HCM cho trẻ độ tuổi nhỏ đi học trở lại, chị Thu Hương (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) thẳng thắn nêu quan điểm với nhà trường, nếu sử dụng biện pháp này thì chị sẽ cho con nghỉ học. “Người lớn đôi khi đeo kính thôi đã thấy bất tiện. Chưa kể tấm chắn sử dụng chất liệu nhựa nên có thể ảnh hưởng thị lực của trẻ. Nếu nhà trường cẩn thận tới mức này, tôi thà cho con nghỉ, chứ không thể tuân thủ một cách rập khuôn, máy móc”, chị Hương nói.

Nguy cơ cận thị vì nón chắn giọt bắn

Bác sĩ Vũ Tuệ Khanh, Bệnh viện Mắt Sài Gòn, cho biết: việc đeo tấm chắn giọt bắn thực sự có tác dụng ngăn ngừa vi-rút lây truyền qua đường mắt. Thực tế, có nhiều loại vi-rút lây qua đường kết mạc, như dịch đau mắt đỏ hằng năm mà chúng ta thường thấy. Song trong trường hợp đã đeo khẩu trang thì việc sử dụng nón chắn giọt bắn cần cân nhắc tùy trường hợp.

Theo bác sĩ Tuệ Khanh, loại nón này chỉ nên sử dụng ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao như bộ phận chống dịch, phải tiếp xúc với người đang mang hoặc có khả năng đang nhiễm vi-rút SARS-CoV-2. Còn tại môi trường lớp học, dù là nơi tập trung đông người nhưng nếu thực hiện giãn cách tốt, trẻ đã đeo khẩu trang thì nguy cơ lây nhiễm được hạn chế, việc đeo sản phẩm này là không cần thiết. 

“Khi chúng ta đeo khẩu trang, hơi thở thoát ra có thể bị đọng lại, làm mờ tấm chắn. Bên cạnh đó, chất liệu tấm chắn làm bằng nhựa mica nên độ trong suốt không đảm bảo. Thực tế, riêng với các loại kính mắt đã có sự khác biệt liên quan tới vấn đề này. Kính chiết suất càng cao, độ trong càng tốt thì mắt nhìn càng rõ. Do đó, để trẻ nhìn qua lớp mica như thế sẽ ảnh hưởng không tốt tới thị lực”, bác sĩ Tuệ Khanh phân tích. 

Tương tự, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên, nguyên Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, cũng cho biết: “Chiết quang của vật liệu không phải là kính, dễ xước nên không thể đeo thường xuyên. Sản phẩm này cũng có độ cong không đều nên hình ảnh sẽ bị biến dạng, không thể như bình thường. Kính dù có tác dụng bảo vệ trước vi-rút nhưng lại khiến trẻ mỏi mắt, khó chịu. Nếu đeo thường xuyên trẻ sẽ bị giảm thị lực, nguy cơ cận thị cao”. Ngoài chất lượng nhìn, bác sĩ Nguyên đặt vấn đề về sự thuận tiện trong quá trình học. Với trẻ có thị lực bình thường, việc đeo khẩu trang và trang bị thêm nón chắn giọt bắn trong điều kiện hạn chế sử dụng điều hòa sẽ khiến trẻ vô cùng nóng nực, khó chịu. Trẻ đang đeo kính do thị lực kém thì yếu tố bất tiện này càng gia tăng bởi phải qua thêm một lớp chắn nữa.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc đeo nón chắn giọt bắn không phải là biện pháp bảo vệ trẻ duy nhất khỏi dịch bệnh. Các bậc phụ huynh nên có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để nhắc nhở, tạo thói quen rửa tay cho trẻ thường xuyên, không tiếp xúc gần khi các con chơi đùa, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải quan tâm tới công tác vệ sinh, phun khử khuẩn thường xuyên theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI