Đề nghị cung cấp hồ sơ “chuyến bay giải cứu”, lựa chọn khách sạn cách ly

24/10/2022 - 12:58

PNO - Bộ Công an đề nghị một số địa phương cung cấp hồ sơ về việc tổ chức "chuyến bay giải cứu", lựa chọn khách sạn, resort cách ly.

Ngày 24/10, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có đề nghị gửi đến UBND một số địa phương (Thanh Hóa, Quảng Nam…) liên quan đến vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

 

Bộ Công an đề nghị một số địa phương cung cấp hồ sơ về việc tổ chức chuyến bay giải cứu, lựa chọn khách sạn, resort cách ly.
Bộ Công an đề nghị một số địa phương cung cấp hồ sơ về việc tổ chức "chuyến bay giải cứu", lựa chọn khách sạn, resort cách ly

Theo đề nghị của cơ quan công an, về việc lựa chọn khách sạn, resort là địa điểm cách ly, các đơn vị cần cung cấp toàn bộ hồ sơ các đơn vị đã nộp để xin làm địa điểm cách ly đón công dân Việt Nam hồi hương trên các chuyến bay tự trả phí. Thống kê các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, tham mưu, đề xuất giải quyết hồ sơ của khách sạn, resort xin làm địa điểm cách ly.

Về chủ trương xin cách ly, Bộ Công an yêu cầu các tỉnh cung cấp toàn bộ hồ sơ doanh nghiệp đăng ký. Nêu rõ lý do doanh nghiệp nào được cấp và không được cấp chủ trương cách ly. Hồ sơ doanh nghiệp nộp xin chủ trương đưa chuyên gia, công dân về nước để cách ly tại địa phương cũng bị yêu cầu thống kê.

Với hai trường hợp trên, cơ quan điều tra đề nghị cung cấp tài liệu cụ thể, thể hiện quá trình giải quyết, từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi ban hành quyết định lựa chọn địa điểm cách ly, chủ trương cách ly. Danh sách cá nhân tham gia quá trình xét duyệt hồ sơ như cán bộ đề xuất, ký trình, ký ban hành và người tham gia giải quyết từng hồ sơ của doanh nghiệp.

Đối với việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về cách ly, Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ của doanh nghiệp báo cáo xin tổ chức chuyến bay sau khi đã được tổ 5 Bộ cấp phép thực hiện. Việc giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly tại khách sạn, những đơn vị tham gia, cung cấp danh sách đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động cách ly và kết quả kèm theo.

Liên quan đến vụ án nêu trên, tính đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam tổng cộng hơn 20 bị can. Những người này gồm các lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và giám đốc một số doanh nghiệp.

Trong đó, người giữ chức vụ cao nhất tại thời điểm bị khởi tố là ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó thủ tướng thường trực.

Cuối năm 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam thực hiện các chuyến bay “giải cứu” công dân từ vùng dịch trở về quê hương.

Theo thời gian, số lượng chuyến bay “giải cứu” tăng dần, đồng thời cũng xuất hiện nhiều phản ánh về việc giá vé quá cao, thủ tục lại rườm rà, nhiều người dù rất mong muốn được trở về Việt Nam nhưng vì không đủ khả năng tài chính nên đành chấp nhận ở lại vùng dịch để chờ đợi thêm.

Tháng 1/2022, sau nhiều ngày vào cuộc xác minh, Bộ Công an “cất lưới”. Mở đầu cho vụ án tiêu cực gây chấn động dư luận, cơ quan điều tra khởi tố 4 bị can tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cùng về tội nhận hối lộ.

Theo trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, kết quả điều tra ban đầu xác định có tới gần 2.000 chuyến bay “giải cứu”. Sau khi trừ các chi phí, có chuyến bay, số tiền các đối tượng “bỏ túi” lên đến vài tỷ đồng.

Các bị can trong vụ án đã lợi dụng chính sách để trục lợi. Hành vi vi phạm rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng cả trong và ngoài nước, gồm một số cơ quan, ban ngành của cả trung ương và địa phương.

Đặc biệt, vụ án xảy ra trong thời gian dài. Các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI