Để nạn nhân bị quấy rối không đơn độc

26/02/2022 - 06:36

PNO - Dù là nạn nhân, dù đang phải gánh chịu những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, nữ giới vẫn phải gánh trên vai trách nhiệm cố gắng giữ thể diện cho bản thân (trong khi lỗi không thuộc về họ) và cho cả… người đàn ông kia.

Khi sự việc xảy ra, các nạn nhân đã chọn cách lên tiếng trên mạng xã hội và báo về trường. Cay đắng thay, điều các em nhận lại là sự thờ ơ từ phía trường học - nơi các em tin tưởng.

văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân là nỗi ám ảnh nặng nề nhất mà mỗi nạn nhân trong bất kỳ vụ quấy rối tình dục nào cũng e d
Văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân là nỗi ám ảnh nặng nề nhất mà nạn nhân trong bất kỳ vụ quấy rối tình dục nào cũng e dè (Ảnh minh họa)

Có rất nhiều điều đứa trẻ không dám hé lời với cha mẹ chúng bởi vô vàn lý do nhưng với thầy cô, đôi khi chúng lại có thể mở lòng. Có lẽ, các em - những nạn nhân - đã cô đơn, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng đến chừng nào khi sự việc bị phanh phui thì quản lý trường phát đi thông báo rằng đó là việc của cựu học sinh, trường không làm gì được.

Cô giáo cũ của một nạn nhân thì cho rằng: “Cô nghĩ bạn ấy thích con nhưng cách bày tỏ chưa phù hợp”. Rõ ràng đa số vẫn lầm tưởng/chưa ý thức được thế nào là quấy rối tình dục và tán tỉnh không phù hợp.

Tại sao không ít người biết chuyện nhưng im lặng?

Có ba khả năng trong trường hợp này. Một, không phải việc của mình, không cần quan tâm, tránh vướng vào những phiền phức không đáng có.

Hai, như đã nói, nhận thức về quấy rối tình dục chưa đầy đủ. Rất nhiều người đôi khi bị quấy rối bằng lời nói một cách bất ngờ thường choáng váng và không kịp phản kháng. Một số khác không ý thức được đó là quấy rối.

Ba, có thể cho đến khi người thanh niên ấy được vinh danh, người ta mới bắt đầu ý thức được sự ảnh hưởng của anh ta trong xã hội. Tôn vinh một kẻ tài năng nhưng phẩm hạnh có nhiều vấn đề chẳng khác nào cổ xúy cho những hành vi kém đạo đức.

Nếu như cách đây hai năm, khi các nạn nhân lên tiếng, cộng đồng mạng và cả báo chí, truyền thông lên tiếng kịp thời, điều đó đã có thể giúp các nạn nhân tránh được phần nào những tổn thương dai dẳng. 

Chưa hết, văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân là nỗi ám ảnh nặng nề nhất mà mỗi nạn nhân trong bất kỳ vụ quấy rối tình dục nào cũng e dè, thậm chí sợ hãi đến mức thà chọn cách tự làm đau bản thân thay vì chia sẻ để tìm sự cảm thông và động viên. Khi một cô gái đi ngoài đường bị các thanh niên trêu ghẹo thì lỗi thuộc về cô ta. Ai bảo cô ta ăn mặc quá sexy! Khi một nạn nhân quấy rối tình dục lên tiếng, ngay lập tức, nạn nhân sẽ bị săm soi từ ngoại hình đến tính cách, lối sống, cách ăn mặc…

Với các nạn nhân của Ngô Hoàng Anh, nhiều người bảo rằng đã không thích thì sao không nói thẳng, cho người ta thôi đi…

Trong phần lớn trường hợp ở xã hội Á Đông, nếu có bất kỳ việc nào xảy ra liên quan đến yếu tố tình dục, lỗi luôn thuộc về nữ giới. Dù là nạn nhân, dù đang phải gánh chịu những tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, nữ giới vẫn phải gánh trên vai trách nhiệm cố gắng giữ thể diện cho bản thân (trong khi lỗi không thuộc về họ) và cho cả… người đàn ông kia. 

Lê Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI