Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt: "Thực hành nghệ thuật không có chỗ cho sự thỏa hiệp"

07/02/2021 - 14:45

PNO - Với Nguyễn Lê Hoàng Việt, triển lãm video sắp đặt "Eroica 2020" là cơ hội để anh tri ân hai nguồn cảm hứng lớn của mình - Beethoven và Hà Nội.

Trưởng thành từ những phim ngắn đoạt giải thưởng quốc tế (Bạn cùng phòng, Hạt cam và con mèo vàng không tuổi), đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt (sinh năm 1991) đã ghi thêm một dấu mốc trong sự nghiệp khi tác phẩm video sắp đặt Eroica 2020 của anh được lựa chọn tham gia dự án Hotel Beethoven: A world theatre do BOZAR -Trung tâm Nghệ thuật tại Brussels, Bỉ khởi xướng.

Hà Nội là nguồn cảm hứng bất tận

Phóng viên: Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án?

Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt: Mọi thứ bắt đầu từ lời mời dự án toàn cầu của BOZAR cho dự án Hotel Beethoven: A world theatre (tạm dịch: Khách sạn Beethoven: Một sân khấu toàn cầu).

Tháng 5/2020, tôi thấy thông tin về dự án này trên mạng xã hội. Ít khi tôi gặp hai chủ đề mình đam mê nằm trong cùng một cái tên - khách sạn và Beethoven. Hơn nữa, chương trình này lại chấp nhận những cách thể hiện đa dạng và đương đại, rất gợi mở và quan tâm đến tính địa phương. Tóm lại là một dự án làm tôi thấy phấn khích và mong muốn được tham gia.

Tôi liên hệ với BOZAR thông qua Đại sứ quán Bỉ tại Việt Nam để bày tỏ hứng thú với dự án. Sau đó tôi gửi hồ sơ ý tưởng theo thể lệ của dự án và tháng 7 thì nhận thông báo được BOZAR lựa chọn.

* Ý tưởng được anh cho ra đời và thực hiện như thế nào?

- Giống như những bộ phim ngắn trước đây của tôi, Eroica 2020 cũng đến từ một hỗn hợp của cảm hứng, giờ đây nhớ lại, khó mà phân tách rạch ròi. Tôi biết mình sẽ làm một tác phẩm trong bối cảnh của Hà Nội - nơi tôi sinh ra và lớn lên. Thành phố này với tôi như một cảm hứng bất tận, đẹp giản dị và cũng đầy linh thiêng, ẩn chứa những vẻ đẹp giản dị trong từng góc nhỏ, mà cần đến chút duyên và sự kiên nhẫn, đôi khi ta mới thấy được.

Thời gian cách ly xã hội năm 2020 ít nhiều khiến cuộc sống tôi bị xáo trộn. Không thể ra ngoài một vài tuần, ta mới thấy nhớ những ngoại cảnh đơn sơ, hàng ngày ta lướt qua không để ý. Khi được trở lại với nếp sống “bình thường mới”, thế giới bên ngoài và đời sống của mọi người làm cho tôi xúc động.

Tôi khao khát giữ lại một “bản ghi” của cuộc sống này, vì biết đâu mọi thứ sẽ thay đổi, vì dịch bệnh còn chưa dứt.

Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt trong buổi ra mắt triển lãm Eroica 2020
Đạo diễn Nguyễn Lê Hoàng Việt trong buổi ra mắt triển lãm Eroica 2020

Cùng lúc đó, tôi dành thời gian để tìm hiểu các bản giao hưởng của Beethoven. Tôi đặc biệt ấn tượng với những video bản giao hưởng của Beethoven do nhạc trưởng người Áo Karajan chỉ huy. Ý tưởng về một sắp đặt video hòa trộn hình ảnh của thủ đô với âm nhạc của Bản số 3 - Eroica nảy ra từ đây.

Tôi muốn dùng một phiên bản kéo giãn tốc độ (time-stretched) của bản giao hưởng này, thay vì tốc độ thật, vì hiệu ứng này mang đến một trường âm thanh trầm, âm ỉ, làm chúng ta không còn nhận ra những âm thanh của nhạc cụ, nhưng cùng lúc lại tạo ra một dải âm như giọng hát trầm của một dàn hợp xướng ngân nga, bi hùng.

Phần hình ảnh là những cú máy zoom, kéo chúng ta lúc gần lại, lúc xa khỏi những khung cảnh của thành phố, của đời sống bên ngoài, kết hợp với sự tăng tiến tốc độ của bản nhạc, sẽ tạo nên một cảm giác như bị thôi miên và du hành vào bên trong khung hình.

Tôi cũng tạo ra một căn phòng, một chiếc hộp bao phủ bởi những tấm lưới công trình màu xanh. Chúng tạo nên một không gian gợi nhắc tôi về những công trường ồn ào quanh phòng tôi trong thời gian giãn cách xã hội.

* Tại sao lại là khúc Giao hưởng số 3 “Eroica”? Khúc nhạc ấy có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân anh?

- Câu chuyện về sự chính trực và quan điểm chính trị nhất quán của Beethoven trong giai đoạn sáng tác nên bản giao hưởng này (thời kỳ Cách mạng Pháp - PV) đã gợi cảm hứng rất nhiều trong tôi. Với tôi, trong cuộc sống và trong thực hành nghệ thuật, ta luôn cần có những giá trị của riêng mình không thể thỏa hiệp dù bất cứ giá nào. Nhưng trong những lúc khó khăn của năm 2020, có lẽ chúng ta đã ít nhiều phải đứng trước những lựa chọn, những thử thách về giá trị sống.

Mỗi cá nhân giàu nghị lực, chính trực và thủy chung với giá trị mình tâm niệm chính là một hiện thân giản dị nhất của “anh hùng”. Ý niệm về những giá trị bất biến mà Eroica gợi nên, với tôi, là “món quà” tôi nhận được từ Beethoven để chia sẻ với tất cả mọi người qua sắp đặt video này, vì vậy, tôi quyết định đặt tên Eroica 2020 cho nó.

Eroica 2020 là nỗ lực khai thác sức mạnh to lớn của âm nhạc Beethoven
Eroica 2020 là nỗ lực khai thác sức mạnh to lớn của âm nhạc Beethoven

* Trong buổi ra mắt triển lãm, anh đã nói “Gắn bó với âm nhạc của Beethoven giống như đứng trên vai người khổng lồ”. Âm nhạc của Beethoven có ảnh hưởng thế nào đối với cá nhân và nghệ thuật của anh?

- Âm nhạc của ông là di sản của nhân loại và cũng là một kho tàng cho mỗi người tìm kiếm điều gì đó cho riêng mình. Với tôi, âm nhạc của Beethoven không chỉ mang đến những giá trị thẩm mỹ, nó còn ẩn chứa những giá trị tư tưởng, tâm sự đời người và triết lý sống của ông.

Là một người yêu điện ảnh trước khi bắt đầu làm phim, tôi tiếp cận với âm nhạc của Beethoven vừa trực tiếp, vừa cả qua những bộ phim. Từ A Clockwork Orange của Stanley Kubrick đến những bộ phim truyện về tiểu sử Beethoven, tôi bị mê hoặc bởi năng lượng vô hình nhưng mãnh liệt mà âm nhạc của ông có thể mang lại cho hình ảnh, cũng như bởi cuộc đời nghệ sĩ lãng mạn nhưng nhiều éo le, hầu như cô độc của nhà soạn nhạc.

Ngoài ra, ông còn là một người tận hiến cho nghệ thuật, và đưa được nghệ thuật của mình lên đến đỉnh cao, tạo ra những kiệt tác trong nghịch cảnh.

* Phim ngắn “Hạt cam và con mèo vàng không tuổi” của anh cũng có những thanh âm rất đặc biệt: Tiếng chim hót rải suốt nửa đầu bộ phim (ban ngày), xua tan bầu không khí u tịch trong căn nhà của hai vợ chồng. Còn đến nửa đêm, người vợ lại mơ, hay hình dung ra cảnh người chồng khỏe lại và khiêu vũ với mình trên nền nhạc “Dư âm”. Trong khi đó, với “Eroica 2020”, khán giả cũng nhận thức được vai trò của âm nhạc trong nghịch cảnh. Với hai tác phẩm này, anh gửi gắm điều gì về sức mạnh của sự nghe và thanh âm?

- Hạt camEroica 2020 đều có một hình ảnh của khung cửa sổ nhìn ra khu vườn - cũng là căn phòng của tôi, khung cảnh tôi nhìn thấy quanh năm, mùa này qua mùa khác. Một cách nào đó, khung cửa sổ đó là cách tôi trải nghiệm một phần thế giới bên ngoài, qua màu sắc của lá, hoa từng mùa, qua cách gió lay những rặng cây, qua cách mặt trời chiếu vào lúc bình minh và ánh đèn đường rọi vào lúc chiều tà. Và cả qua những âm thanh - khiến khung cảnh trở nên sinh động hơn.

Không phải lúc nào những âm thanh xung quanh cũng cho ta một sự bình yên. Nhưng với Eroica 2020, âm thanh thành phố không được tả thực, cuộc sống không hiện lên qua âm thanh ta nghe hàng ngày, mà qua nhạc tính xuyên suốt những hình ảnh, ẩn trong chuyển động - trong ánh mắt - trong linh hồn của thiên nhiên, loài vật và con người, dần dần tạo nên một bản Eroica của năm 2020. Không phải là âm nhạc của Beethoven đang làm nền cho hình ảnh của Hà Nội, mà tất cả những cảnh trí là một phần của dàn nhạc lớn, cùng nhau tạo thành bản giao hưởng của hy vọng và sức sống. 

* Theo anh, di sản âm nhạc Beethoven có đời sống ra sao trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại?

- Tôi nghĩ Beethoven không hề xa lạ với giới mộ điệu tại Việt Nam, khán giả đại chúng cũng tiếp cận Beethoven rất dễ dàng, nhưng dường như vẫn thiếu những mô hình - sáng kiến để giới trẻ, học sinh, sinh viên có được sự tìm hiểu sớm hơn và có hệ thống với di sản âm nhạc này.

Nhạc cổ điển nói chung và nhạc của Beethoven không phải là những thứ xa vời và không nên được coi là “xa xỉ” với công chúng. Tôi tin tiếp cận di sản âm nhạc Beethoven sẽ đem đến những giá trị tích cực cho nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ. Những người làm nghệ thuật, giáo dục và truyền thông nếu có thể đóng góp để lan tỏa và kết nối điều này với khán giả, thì sẽ rất ý nghĩa.

* Cảm ơn anh rất nhiều vì cuộc trò chuyện!

Minh Trang (thực hiện)

Ảnh: NVCC

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI