Đạo diễn Khoa Nguyễn: "Tôi tìm diễn viên phù hợp, không phải tìm cái tên để bán vé"

11/03/2022 - 14:23

PNO - Không lựa chọn những cái tên “hot” để bảo chứng phòng vé, đạo diễn Khoa Nguyễn quyết định Oanh Kiều - Quang Sự là hai diễn viên giữ vai trò chủ chốt trong bộ phim điện ảnh đầu tay “Người lắng nghe: Lời thì thầm”.

 

Trong phim, Oanh Kiều vào vai một nhà văn trẻ bị ám ảnh bởi nhân vật mà mình tạo ra
Trong phim, Oanh Kiều vào vai một nhà văn trẻ bị ám ảnh bởi nhân vật mà mình tạo ra

Phóng viên: Sự sáng tạo, ý nghĩa mà anh muốn gửi gắm trong phim Người lắng nghe: Lời thì thầm là gì?

Đạo diễn Khoa Nguyễn: Thông điệp của phim, “Ai cũng cần một người để lắng nghe”, chính là điều mà tôi muốn nói. Trong phim, tất cả các nhân vật dù chính hay phụ thì bản thân mỗi người đều cũng có những chấn thương của mình. Chủ đề rất rõ, xuyên suốt những điều trong phim chỉ duy nhất mục đích là phục vụ cho câu nói ấy. Bản thân mỗi người trong đời sống này ai cũng mang trong người sự tổn thương, tất nhiên không phải ai cũng có thể nói bằng lời mà họ có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Vậy nên, ai cũng cần cho riêng mình một người lắng nghe. Lắng nghe thật sự, chính xác phải là sự thấu cảm của “người nghe”.

* Ban đầu, phim gây ngộ nhận rằng đây là phim kinh dị?

- Tôi không có ý đồ lấy yếu tố kinh dị để thu hút khán giả. Chúng ta đều biết, vấn đề nội tâm của con người là sự vô hình. Những tổn thương tinh thần của các nhân vật trong phim, về bản chất có tính tiêu cực, nên tôi hình tượng hóa những tổn thương đó bằng các hình ảnh có yếu tố kinh dị thì nó sẽ phù hợp hơn, phục vụ được cho mục đích kể chuyện của tôi hơn.

Yếu tố kinh dị là một công cụ để tôi kể chuyện chứ không phải được dùng chỉ mục đích thu hút khán giả. Phim chính xác là một phim tâm lý, có yếu tố kinh dị.

* Tuy nhiên “bóng ma” trong phim thấp thoáng hình ảnh “ma, quỷ” ở các phim đã từng công chiếu?

- Chưa ai chứng minh được ma quỷ là có thật, những hình ảnh về ma quỷ được hình thành trong lòng mỗi người phần nào dựa vào nền tảng văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa phương Tây có ma ca rồng, Trung Quốc có cương thi. Còn ở Việt Nam khi nói đến “ma” thì hình tượng cô gái tóc dài, áo trắng… là phổ biến nhất. Người lắng nghe: Lời thì thầm không theo đuổi việc tạo ra các hình ảnh ma quỷ ấn tượng. Phim mô tả những góc khuất trong nội tâm của con người, mà cụ thể là người Việt Nam. Vậy nên, khi một nhân vật trong phim, vì các tổn thương nội tâm của mình mà “thấy ma”.

* Tâm lý con người trong xã hội hiện đại là vấn đề “nóng” và cần có độ hiểu biết mới có thể nắm bắt, nếu không kịch bản sẽ tạo ra những tình tiết vô lý, phi logic. Anh có nghiên cứu về tâm lý học khi viết kịch bản?

- Ngay từ giai đoạn đầu viết kịch bản, tháng 2/2019, đồng hành cùng tôi là chuyên gia tâm lý Nguyễn Đức Như Thủy - thạc sĩ tâm lý học, nhà trị liệu nghệ thuật, tốt nghiệp ở Singapore. Các yếu tố chuẩn bệnh, biểu hiện lâm sàng của bệnh… của các nhân vật trong kịch bản, tôi đều đã được sự tư vấn rất kỹ từ chị Thủy. Và quá trình viết kịch bản kéo dài hơn một năm.

Tiếp sau đó, đến thời gian tiền kỳ sản xuất, tháng 6/2020, tôi và các diễn viên chính tiếp tục nhận được sự đồng đồng hành từ Trung tâm trị liệu Touching Soul Center trong việc trang bị các kiến thức về tâm lý học lâm sàng, các phương pháp trị liệu tâm lý, trải nghiệm các ca trị liệu tâm lý thực tế… Tất cả mọi thứ trong phim đều có nền tảng khoa học chứ tùy tiện.

* Có một điều có thể nhìn thấy được là Oanh Kiều, Quang Sự không phải là cái tên bán vé. Điều đó anh có nghĩ đến khi chọn diễn viên?

- Tôi làm phim đầu tay, tôi cần một ê-kíp đồng cam cộng khổ, có niềm tin dành cho tôi, chia sẻ được với tôi tầm nhìn về làm phim và sự lựa chọn đề tài của tôi.

Quang Sự và Oanh Kiều từng là hai diễn viên chính trong phim ngắn Come Back Home, phim tốt nghiệp đạo diễn của tôi hồi năm 2018. Dù khi ấy chỉ là một dự án phim ngắn, thời gian làm việc cùng nhau chưa nhiều, nhưng cũng đủ để tôi nhận diện tương đối đầy đủ về trình độ chuyên môn, thái độ làm việc và nội lực của hai diễn viên này. Tôi có niềm tin ở Quang Sự và Oanh Kiều, tôi tin dạng nhân vật có tâm lý phức tạp như trong Người lắng nghe: Lời thì thầm sẽ là mảnh đất màu mỡ để hai bạn có thể phát huy được tiềm năng mà các bạn đang có.

Trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án thì họ cũng đề xuất tôi thử thêm các phương án diễn viên khác. Chúng tôi cũng có tổ chức casting vài lần, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết định chọn Quang Sự và Oanh Kiều. Cho đến lúc này, kết quả của bộ phim đã chứng minh sự lựa chọn của tôi là hoàn toàn chính xác.

Không chỉ với Quang Sự và Oanh Kiều, mà với tất cả các diễn viên còn lại trong phim, tôi đều lựa chọn dựa trên tiêu chí quan trọng nhất đó là sự phù hợp với nhân vật. Thật hạnh phúc khi tất cả các sự lựa chọn đó của tôi đều đã chính xác.

Đạo diễn Khoa Nguyễn và Oanh Kiều trên phim trường
Đạo diễn Khoa Nguyễn và Oanh Kiều trên phim trường

* Phim ra rạp ngay lúc chủng Omicron khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh có lo sẽ ảnh hưởng doanh thu?

- Đây là điều mình phải chấp nhận. Thể loại phim này thật ra cũng kén người xem, diễn viên cũng không phải là “bảo chứng phòng vé” như nhận định ở trên, nhưng tôi luôn có niềm tin dòng phim này có địa hạt riêng, không lớn nhưng cũng không nhỏ để cho nhà đầu tư mất trắng.

Nhiều người hỏi tôi có lo lắng không, lo thì có lo, nhưng tôi và các cộng sự đã cố gắng hết sức rồi, giờ thì cứ phải để bộ phim ra mắt và sống bằng “sinh mệnh” của chính nó thôi.

* Cách đây không lâu, cái chết của một nam sinh 19 tuổi đã dấy lên căn bệnh trầm cảm ở người trẻ. Vấn đề này khá tương đồng với vấn đề mà phim gửi gắm, nhưng trong suốt hành trình quảng bá phim, hầu như không thấy nhà sản xuất phim nhắc về câu chuyện tổn thương tâm lý…

- Tôi nhận được nhiều chia sẻ rằng nội dung phim rất gần với những sự kiện bên ngoài, có rất nhiều trường hợp giống như vậy. Tuy nhiên, tôi không lựa chọn nhắc hay đề cập đến cụ thể sự kiện nào, làm vậy thì chúng tôi sẽ gợi lại sự đau thương cho người khác. Tôi nghĩ không nên.

Tôi chọn việc theo đuổi đề tài về các tổn thương nội tâm của con người, về cách con người ta đối diện và vượt qua nó, vậy nên, nếu những bộ phim tôi làm ra không thể giúp cho người xem có những cái nhìn tích cực hơn trong cuộc sống thì tôi làm phim có ý nghĩa gì nữa?

Tôi cũng biết đề tài tôi đang theo đuổi không phải là một đề tài dễ dàng gì, nhưng tôi tin về những giá trị nhân văn mà đề tài này có thể mang đến cho xã hội. Vậy nên, tôi vẫn sẽ tiếp tục thôi, tiếp tục cố gắng học hỏi, không ngừng hoàn thiện về chuyên môn, rồi tìm kiếm cơ hội để làm phim tiếp theo, với mục tiêu là câu chuyện của mình, thông điệp của mình sẽ ngày càng đến gần với đông đảo khán giả hơn. Đây chính xác là mục tiêu nghề nghiệp mà tôi theo đuổi, khi quyết định trở thành một đạo diễn.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Hạ Di (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI