Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Hy vọng Bão ngầm sẽ khác biệt và hấp dẫn

17/02/2022 - 17:51

PNO - Bộ phim Bão ngầm với đề tài điều tra đường dây ma túy xuyên quốc gia , có bối cảnh trải rộng, quy tụ lực lượng diễn viên cả nước, được xem như một “bom tấn” ở dòng phim điều tra phá án sẽ ra mắt ngày 20/2 tới.

Nhân dịp bộ phim dài 75 tập này sắp lên sóng, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Đinh Thái Thụy về tác phẩm mới này:

Phóng viên: Sau phim Đường Hồ Chí Minh trên biển do hãng phim Giải Phóng và TFS sản xuất phát sóng năm 2011 - một “bom tấn” truyền hình hiểu theo nghĩa đề tài khó, số lượng tập nhiều, mức độ đầu tư cao - anh trở lại với Bão ngầm - một “bom tấn” khác - do tư nhân sản xuất. Sự khác biệt về mức độ đầu tư giữa tư nhân và Nhà nước, theo anh có ảnh hưởng đến chất lượng phim không?

Đạo diễn Đinh Thái Thụy: Mỗi đề tài phim sẽ có một mức đầu tư tương ứng để có thể đảm bảo chất lượng về cả nội dung và nghệ thuật. Để thành công, bộ phim cần hội tụ nhiều yếu tố như: đội ngũ nhân sự tài năng, chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại, kế hoạch quay kỹ lưỡng. Tất nhiên, vấn đề tối quan trọng là kinh phí đủ mạnh để đạo diễn cùng đội ngũ sáng tác có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình theo yêu cầu kịch bản. Một dự án phim đầy tham vọng, nhưng mức đầu tư không tương xứng, thì dễ dẫn tới kết quả “đầu voi đuôi chuột”. 

Đạo diễn Đinh Thái Thụy (áo màu sáng) hướng dẫn diễn xuất trong một cảnh phim
Đạo diễn Đinh Thái Thụy (áo màu sáng) hướng dẫn diễn xuất trong một cảnh phim

* Bão ngầm được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tiến sĩ Đào Trung Hiếu - một cựu cán bộ cảnh sát hình sự - và ông cũng chính là biên kịch, phó đạo diễn của phim. Trong quá trình làm, hai anh phân chia công việc thế nào để tránh mâu thuẫn và hỗ trợ nhau một cách tốt nhất?

- Tôi từng làm một số dự án phim về đề tài chiến tranh hoặc hình sự, lịch sử, có tham gia của các cố vấn chuyên môn nên cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm về cách làm việc. Để tránh những mâu thuẫn không đáng có, cần rạch ròi trách nhiệm và quyền hạn của mỗi người trong vai trò của mình. Với Bão ngầm, trước khi bấm máy, tôi tìm hiểu kỹ về nghiệp vụ liên quan tới kịch bản, những vấn đề không hiểu, tôi hỏi những người có kinh nghiệm thực tế và cả tác giả kịch bản.

Về phó đạo diễn của phim, tôi cộng tác cùng một lúc với bốn người, gồm hai phó đạo diễn phụ trách tổng thể tại phim trường, phó đạo diễn kế hoạch Tấn Lực (đã qua đời). Anh Hiếu giữ vai trò phó đạo diễn nghiệp vụ, hỗ trợ cố vấn riêng về những phân đoạn liên quan tới nghiệp vụ công an. Chúng tôi đã làm việc trước từ khâu xử lý kịch bản, nên khi ra hiện trường, chủ yếu là làm việc qua điện thoại hoặc email. Chỉ một vài đại cảnh đánh án, anh Hiếu mới có mặt tại hiện trường, trực tiếp tham gia góp ý cùng tổ đạo diễn để tránh những sai sót cơ bản. Chúng tôi thống nhất rõ phương thức hợp tác từ đầu, tôn trọng vai trò và trách nhiệm của nhau nên mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. 

* Làm phim về một đề tài khó và vĩ mô như cuộc chiến chống tội phạm ma túy trong Bão ngầm hẳn là một quá trình gian khổ. Anh có thể chia sẻ về quá trình này?

-Vì câu chuyện phim là đại án về một đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, nên bối cảnh phim trải rộng khắp gần mười tỉnh cả hai miền Nam - Bắc. Những khó khăn gặp phải trong tác nghiệp là điều tất yếu, chúng tôi đã định liệu trước, nhưng cũng có những phát sinh ngoài dự tính như thời tiết khắc nghiệt chuyển từ hạ sang đông bởi lịch quay kéo dài; diễn biến dịch bệnh phức tạp dẫn đến gián đoạn và bể lịch quay; hầu hết những cảnh bắn, cháy nổ trong phim đều phải tính toán phương án quay để về hậu kỳ vẽ kỹ xảo… Đặc biệt là nhân sự đoàn bị thiếu hụt, chắp vá vì một số anh em có việc gia đình, hoặc xa nhà quá lâu, mất kiên nhẫn với lịch quay… Tuy vậy, với tất cả quyết tâm, chúng tôi đã cùng nhau về đích sau gần hai năm chắp vá, tác nghiệp. 

* So với tiểu thuyết, nội dung phim sẽ có những thay đổi gì? Vì sao lại có sự thay đổi đó?

- Khi mới tiếp cận kịch bản, tôi thấy nội dung phim hơi “kén” khán giả, vì từ đầu tới cuối chỉ thấy cảnh sát chiến đấu với tội phạm. Tôi đã trao đổi với anh Hiếu cần khắc phục một vài vấn đề, như kịch bản bị mất cân bằng giới tính, chủ yếu chỉ là các tuyến nhân vật nam từ trên xuống dưới, cả lực lượng công an lẫn phía tội phạm; mảng đời sống hậu phương của các tuyến nhân vật chính thứ còn chưa được khai thác sâu, đặc biệt là tình yêu tay ba, tay tư của các nhân vật còn quá mỏng.

Chúng tôi mất khoảng hai tháng để cấu trúc lại kịch bản, đổi một số tuyến nhân vật nam thành nữ, gộp một số nhân vật gần giống nhau thành một, bỏ bớt một số nhân vật thừa, viết thêm một số tuyến nhân vật khác để phim thêm phong phú, sinh động, cũng như khai thác thêm đời sống gia đình và tình cảm phức tạp giữa các tuyến nhân vật. Trong suốt quá trình cùng xử lý kịch bản, tôi phải thừa nhận, anh Hiếu là một trong những tác giả kịch bản giàu chất liệu, sáng tạo và có bút lực rất dồi dào. 

Phim có nhiều cảnh quay trải dài khắp mười tỉnh, thành trên cả nước
Phim có nhiều cảnh quay trải dài khắp mười tỉnh, thành trên cả nước

* Phim Việt về đề tài phá án lâu nay thường rơi vào thế khó, nếu làm cho thật thuyết phục về nghiệp vụ điều tra thì có thể vô tình làm lộ bí mật chuyên môn của cơ quan công an, mà làm sơ sài thì khán giả thấy không thuyết phục. Với Bão ngầm, anh làm thế nào để cân bằng điều này?

- Đến giờ phút này, khi phim thành phẩm, tôi vẫn đang phải rà soát lại từ đầu tới cuối để cắt bỏ một số cảnh và chi tiết liên quan tới vấn đề lộ nghiệp vụ hoặc nhạy cảm. Từng làm nhiều phim đề tài chính luận, nên tôi hiểu điều gì có thể và không thể. Tôi tin vào sự khách quan của người kiểm duyệt về giới hạn, và sự khác nhau trong cấu trúc của một bộ phim truyện hư cấu với một bộ phim tài liệu, phóng sự. Tôi cũng tin rằng, khi xem hết bộ phim, khán giả sẽ thấy Bão ngầm không phải là một bộ phim truyện phiến diện. 

* Bão ngầm quy tụ lực lượng diễn viên hùng hậu, trong đó đáng chú ý có sự trở lại của nữ diễn viên Kim Phượng, nổi tiếng với vai Phượng Đê trong phim Những đứa con Biệt động Sài Gòn, cũng trong một vai diễn đồng tính, vì sao anh muốn có mặt cô ấy trong phim này?

- Nhân vật đồng tính trong Bão ngầm của Kim Phượng là nhân vật phát sinh khi cô nhận lời hợp tác. Tôi đã khá ấn tượng với nhân vật Phượng Đê của cô ấy. Trong khi tôi đang định hướng xây dựng các tuyến nhân vật trong phim được phong phú, sinh động. Vậy thì tại sao không khai thác thế mạnh này của diễn viên Kim Phượng, để tạo ra một nhân vật hơi quái, nhưng cũng rất đỗi đời thường? Tình cảm đồng tính dù được khai thác không nhiều và bạo liệt, nhưng ít nhiều cũng tạo được sự đồng cảm về một tâm hồn khép kín nhưng đầy khát khao với cuộc sống, với tình yêu, cao cả và nhân văn.  

* Phim hình sự về đề tài chống ma túy không phải mới trên màn ảnh nhỏ, anh cho rằng Bão ngầm sẽ hấp dẫn người xem ở điều gì?

- Là phim về đề tài triệt phá tội phạm ma túy, Bão ngầm có lợi thế từ khâu kịch bản với tác giả là người có trải nghiệm thực tế. Nhà đầu tư hào phóng và nghiêm túc, sẵn sàng đi đến cùng để đạt được tiêu chí ban đầu đặt ra. Bản thân tôi cùng ê-kíp và các anh chị em nghệ sĩ được cộng hưởng, khích lệ, quyết tâm thực hiện được những cảnh quay đạt yêu cầu kịch bản. Khác biệt và hấp dẫn người xem là tiêu chí nhà làm phim nào cũng muốn vươn tới. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức với tiêu chí đó, nhưng kết quả đến đâu, phải chờ khi phim phát sóng. 

* Cảm ơn anh. 

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaovi /strCate=sao

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhautruongvi /strCate=hautruong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaitrivi /strCate=giaitri