Đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan: Tôi thấy mình trong Tấm ván phóng dao

02/02/2022 - 06:37

PNO - Hai nơi Linh Đan coi là nhà, đó là Hà Nội và New York. Theo học ngành điện ảnh tại Mỹ, ở lứa tuổi khá trẻ, Linh Đan chọn những vấn đề rất… thân phận. Cô và ê-kíp của mình đã đoạt giải dự án tại Liên hoan phim Busan năm 2021, một kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết "Tấm ván phóng dao" của nghệ sĩ Mạc Can.

Phóng viên: Điện ảnh mang cho bạn không gian, cơ hội cất tiếng nói gì, để trở thành lựa chọn của bạn nơi xứ người?

Nguyễn Phan Linh Đan: Tôi được tiếp cận với văn học nghệ thuật từ sớm, từ viết văn cho tới vẽ tranh và nhiếp ảnh... và điện ảnh chứa đủ những đam mê này. Tôi hứng thú với việc lên tiếng, kể chuyện thông qua ngôn ngữ cơ thể, ánh sáng và khung hình. Điện ảnh là một ngôn ngữ phổ quát, không phân biệt giai cấp, giới tính, sắc tộc và mang góc nhìn rõ nét của người tạo ra tác phẩm. Tôi quyết định trở thành một đạo diễn hình ảnh khi du học ở Mỹ.

Thứ đáng giá nhất tôi đã học được là sự tự do trong tư duy và sáng tạo. Chúng tôi được dạy rất kỹ các lý thuyết mang tính niêm luật, nhưng rồi lại học cách phá những luật đó để tạo ra những thứ mới và biểu lộ cái “tôi” của mình trong các tác phẩm. 

* Trong các tác phẩm của bạn, sự ngây thơ luôn xuất hiện đối lập trong môi trường hình thành. Đó là điều khác biệt, nhưng cũng có thể là phi logic…

- Đa số các kịch bản tôi viết đều có những nhân vật “ngây thơ” trong một môi trường ác liệt, phim ngắn Children of the dust (Trẻ bụi đời) về một đứa trẻ ở trại tị nạn hay Tấm ván phóng dao cũng vậy. Tôi thấy, có lẽ mình hiểu rõ hơn về góc nhìn của trẻ con vì mình đã trải qua nó. Dù bối cảnh câu chuyện có khác biệt và xa lạ với tôi thế nào, thì cảm xúc của một đứa trẻ vẫn luôn là quen thuộc. 

Tôi luôn thích kể chuyện qua góc nhìn của trẻ em, lấy một thứ gì đó ngây thơ và trong sáng, rồi đặt nó ở một môi trường đối lập để có thể nêu ra được rất nhiều vấn đề về con người và xã hội.  Đặc biệt, Tấm ván phóng dao đề cập tới nhiều chủ đề mà tôi muốn nhắc tới. Cuốn sách kể về trải nghiệm ấu thơ của Mạc Can khi ông là con thứ trong một gia đình kiếm sống bằng nghề diễn xiếc lưu động. Khi đọc cuốn sách, tôi cảm thấy như tác giả viết ra những cảm xúc của chính bản thân mình, tuy nó là một câu chuyện rất riêng biệt ở thời kỳ đó. Bộ phim chuyển thể tập trung vào ba đứa trẻ phải diễn màn phóng dao đầy nguy hiểm - tiết mục thành công nhất của gánh xiếc. Bộ phim cũng kể về những đứa trẻ tìm kiếm chính mình trong một thời kỳ chuyển giao văn hóa, với những giá trị cũ bị rơi rớt...

Nguyễn Phan Linh Đan
Theo học ngành điện ảnh ở New York University - Tisch School of the Art, Mỹ.
Đạo diễn hình ảnh phim Lost, Children of the dust, Vô diện, Bí mật của gió.
Thành viên Hội Điêu khắc BKLYN CLAY, New York.
Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản tác phẩm If wood could cry, it would cry blood - nhận giải thưởng ArteKino trị giá 6.000 Euro tại Asian Project Market thuộc Liên hoan phim Busan 2021.

* Bạn, hay những gương mặt trẻ cùng thế hệ, lớn lên trong sự bùng nổ công nghệ kỹ thuật số và toàn cầu hóa. Bạn có thấy mình là người… “đương thời” không?

- Thật ra tôi không thấy mình thuộc thế hệ gen Z, mà đứng giữa Z và Y thì đúng hơn. Ở vị trí giữa này, tôi có thể hiểu được một chút từ cả hai, một đã “già” với quá nhiều suy tư và một còn rất nhiều thời gian để thử nghiệm. Nhiều lúc tôi nghĩ, mình chỉ là một đứa trẻ đang cố hòa nhập vào thế giới của người lớn mà thôi. 

* Một trong những điều thường thấy của vị trí đứng giữa, là cảm giác mơ hồ, đôi khi không nhận diện được thế giới mà mình thuộc về… 

- Không biết có phải thế không mà 90% thời gian là tôi cảm thấy bấp bênh trong cuộc sống và công việc. Nhiều lúc quả thực tôi không rõ mình là ai, muốn gì, tự hỏi đây có phải là con đường dành cho mình không, cảm thấy mình không đi tới đâu, nhiều lúc còn tự hỏi mình có thực sự biết làm công việc này không… Trong cuộc sống cũng như trong công việc, tôi tiếp cận mọi thứ như một quá trình thử nghiệm, rồi nhận ra sai lầm của mình, vấp ngã rồi lại thử. 

* Không khó để hiểu vì sao ngoài điện ảnh, bạn còn đam mê điêu khắc vì suy cho cùng, đó đều là cách kể chuyện bằng hình ảnh.    

- Điêu khắc là một lối thoát sáng tạo để tôi có thể bày tỏ những suy nghĩ cá nhân bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào yếu tố ê-kíp. Tôi coi nó như một nơi an toàn để chạy trốn khỏi những áp lực trong công việc và đời sống hằng ngày. Như cách viết ra một trang của nhật ký, bày tỏ những cảm xúc của mình trong lúc đó. 

Thực tế, điêu khắc là một loại hình nghệ thuật tự do trong ý tưởng nhưng lại bị giới hạn bởi sự ràng buộc của trọng lực và vật lý, và đối với tôi, nó là một ẩn dụ cho những điều kiện của con người. 

* Và nó không khiến bạn phải lo lắng quá nhiều về… tiền, như điện ảnh, có phải không? 

- Quả thực điện ảnh là một ngành nghệ thuật phụ thuộc nhiều nhất vào tiền bạc. Tất nhiên có những bộ phim rất hay được làm ra với một số tiền ít, nhưng trước khi thực hiện được điều đó, vẫn là một giai đoạn cần tiền. Nếu không có ai đầu tư, khó có thể thực hiện được sáng tạo của mình. 

Trong cuộc sống cá nhân, tôi bắt đầu có những công việc kiếm tiền đầu tiên vào lúc 15 tuổi, để trả cho những nhu cầu riêng ngoài tiền ăn được cho hằng tuần. Tôi đi chụp ảnh thuê, hoặc làm thêm ở một quán ăn. Tôi bắt đầu tự lập tài chính lúc ở Mỹ, nơi cuộc sống đắt đỏ, nên cũng biết giá trị của đồng tiền khi phải sống qua ngày và từng ăn mì tôm cả tháng để trả tiền nhà như thế nào. Tôi từng nhận công việc dắt chó đi dạo và ấn nút thang máy cả ngày, hoặc dọn studio và bê vác đèn, để kiếm tiền sinh hoạt và theo đuổi điều mình muốn. 

Hiện tại tôi cũng đến tuổi bắt đầu phải nghĩ tới trách nhiệm với gia đình nên áp lực tiền bạc là một thực tế khó tránh khỏi. 

Ở vai trò đạo diễn hình ảnh, tôi luôn phải cố gắng chứng tỏ chuyên môn, sức lực bản thân chỉ vì… mình là nữ giới. Tôi không muốn nhắc tới giới tính, nhưng thật ra đây là một vấn đề có ở mọi nơi. Tôi không coi mình là một đạo diễn, tôi muốn dành thời gian để tập trung vào những dự án mà tôi đam mê, như dự án Tấm ván phóng dao. Tôi không muốn biến đam mê trở thành một công việc kiếm tiền, để rồi dần mất đi cảm hứng.

* Xa gia đình từ năm 17 tuổi, bạn nhận ra điều gì khi trở về?

- Giãn cách xã hội vì COVID-19, tôi trở về Hà Nội và có lẽ đây là khoảng thời gian lâu nhất tôi sống cùng gia đình kể từ năm tôi 17 tuổi. Tôi cảm nhận được nhiều điều khác hơn so với trước đây, vì đây là lần đầu tiên sống cùng bố mẹ với tư cách một… người lớn. Sau đằng đẵng thời gian, sau vô vàn thử nghiệm và khám phá, tôi nhận ra gia đình có ý nghĩa to lớn đối với mình như thế nào.

* Xin cảm ơn Linh Đan. 

Codet Hanoi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI