Đạo diễn Caroline Guiela Nguyen: Người mang 'Saigon' về với Sài Gòn

16/09/2018 - 06:30

PNO - Là thế hệ thứ hai của cuộc di dân, có mẹ gốc Việt, cha gốc Phi, Caroline Guiela Nguyen đã tái hiện sinh động phức cảm “xứ lạ” của những người bị cuốn trong dòng lịch sử Việt - Pháp suốt 40 năm (1956-1996) trong vở kịch 'Saigon'.

Cô nói, kịch là phương tiện để cô giải mã những điều ít được nhắc đến và truy vấn về thân phận con người.

Để xây dựng nên vở diễn này, Caroline Guiela Nguyen cùng các cộng sự đã đến TP.HCM năm 2015 và 2016 trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú (Villa Saigon) do Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức.

Trong suốt thời gian này, họ đã tìm hiểu và cảm nhận Việt Nam; sau đó quay về tìm hiểu cộng đồng người Việt ở Paris. Từ những câu chuyện, âm thanh, hình ảnh, chất liệu thu thập được, Caroline Guiela Nguyen đã viết nên một cuốn sách. Các diễn viên dựa vào cuốn sách này để ứng tác trên sân khấu và cùng nhau viết nên kịch bản cuối cùng cho vở diễn.

Saigon đã gây được tiếng vang lớn tại liên hoan sân khấu quốc tế Avignon năm 2017; nhận được đề cử ở ba hạng mục của giải Molières vào tháng 4/2018, được chào đón nồng nhiệt tại các nhà hát danh giá nhất trên thế giới.

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon

Truyền thông, giới chuyên môn và khán giả không tiếc lời khen ngợi vở diễn. Báo Le Monde nhận xét: “Một vở kịch lôi cuốn, làm nhói đau và xúc động”. Trong khi đó, kênh France Culture nói rằng: “Vở kịch khiến cả Avignon bật khóc”.

Ngày 21 và 22/9 tới, vở kịch Saigon sẽ về với khán giả Sài Gòn theo lời mời của Viện Pháp tại Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp tại Nhà hát Bến Thành (6 Mạc Đĩnh Chi, Q.1, TP.HCM).

Tôi muốn mở ra những nếp gấp của lịch sử

Phóng viên: Ý tưởng về tác phẩm Saigon được bắt nguồn như thế nào, thưa chị?

Đạo diễn Caroline Guiela Nguyen: Ý tưởng này bắt nguồn từ việc người bạn của tôi muốn dựng một vở kịch trong nhà hàng Việt Nam tại Pháp. Trên đất Pháp có rất nhiều quán ăn Việt; ngay khu phố tôi ở, đếm sơ cũng có gần chục nhà hàng.

Nói thế để thấy sự có mặt đáng kể của không gian Việt trong cảnh quan nước Pháp. Song, mỗi lần khách đến đó thường không biết được những điều còn ẩn chứa đằng sau góc bếp. Tôi muốn mở ra những nếp gấp của lịch sử còn nương náu nơi đây.

* Những câu chuyện trong vở kịch Saigon tương ứng với khoảng thời gian sau khi kết thúc chiến tranh Đông Dương - vốn là đề tài ít được nhắc đến. Tại sao chị lại đi vào “điểm mù” lịch sử đó?

- Đúng như bạn nói. Tôi chọn nó bởi vì đề tài này ít được đề cập và còn bởi đó là thời khắc chuyển giao quan trọng của lịch sử. Điều chúng tôi muốn gửi gắm trong vở kịch chính là vấn đề tha hương. Đó là khoảng thời gian quan trọng, có tính biểu tượng cho toàn bộ vấn đề di dân tồn tại giữa Việt Nam và Pháp.

Tác phẩm này tái hiện khoảng thời gian sau chiến tranh Đông Dương (năm 1956) - hai năm sau thất bại Điện Biên Phủ, những người Pháp cuối cùng buộc phải rời khỏi Việt Nam; cho tới năm 1996 khi chính phủ bỏ lệnh cấm vận, mời Việt kiều về nước. Thông qua vở kịch, tôi muốn mở ra một cuộc đối thoại giữa hai thời điểm này, cũng là cuộc đối thoại giữa nước Pháp và Việt Nam.

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon

* Ở Pháp, giai đoạn lịch sử đặc biệt này có được khai thác nhiều trong văn học - nghệ thuật không?

- Không. Ngay cả trong chương trình lịch sử, chúng tôi cũng khó tìm được tư liệu thời kỳ 1956 - 1996. Trên thực tế, tất cả những điều chúng tôi khai thác được lại không phải nhờ vào tài liệu lưu trữ, mà qua các câu chuyện được kể lại bởi những nhân chứng sống.

* Là thế hệ thứ hai của cuộc di dân đó, chị nghĩ gì về thân phận bị mắc kẹt trong giai đoạn lịch sử ấy?

- Mẹ tôi là người gốc Việt di cư sang Pháp, sống thân phận tha hương nhưng tôi không thể hiểu thấu suốt tất cả những điều này có nghĩa như thế nào. Có một bạn từng hỏi, tại sao tôi lại chọn nghề kịch. Lý do chọn kịch làm nghiệp, với tôi, chính là để chạm đến nỗi thấu hiểu sâu sắc đối với sự việc, cuộc đời.

Trong cuộc sống, chúng ta biết một điều nhưng chưa chắc ta hình dung được những câu chuyện đằng sau lớp vỏ hiện tượng đó. Vở kịch giúp tôi chuyển tải những trải nghiệm nơi mẹ tôi thành hình ảnh, thành một điều rõ ràng, có hình khối. Và bây giờ, mỗi lần nhắc tới, lại thêm một lần nó chạm tới tôi một cách sâu sắc.

Vấn đề Việt kiều là một đề tài rất sâu. Trong tiếng Việt, Việt kiều là người Việt ở xứ lạ. Hai chữ đó mang trong mình sự thăm thẳm. Tôi tự nhủ rằng những con người đó sẽ chẳng bao giờ hoàn toàn là “người Việt” hay hoàn toàn là người “xứ lạ”. Và tôi xúc động về điều này. 

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon
Những câu chuyện trong Saigon được kể bằng nhiều thứ tiếng

* Chị có cho rằng, thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba sẽ là những người cất lên tiếng nói cho những câu chuyện này?

- Không hẳn. Tôi nghĩ câu hỏi đặt ra ở đây chính là việc có tồn tại hay không khoảng trống dành cho những lời kể chuyện. Tôi cảm thấy mình may mắn có thể cất lên tiếng nói và vở kịch được dựng lên để chúng ta đưa ra những câu chuyện mới hoặc ít được nhắc tới, để mang những người tha hương bước ra khỏi vùng tối ấy.

Ai đó đã nói rằng, thử thách thật sự chính là khơi ra những câu chuyện còn thiếu. Có những câu chuyện được kể ra nhưng chúng ta đã không biết lắng nghe. Tôi nghĩ tới câu nói của chàng trai trẻ trong bộ phim tài liệu Căn phòng thứ 10 của Raymond Depardon, nhớ tới người được hướng đến trong câu hỏi “bạn muốn nói thêm điều gì không?” và người đó đã trả lời: “Tôi còn biết bao điều muốn nói với ông”…

“Mẹ đã để lại cho tôi hành trình nước mắt”

* Kênh truyền hình Arte (Pháp) nhận xét rằng: “Đây là câu chuyện được kể lại với một con đường trào dâng nước mắt từ Sài Gòn. Chị nói gì về “hành trình nước mắt” đó?

- Trong những bài hát, những vở kịch, những câu chuyện người ta nói với nhau mà tôi từng nghe, từng xem, từng chứng kiến ở Việt Nam, rất nhiều câu chuyện được kết thúc trong nước mắt. Tôi nghĩ rằng, đó là vấn đề của sự giằng xé, của việc người mà ta yêu đang sống ở phương xa. Có thể đó là một điều đã in sâu trong văn hóa Việt Nam hay ít ra là ở TP.HCM. Tôi bị ấn tượng bởi việc người ta than khóc quá nhiều cho nỗi trống vắng người thương.

Khi dựng vở kịch Saigon, tôi muốn tái hiện cảm xúc rất đặc biệt này của người Việt, thứ tình cảm mà người Pháp không mấy mặn mà. Khi xem kịch, một số người Pháp ngay lập tức xếp nó vào thể loại “sến”. Tôi không nghĩ đó là kịch sến mà chỉ là những câu chuyện đầy cảm xúc. Hơn nữa, với cá nhân tôi, nước mắt cũng gắn liền với những ký ức. Suốt cuộc đời mình, mẹ tôi từng nhiều lần rơi nước mắt và bà đã để lại cho tôi hành trình nước mắt này.

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon

* Cuộc sống tha phương, che giấu vết thương lòng và cố sống bằng một thứ ngôn ngữ khác là những câu chuyện mà người ta chỉ có thể nói được với nhau bằng nước mắt?

- Có một nhà báo Pháp bảo rằng, công chúng đã khóc rất nhiều khi xem vở kịch Saigon và cô ấy hạnh phúc khi trông thấy những giọt lệ ấy. Từ lâu, nước mắt của chúng ta bị chôn sâu bởi chưa ai từng khơi ra những câu chuyện đời như thế. Rõ ràng, họ đang hiện diện nhưng nhiều năm qua họ đã bị lãng quên. Nhiều người trong số họ không có cơ hội để nghe - nói ngôn ngữ gốc của mình ở bất cứ nơi nào khác ngoài phạm vi gia đình họ. Qua tác phẩm này, tôi biết, đã có điều gì đó được nói ra, vỡ òa.

* Được biết, chị từng theo mẹ về thăm Việt Nam vào năm 1996. Việt Nam lúc đó trong cảm nhận của chị ra sao?

- Khi đến Việt Nam năm 16 tuổi, tôi không khỏi bàng hoàng. Lúc ở Pháp, người ta luôn bảo tôi là người Việt. Còn khi về đây, đến một từ tiếng Việt tôi cũng không biết, rồi nhìn ngoại hình của tôi, chẳng ai nghĩ tôi là dân bản xứ. Đó là một chuyến đi thảm họa, tôi phải tự khép mình suốt hai tuần trong khách sạn. Mãi sau này, khi tôi có thêm vài lần ghé thăm và tìm hiểu Việt Nam, cảm giác đó mới thay đổi. Tôi nghĩ, trước đây tôi còn nhỏ, chưa hiểu gì. Bây giờ tôi biết chỗ của mình là ở đâu.

Tôi từng đến khá nhiều địa điểm như vịnh Hạ Long, Tam Cốc, Huế... Việt Nam vô cùng xinh đẹp và là một trong những xứ sở tuyệt vời nhất mà tôi từng biết. Tôi cảm giác mình có nhiều điều khác để chia sẻ về đất nước này, ngoài việc chỉ ngắm nhìn nó một cách đơn thuần như ngắm những tấm bưu thiếp.

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon
Bối cảnh Sài Gòn trong vở kịch gây tiếng vang của Caroline Guiela Nguyen

Saigon mang tiếng nói đa âm sắc

* Đối với một vở kịch, thông thường các diễn viên làm việc trên một kịch bản có sẵn. Với Saigon, họ tự ứng tác rồi tạo ra kịch bản cuối cùng trên sân khấu?

- Bởi vì dàn diễn viên mang trong mình nhiều ngôn ngữ cùng cách biểu đạt giọng nói khác nhau nên chỉ có họ mới có thể sáng tạo theo ngôn ngữ riêng họ. Tôi thích ý tưởng mỗi diễn viên tự thể hiện, thích cách họ viết nên vai diễn của chính mình và bộc lộ mình trong vở kịch. Điều đó làm cho tác phẩm, dẫu nói về một câu chuyện cũ, vẫn tạo ra một thế giới đa âm sắc đương đại rất rõ.

Dao dien Caroline Guiela Nguyen: Nguoi mang 'Saigon' ve voi Sai Gon

* Được biết, ngoài chọn diễn viên người Pháp và cả người Việt, chuyên nghiệp lẫn không chuyên, diễn viên nói tiếng Pháp và cả tiếng Việt, chị còn sử dụng âm nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy xen lẫn nhạc Pháp?

- Tôi không thể làm khác vì câu chuyện tự thân nó đòi hỏi sự đa dạng của dàn diễn viên Việt, Việt kiều và người Pháp cấu thành nên nó. Tôi không thể kể chuyện Sài Gòn mà chỉ có mặt người Pháp hay chỉ có mặt người Sài Gòn hiện nay. Gặp gỡ và thân với nhiều Việt kiều, tôi nhận thấy rằng, thế giới của họ được tạo ra cùng lúc từ cả hai phía, Việt và Pháp.

Các ca khúc của Édith Piaf, Christophe, Sylvie Vartan, Dalida, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy là chất liệu để kết nối các câu chuyện cũng như để thể hiện tâm trạng các nhân vật. Năm 1996, khi trở về Việt Nam, trong nỗi nhớ hình bóng của người yêu xưa, nhân vật Hào đã hát: “Ngồi họa hình người tình trên bãi cát vàng/ Hình dáng em ngoan, nụ cười ôi mến thương/ Rồi trời mịt mù làn mưa rồi xóa nhòa/ Hình dáng nên thơ chìm dần trong bão mưa”(Aline - Christophe).

Toàn bộ vở kịch có nền nhạc là một số bài hát được hát với nước mắt rưng rưng dưới ánh đèn màu. Antoine Richard, chuyên viên âm thanh, đã chọn lựa kỹ các bài hát đó sau khi nghiên cứu nhiều thập niên lịch sử âm nhạc của Việt Nam để chuẩn bị cho vở kịch. 

Các câu chuyện trong Saigon được kể khi thì bằng tiếng Pháp, khi thì bằng tiếng Việt. Các nhân vật người Việt Nam bộc phát nói tiếng mẹ đẻ ngay mỗi khi cảm xúc dâng trào, dù là giận dữ hay vui, buồn, sợ hãi... Một số nhân vật nói tiếng Pháp theo giọng Việt. Đôi khi khán giả không nghe được hết nhưng không sao. Có như vậy càng cảm nhận được vấn đề về ngôn ngữ của những con người “đung đưa” giữa hai ngôn ngữ và hai nền văn hóa.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Đậu Dung (thực hiện)

Caroline Guiela Nguyen sinh năm 1981, là biên kịch và đạo diễn trẻ, tài năng người Pháp, có mẹ là người Việt Nam. Sau khi học về xã hội học và nghệ thuật biểu diễn, cô theo học ngành đạo diễn sân khấu Trường Sân khấu quốc gia Strasbourg. Tại đây, cô đã gặp gỡ những cộng sự tương lai trong đoàn kịch Les Hommes Approximatifs.

Năm 2016, cô được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương và được đề cử giải thưởng Molières năm 2015 cho tác phẩm Elle brûle (tạm dịch: Đốt cháy) và năm 2018 cho tác phẩm Saigon. Cô là nghệ sĩ thường trực của Nhà hát Odéon, nhà hát Châu Âu, Nhà Văn hóa MC2 Grenoble và là thành viên nhóm nghệ thuật La Comédie de Valence thuộc Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Drôme-Ardèche.

“Mẹ tôi sống ở Pháp nhưng nói tiếng Việt với anh chị tôi. Bà cũng thường nấu món ăn Việt. Nhiều lúc, tôi còn có cảm giác bà giáo dục tôi theo cách một người mẹ Việt dạy con cái. Hơn 60 năm bà không sống ở Việt Nam, giờ về nước, bà chẳng còn nói được thứ tiếng Việt như các bạn trẻ ngày nay vẫn nói. Lại gặp vấn đề về tiêu hóa, không chịu được cái nóng của xứ nhiệt đới nữa. Tất cả điều ấy với tôi đều lạ lùng. Người anh họ tôi từng nói, cha mẹ chúng tôi là người Việt trên đất Pháp và là người Pháp trên đất Việt. Tôi nghĩ anh ấy nói đúng”.

Caroline Guiela Nguyen

Một tác phẩm vượt ra khỏi khuôn khổ địa lý

Vở kịch Saigon của Caroline Guiela Nguyen hay ngoài sức tưởng tượng. Thông minh, tinh tế, cá tính, hài hước, hiện đại… Ấn tượng nhất là cách đạo diễn pha trộn không gian, thời gian: chỉ một đề-co duy nhất cho cả Sài Gòn lẫn Paris, cả những năm 50 lẫn những năm 90, bao nhiêu thăng trầm biến cố, hàng chục câu chuyện phức tạp, quá khứ hiện tại đan cài, tiếng Pháp, tiếng Việt chen chúc, diễn viên không thay đổi trang phục, vậy mà mọi thứ vẫn mạch lạc theo một logic riêng, các đối thoại về lịch sử vẫn vang lên nhức nhối, khán giả lặng đi rồi lại phá lên cười, cứ liên tục như thế gần 4 giờ. Hay đến mức người vốn cứng rắn trước nghệ thuật như tôi mà mắt cũng nhòe đi không ít lần. Xúc động vì những thứ xém một chút là sến sẩm nhưng dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn hợp thành một tác phẩm đầy sáng tạo và thuyết phục, vượt ra khỏi khuôn khổ địa lý. Sài Gòn, Việt Nam bỗng trở nên đương đại và cũng gần gũi bội phần.

Nhà văn Thuận (viết từ Paris)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI