Đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10: Liệu cơm gắp mắm!

04/04/2022 - 06:31

PNO - Sự kỳ vọng của phụ huynh không chỉ đặt nặng áp lực học tập, thi cử mà có thể đánh mất cơ hội của học sinh trong thi tuyển sinh lớp 10.

Đăng ký nguyện vọng cao để… rớt cho oai

Từ thực tế tư vấn sau THCS cho học sinh khối 9, cô Nguyễn Thụy Ái - Hiệu trưởng trường THCS Lữ Gia, Q.11 - thừa nhận, vẫn còn nhiều phụ huynh mang quan điểm “bảo thủ” rằng thi tuyển sinh lớp 10, học THPT công lập là con đường duy nhất sau THCS. Điều này gây khó khăn cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) trong việc phân luồng, hướng nghiệp và tư vấn học sinh chọn nguyện vọng trường THPT phù hợp. 

Theo cô Ái, hàng năm công tác tư vấn cho phụ huynh, học sinh cuối cấp được nhà trường thực hiện từ đầu năm học, xuyên suốt trong năm học. Kết quả học tập của học sinh được GVCN thông tin đều đặn đến phụ huynh. Những em có sức học yếu luôn được GVCN trao đổi thường xuyên để phụ huynh nắm bắt các hướng đi sau THCS. Tuy nhiên, việc nỗ lực là của GVCN còn việc lựa chọn, quyết định như thế nào lại là quyền của phụ huynh.

Đa phần phụ huynh vẫn còn quan điểm học THPT công lập là con đường duy nhất sau THCS
Đa phần phụ huynh vẫn còn quan điểm học THPT công lập là con đường duy nhất sau THCS

“Nhiều trường hợp, GVCN đã tư vấn rất nhiệt tình nhưng phụ huynh vẫn nhất quyết cho con thi tuyển sinh 10 vì sợ con “quê” với bạn bè nếu ngay từ đầu rẽ sang học các hướng khác như học nghề hay học GDTX. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn đăng ký các nguyện vọng vượt xa với sức học của con để “nếu rớt cũng phải rớt cho oai”… Tất cả những điều này vô tình gây áp lực lớn cho các em khi học tập, thi tuyển”, cô Nguyễn Thụy Ái bày tỏ.

Tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ (Q.4), kết quả phân luồng học sinh khối 9 sau THCS hàng năm đạt ở mức 10-15%. Thầy Nguyễn Văn An - Hiệu trưởng - thẳng thắn con số này dù không cao song đã là nỗ lực lớn của nhà trường.

Ngay đầu năm học, GVCN phân loại học sinh, nắm bắt sức học của các em để tư vấn cho phụ huynh thường xuyên. Nhà trường chọn lựa những học sinh có sức học trung bình, yếu để tổ chức riêng chương trình phân luồng, gặp gỡ các trường cao đẳng, trung cấp nghề…; mời cựu học sinh đang theo học tại các trường nghề về chia sẻ… 

“Mưa dầm thấm lâu, công tác tư vấn phân luồng học sinh khối 9 được nhà trường, GVCN bền bỉ thực hiện, bước đầu mang lại kết quả. Dù vậy, vẫn chưa hoàn toàn thay đổi được tư tưởng của phụ huynh là học xong THCS phải thi tuyển sinh 10, phải học trường THPT công lập. Nhiều phụ huynh kỳ vọng quá cao vào sức học của các em, dẫn đến nhiều áp lực cho học sinh khi tham gia kỳ thi tuyển, thậm chí nếu trúng tuyển các em cũng khó có thể theo học tốt…”, thầy Nguyễn Văn An nhận định.

Liệu cơm gắp mắm!

Sở GD-ĐT TPHCM thông tin, năm học 2022-2023, TPHCM tiếp tục thực hiện đề án phân luồng học sinh sau THCS. Theo đó, thông qua kỳ thi tuyển sinh 10, chỉ 70% học sinh tốt nghiệp lớp 9 theo học lớp 10 tại các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, 30% còn lại sẽ rẽ sang các hướng học nghề, học tại trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX, hoặc THPT ngoài công lập…

“Có một thực tế là phụ huynh luôn chỉ căn cứ vào kết quả các bài kiểm tra trên lớp của học sinh để đánh giá năng lực học tập của con trong suốt năm học. Điều này không sai nhưng chưa đủ vì năng lực học tập là cả một quá trình chứ không phải chỉ qua các bài kiểm tra. Sự kỳ vọng của phụ huynh luôn là áp lực đặt lên vai các em khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh 10”, thầy Phan Công Anh Vũ (GVCN lớp 9, Trường THCS Lữ Gia, Q.11) bày tỏ. 

Theo thầy Vũ, phụ huynh nên lắng nghe nguyện vọng của học sinh, tham khảo ý kiến của GVCN, giáo viên bộ môn về sức học của các em thay vì áp đặt các nguyện vọng trường theo mong muốn của phụ huynh. 

Sự kỳ vọng của phụ huynh không chỉ đặt nặng áp lực thi cử, học tập cho học sinh mà còn có thể vô tình đánh mất cơ hội của các em
Sự kỳ vọng của phụ huynh không chỉ đặt nặng áp lực thi cử, học tập cho học sinh mà còn có thể vô tình đánh mất cơ hội của các em

Trong câu chuyện lựa chọn nguyện vọng tuyển sinh 10, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa Nguyễn Minh lại cho rằng, ngoài năng lực học tập của học sinh, phụ huynh và con em cần phải căn cứ thêm vào mục tiêu, định hướng về nghề nghiệp sau này để chọn lựa trường THPT thích hợp, tránh những tiếc nuối không đáng có về sau. 

Ông Đỗ Trí Nhân - chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TPHCM - chia sẻ, vào mỗi mùa tuyển sinh lớp 10 hàng năm, khi có kết quả thi luôn có trường hợp phụ huynh học sinh xin được đổi nguyện vọng vì… con đã trượt cả 3 nguyện vọng.

Trong số đó, đáng tiếc có những học sinh có điểm thi khá cao nhưng vẫn trượt cả 3 nguyện vọng vì đăng ký 3 nguyện vọng chưa phù hợp với sức học hoặc các nguyện vọng có mức điểm trúng tuyển tương đương nhau.

“Hiện nay, công tác tư vấn cho học sinh cuối cấp được các trường THCS trên địa bàn thành phố làm rất mạnh mẽ để các em được học tập tại các trường THPT phù hợp với năng lực hoặc chọn được các hướng đi sau THCS thích hợp. Phụ huynh phải thẳng thắn nhìn vào sức học của con em mình, từ đó liệu cơm gắp mắm. Sự kỳ vọng thái quá không những tạo áp lực lên các em mà còn vô tình đánh mất cơ hội của các em…”, ông Đỗ Trí Nhân nhắn nhủ.

Tấn Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI