Đàn bà biển

06/11/2020 - 11:02

PNO - Gắn với biển, giữ biển để biển được lãng mạn bay bổng trong thơ văn nhạc họa, hẳn nhiên có một phần sức lực và nhịp đập trái tim của đàn bà biển.

Khi chép tích truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ vào Đại Việt sử ký toàn thư, sử thần Ngô Sỹ Liên đã cố tình chuyển “hộ khẩu” mẹ con Âu Cơ về phía biển. Bởi nhãn quan Nho giáo trọng nam quyền và phụ hệ, vị sử quan thông thái ấy không muốn chiều theo niềm tin dân gian trước đó rằng Âu Cơ lên núi và những người con trai của bà sẽ thay nhau làm vua. Lạc Long Quân mới là người lên núi và khởi dựng đất nước ở một khoảng cách có lẽ là quá xa xôi so với miền biển.

Không thấy sử liệu nào ước đoán cuộc sống của mẹ con Âu Cơ về sau, nhưng cứ như những gì chúng ta chứng kiến thì ắt hẳn họ chẳng dễ dàng. Có lẽ người mẹ vĩ đại này cũng không khác những người đàn bà miền biển hôm nay, luôn thấp thỏm, ngóng chờ những đoàn thuyền trở về đất liền, đồng nghĩa với an toàn và tạm thời no đủ.

Khác đàn bà đồng bằng gắn liền với buôn bán đủ các loại nông sản, đàn bà biển chỉ quanh đi quẩn lại với gánh cá. Dọc bờ biển miền Trung, có hàng ngàn chợ cá nhỏ lẻ, họp tạm và kết thúc chóng vánh khi mặt trời vừa hưng hửng nắng. Nhiều làng chài khiêm tốn, thì chợ cá thậm chí chỉ bé như vài ba tấm nong kết lại, đủ để người bán người mua nhấc lên đặt xuống chớp mắt rồi hối hả tỏa về các chợ dân sinh. 

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Về nhà, đàn bà biển thường sống nhiều ngày với bóng của chính mình. Phụ nữ trong nhiều làng vạn chài là bộ phận thiếu cơ hội tiếp cận học vấn cao, xây dựng vị thế xã hội cũng như thay đổi môi trường việc làm. Sự thua thiệt một phần do sinh kế khó khăn, phần khác còn do thói quen chịu đựng, an phận và bằng lòng đứng sau đàn ông trai tráng. Sinh con, nuôi dạy con một mình, đôi khi còn chịu điều tiếng “ăn bám”, đàn bà làng chài nhìn chung chưa thoát phận “đời cát”, đành phải kiên cường bám trụ với biển. 

Đàn bà đồng ruộng chân lấm tay bùn, đàn bà biển ăn sóng nói gió. Những cảm nhận bao đời như thế trong văn chương nghệ thuật khiến hình ảnh đàn bà biển không có gì nổi bật. Với nhiều người, biển nghĩa là thăm thẳm mặn mòi, và bất kỳ ai cũng có làn da rám nắng, ngăm đen, tanh nồng mùi cá. Gắn với biển, giữ biển để biển được lãng mạn bay bổng trong thơ văn nhạc họa, hẳn nhiên có một phần sức lực và nhịp đập trái tim của đàn bà biển.

Tuy thế, thật ngạc nhiên, những điệu hò đối đáp giao duyên vùng Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) lại thấm đẫm một thế giới biển cả phóng khoáng, nghĩa tình, diễm lệ hiếm thấy. Hóa ra, trong lời ăn tiếng nói miền biển tưởng rằng đơn điệu, dung dị, lại hàm chứa một khả năng dẫn dắt, khơi gợi và bộc lộ nỗi lòng sâu sắc đến khó ngờ. Đàn bà biển, cứ như nhịp hát ơi hời hò khoan trong điệu hò khoan Lệ Thủy, hẳn phải là những người tha thiết nhất với cuộc đời nay sóng mai gió. Không cầu kỳ trau chuốt, những đàn bà biển của vùng đất vừa trải qua trận lụt kinh hoàng ấy, quả thật, khiến chúng ta có thể tin vào sức sống thầm lặng mà họ đã từng đúc kết: “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Dẫu lịch sử chưa có nữ tướng thủy quân biển, nhưng đã từng có đại đội nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy khét tiếng trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Dẫu bão táp vẫn đang gây bao đau đớn, mất mát, thì sẽ luôn còn đó đàn bà biển thường ngày chăm nom những ngôi mộ gió, mộ cát thiêm thiếp dưới phi lao xanh.

Biển có bao nhiêu sóng thì đàn bà biển có bấy nhiêu lời cầu xin thuận buồm xuôi gió. Biển có bao nhiêu cát thì đàn bà biển có ngần ấy mồ hôi nước mắt theo từng năm tháng chờ chồng con nặng lưới trở về. Không cần phác họa chân dung mình, đàn bà biển vẫn thường tự nói với nhau rằng chính vị mặn của muối, của mắm trên những bữa cơm đạm bạc, là một phần đời họ đang lặng thầm hắt bóng. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI