Dặm xanh - Nỗi đau mang tên “chủng tộc” và cái chết của thiên thần

12/04/2020 - 08:56

PNO - Dặm xanh bộ phim mang đầy tính hiện thực về con người, về cuộc đời và về xã hội chân thực nhất của cuộc sống miền Nam nước Mỹ với đầy những rối ren, loạn lạc, tăm tối và tiêu điều.

Nhiều thập niên trôi qua nhưng Dặm xanh vẫn là một trong những tác phẩm điện ảnh xúc động, đau thương và cũng huy hoàng nhất về những con người khốn khổ ở một xã hội thối nát của miền Nam nước Mỹ những năm 1930 trong cuộc đại suy thoái.

Đó là những hồi ức về cái chết của John Coffey - “một người da đen to lớn tội nghiệp”. Ông là đại diện cho nỗi đau đớn, sự bất công nhưng cũng là hiện thân của những điều lương thiện, tốt lành và đẹp đẽ nhất, do Paul Edgecomb, một người quản giáo trong nhà tù Cold Mountain, kể lại.

Dặm xanh, hơn hết, là câu chuyện về những con người không cùng sắc tộc, địa vị, hoàn cảnh, trong dãy nhà lao lạnh lẽo như một xã hội thu nhỏ, làm dấy lên những ký ức về một giai đoạn đáng buồn nhất của nước Mỹ với những con người đang bám víu vào những tàn tro để níu kéo sự sống, với những xung đột, kỳ thị vẫn ăn sâu vào gốc rễ, dẫn đến những sự đấu tranh khốc liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa nhân ái và sự bất công…

Những nỗi đau mang tên “chủng tộc”

Mặc dù đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi bộ phim The Green Mile (Dặm xanh) ra đời (năm 1999) nhưng trong những ngày cả nhân loại đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19, thì một lần nữa, chúng ta buộc phải ngồi lại đây, để nói về câu chuyện “phân biệt chủng tộc”, điều mà dường như đã chỉ còn hiển hiện trên màn ảnh, thì ở đâu đó, lại đang bùng phát trở lại. Và những gì mà Dặm xanh chuyển tải trong phim, lại trở lên “nóng” hơn bao giờ hết.

Bùng phát từ tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, tính đến đầu tháng 4/2020, số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt mốc 1,3 triệu ca. Đại dịch toàn cầu kéo theo những báo động khẩn cấp về y tế, sức khỏe, thực phẩm, kinh tế, ngoại giao… Thế nhưng, ngoài những vấn đề cấp bách trên, còn một vấn nạn khác cũng đang trở nên đáng báo động: vấn nạn “phân biệt chủng tộc” - kỳ thị người châu Á - đang bùng nổ ở khắp các nước phương Tây.

Giữa bối cảnh hiện tại, tại nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Ý, Bỉ… hàng loạt cuộc tẩy chay, công kích, chế giễu, xua đuổi người da vàng xuất hiện khắp mọi nơi. Thậm chí trên đường phố, tại các khu vực công cộng, nhiều người gốc Á, đặc biệt là người Trung Quốc, đã bị tấn công; hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra nhằm vào người da vàng; rất nhiều bức ảnh, video về sự kỳ thị người châu Á lan truyền trên mạng xã hội gây phẫn nộ.

Dặm xanh' và một tình bạn không dễ thành sự thật - VnExpress Giải Trí

Sau năm 1969, khi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc ICERD có hiệu lực và một số đạo luật về nhân quyền trước đó ở một số quốc gia đã được thông qua, vấn đề phân biệt chủng tộc trên khắp thế giới mới tạm được coi là lắng xuống, dù chưa bao giờ thực sự chấm dứt hoàn toàn. Trước đó, những người da đen, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn phân biệt chủng tộc, đã phải chịu những nỗi đau kéo dài hàng thế kỷ, từ thế hệ này sang thế hệ khác của chế độ nô lệ và sự cai trị khắc nghiệt của người da trắng, đặc biệt là ở Mỹ. 

Trong lịch sử loài người, người da màu đã luôn phải chịu số phận thiệt thòi, bị đối xử tàn nhẫn, phải chịu nhiều đau khổ và bất công chỉ vì màu da của mình. Và John Coffey - một người da đen trong bộ phim Dặm xanh của Frank Darabont, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1996 của Stephen King, cũng là một nhân vật -  nạn nhân như thế.

Sống vào đầu thế kỷ XX tại bang Louisiana, miền nam nước Mỹ, John Coffey (Michael Clarke Duncan) sau khi chứng kiến hai cô con gái nhỏ của một người da trắng trong vùng bị hãm hiếp và giết hại, đã ôm thi thể của hai cô bé và ngồi khóc. Khi những người khác chạy đến, John Coffey lập tức bị cảnh sát bắt giam với mức án cao nhất: tử hình trên ghế điện. Không ai chịu tin ông nói, không ai nghe lời ông, ông chịu tất cả sự mạt sát, chửi bới, thậm chí cả cái án tử hình, tất cả chỉ vì ông là người da đen. John Coffey đã không thể có cơ hội để minh oan cho mình. 

The Green Mile: A Reflection on Prison Movies as Escapism | Collider

Giữa những năm 30 của thế kỷ trước, với thân hình to lớn và chi chít sẹo do bị đánh đập, John như đại diện cho những người da đen bị áp bức, ngược đãi, một hình tượng quen thuộc và gần như trở thành điển hình cho những bộ phim Hollywood những năm đầu thế kỷ XX. Khi mà những tiến bộ xã hội về quyền bình đẳng đã nhen nhúm nhưng chưa thực sự triệt để, sự quan tâm của người da trắng đối với người da đen (được thể hiện trong các bộ phim) vẫn chủ yếu chỉ dừng lại ở mức tò mò, có hứng thú và một chút thương xót. 

Sự “phân biệt chủng tộc” cũng hiển hiện trong suốt bộ phim: đó là sự sợ hãi và xa lánh của những người xung quanh, những quan chức, luật sư biện hộ, người coi ngục… Thậm chí cả khi John dùng năng lực siêu nhiên của mình để cứu người, những người khác cũng nhìn John với ánh mắt kinh hãi và ghê sợ. Với Dặm xanh, dường như Frank Darabont muốn nói lên một điều rằng “chủng tộc” vẫn là một lời nguyền đau đớn mà những người da đen vẫn đang phải ngày ngày gánh chịu.

Cái chết của thiên thần

Ai đó có thể gọi Dặm xanh của Frank Darabont là một bộ phim giả tưởng nhưng với tôi, đó là một bộ phim mang đầy tính hiện thực về con người, về cuộc đời và về xã hội chân thực nhất của cuộc sống miền Nam nước Mỹ với đầy những rối ren, loạn lạc, tăm tối và tiêu điều.

Sau cuộc hành hình John Coffey trên ghế điện, người trông coi trại giam là Paul Edgecomb (Tom Hanks) dường như đã sống suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời mình trong sự ăn năn, day dứt. Ông là một trong những người da trắng ít ỏi đã lắng nghe những gì John nói. Ông đau nỗi đau của John nhưng bất lực.

The Green Mile - Phim trên Google Play

Thế nhưng, chính John “vĩ đại” cũng đã muốn như thế, ông mong muốn cái chết. Với ông, thế giới là một nơi tàn khốc. Ông luôn cảm thấy sự tàn nhẫn của loài người như những mảnh vỡ thủy tinh trong đầu, ông đau đớn vì “Đời là thế mỗi ngày. Đời là thế trên khắp thế gian này” với những bất công, khổ cực, phẫn uất. 

Vai diễn John Coffey dường như được “đo ni đóng giày cho diễn viên da màu Michael Clarke Duncan. Ông đã thể hiện xuất sắc vai một người tử tù da màu nhút nhát, ít nói, đầy sợ sệt nhưng chân thành và giàu cảm xúc. Đôi mắt của John dù đang buồn chán hay sợ hãi, từ bi hay thất vọng, vẫn ánh lên sự ấm áp hiền từ đầy tin cậy.

Như một sự “trả thù ngầm” đứng về phía những người da đen thiệt thòi, tác giả Stephen King đã “tặng” cho John Coffey một thứ sức mạnh siêu nhiên có thể làm tan biến nỗi đau của con người, truyền ý nghĩ qua sự tiếp xúc cơ thể nhưng những yếu tố này không khiến bộ phim trở thành huyền bí kỳ ảo, mà chỉ là sợi dây kết nối và dẫn dắt các tình tiết, làm nổi bật lên nhân cách và tâm hồn của John. 

Phim cũng không thể thành công nếu không kể đến vai diễn chuẩn mực của nam tài tử Tom Hanks (người cũng phải chiến đấu với vi-rút Corona). Với vai diễn người quản giáo Paul Edgecomb, một vai diễn dường như quá quen thuộc với Tom: hiền lành, tử tế, nhân hậu và có đức tin, anh gần như không phải diễn quá nhiều mà vẫn để lại ấn tượng khó quên trong lòng khán giả.

Và, sau tất cả, cái chết của John, nỗi ân hận của Paul vẫn là minh chứng rõ ràng nhất cho “tình người”, về niềm hy vọng vào những giá trị cao đẹp nhất. Cũng từ đó, bộ phim bừng lên vầng sáng của lòng nhân ái, như những tia sáng óng ánh bay lên từ trái tim và tâm hồn của John Coffey và còn lấp lánh mãi đến tận bây giờ. 

Trailer phim Dặm xanh :

 

 

Phim nhận được được bốn đề cử cho giải Oscar: Phim hay nhất, Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Duncan, Âm thanh hay nhất và Kịch bản chuyển thể hay nhất.
Phát hành ngày 10/12/1999 tại Mỹ, bộ phim thu về 290 triệu USD trên ngân sách 60 triệu USD

 

Lan Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI