Đã đến thời của đá quý giá rẻ?

23/03/2024 - 07:34

PNO - Giữa tháng 10/2023, WD - nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn thứ hai tại Mỹ và là “đại diện” cho ngành công nghiệp kim cương nhân tạo tại phương Tây - nộp đơn xin phá sản. Đây là “nạn nhân” đầu tiên nhưng chắc chắn không phải là duy nhất do tình trạng sản xuất đá quý nhân tạo ngày một gia tăng.

Khi cung vượt xa cầu

3 năm trước, bạn đời của Jenny King-Modlin (36 tuổi) đã đeo chiếc nhẫn kim cương 1,3 carat vào ngón tay cô để thể hiện tình yêu vào ngày đính hôn. Khác với những chiếc nhẫn kim cương từng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu trong nhiều thập niên, nhẫn của Jenny được sản xuất tại nhà máy thay vì được đào lên khỏi mặt đất và có giá thấp hơn 1/3. “Đó không chỉ là một quyết định đạo đức mà còn liên quan đến yếu tố tài chính. Chúng tôi vô cùng yêu thích chiếc nhẫn” - Jenny nói.

Đá quý và kim cương nhân tạo từ phòng thí nghiệm có chất lượng không hề thua kém, thậm chí tinh khiết hơn cả đá quý tự nhiên
Đá quý và kim cương nhân tạo từ phòng thí nghiệm có chất lượng không hề thua kém, thậm chí tinh khiết hơn cả đá quý tự nhiên

Jenny chỉ là một trong hàng triệu người chọn đồ trang sức đính kim cương và đá quý nhân tạo. Những viên đá này được tạo ra từ phòng thí nghiệm, có cấu trúc phân tử không khác mấy những viên đá trong tự nhiên, thậm chí còn có kết cấu hoàn thiện hơn. Chính sự bùng nổ nhu cầu về kim cương nhân tạo đang bắt đầu định hình lại hoàn toàn thị trường kim cương toàn cầu trị giá 89 tỉ USD. Theo Paul Zimnisky - nhà phân tích độc lập chuyên đối chiếu dữ liệu giao dịch kim cương - thị phần đá quý nhân tạo đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên 16,5% - tương đương 14,6 tỉ USD vào năm 2023. Trong khi đó, doanh số bán kim cương tự nhiên không thay đổi từ năm 2015.

“Tại sao phải trả nhiều tiền cho một sản phẩm đá quý có cấu trúc giống hệt nhau về mặt nguyên tử?” - Martin Roscheisen - CEO Diamond Foundry tự hào. Diamond Foundry là nơi có sản lượng kim cương nhân tạo tương đương với số lượng được khai thác tự nhiên tại 1 trong 5 mỏ kim cương lớn nhất thế giới.

Thời đại của đá quý giá rẻ bùng nổ, được thúc đẩy bởi cuộc đổ xô của hàng trăm nhà sản xuất vào thị trường đầy mới mẻ và hấp dẫn. Trung Quốc hiện đang là quốc gia sản xuất kim cương nhân tạo lớn nhất thế giới với hơn 600 công ty hoạt động trong ngành. Các nhà máy này sản xuất khoảng 400 triệu carat kim cương nhân tạo hằng năm. Tại tỉnh Hà Nam - thủ phủ của kim cương nhân tạo, những viên kim cương nhân tạo được cắt đẹp không kém kim cương tự nhiên, thậm chí có phần vượt trội về chất lượng, chỉ số khúc xạ và độ tán sắc. Quan trọng hơn, giá của chúng “rẻ như bèo”, chỉ khoảng 20% so với hàng tự nhiên.

Trang sức đính hôn và trang sức cưới bằng kim cương nhân tạo, tại sao không?
Trang sức đính hôn và trang sức cưới bằng kim cương nhân tạo, tại sao không?

Trở lại câu chuyện phá sản của WD - đơn vị sản xuất kim cương nhân tạo ra đời năm 2008 và từng có doanh thu đạt 33 triệu USD chỉ mới vào năm trước đó, 2022. Số nợ của WD lên đến 44 triệu USD trong khi tổng tài sản của họ vỏn vẹn 3 triệu USD. Cú sụp đổ của WD cho thấy 2 vấn đề. Thứ nhất, cuộc đua sản xuất khốc liệt dẫn đến mức dư thừa của ngành này, khiến cung vượt xa cầu. Đá quý nhân tạo nói chung và kim cương nhân tạo nói riêng từng được đánh giá như giải pháp thay thế hiệu quả cho ngành công nghiệp trang sức. Nó không chỉ hạn chế được việc khai thác quá mức từ tự nhiên mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường cũng như quyền lợi của những người thợ khai thác.

Bên cạnh đó, ở khía cạnh tiêu dùng, việc sản xuất dây chuyền quy mô lớn của những thương hiệu đá quý nhân tạo còn giúp giá thành giảm từ 30 - 50%. Điều này đồng nghĩa, việc mua một chiếc nhẫn đính kim cương đã dễ dàng hơn đối với nhiều cặp đôi. Theo Zimnisky, giá 1 viên đá tự nhiên trọng lượng 1 carat được đánh bóng đã giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh năm 2022 xuống còn 5.185 USD - mức thấp nhất trong 8 năm khi họ phải đối mặt với một nguồn cạnh tranh mới. Nhưng giá của đá quý nhân tạo còn giảm hơn, từ hơn 5.000 USD/viên đá đánh bóng 1 carat vào năm 2016 xuống còn 1.425 USD ở thời điểm này. Kỷ nguyên đá quý giá rẻ mở ra, đi kèm là sự kém bền vững trong sản xuất và sự chao đảo của các công ty.

Chuyển hướng hay phá sản

Nhiều chuyên gia và nhà sản xuất bày tỏ sự lo ngại rằng việc giảm quá mức giá bán đá quý nhân tạo sẽ dẫn đến tình trạng phá sản ở các nhà sản xuất và bán lẻ, tương tự như trường hợp của WD. Al Cook - CEO De Beers - nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới - cảnh báo, các công ty sẽ phải đối mặt với hàng loạt tổn thất do khả năng sinh lời ngày càng ít. Tờ Financial Times nhận định, thị trường đang trải bước ngoặt quan trọng khi các nhà bán lẻ không còn coi kim cương nhân tạo là một ngành kinh doanh có lợi nhuận mà là một ngành đầy rủi ro do giá bán lao dốc quá nhanh.

Đá quý nhân tạo có thành phần hóa học tương tự đá quý tự nhiên

David Kellie - CEO của Hội đồng Kim cương tự nhiên - dự báo “cơn rung chuyển” trên thị trường kim cương nhân tạo trong tương lai sẽ còn lớn hơn. Vishal Mehta - CEO của Công ty Kinh doanh kim cương Lumex có trụ sở tại Dubai - thừa nhận nguồn cung kim cương nhân tạo đang dư thừa đáng kể. Ông cảnh báo mức giá thấp gây tổn hại cho các nhà sản xuất kim cương nhân tạo dựa vào vay nợ để kinh doanh.

Đồng quan điểm, Zimnisky chia sẻ trên tờ Financial Times rằng giá kim cương và đá quý nhân tạo sẽ tiếp tục lao dốc. Ví von một cách dễ hiểu, đá quý nhân tạo tương tự các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động và ti vi màn hình phẳng. “Công nghệ này đang phát triển rất nhanh dẫn đến việc tạo ra nhiều viên lớn hơn, chất lượng hơn từ phòng thí nghiệm với chi phí sản xuất thấp hơn” - ông nói.

Để thích ứng trong bối cảnh này, nhiều công ty buộc phải dừng sản xuất (để bán hết hàng tồn kho) hoặc dịch chuyển ra ngoài lĩnh vực trang sức. De Beers tuyên bố ngưng bán kim cương nhân tạo do giá giảm quá mạnh, không bù đủ chi phí sản xuất. Diamond Foundry đang tìm kiếm triển vọng tăng trưởng ngoài lĩnh vực trang sức. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, CEO của hãng cho biết, công ty đang hướng đến cung cấp tấm nền kim cương cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Tuy nhiên, một số ông lớn trong ngành lại tỏ ra khá lạc quan trong thời đại đá quý giá rẻ. Vishal Mehta cho rằng thị trường sẽ tự điều chỉnh. “Bạn đang tìm thấy nhiều viên đá quý nhân tạo phù hợp với người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà chế tác kim hoàn. Bao giờ cũng vậy, với các công nghệ mới, mọi thứ sẽ vượt quá nhu cầu một chút trước khi tự cân bằng” - ông nói.

Trong khi đó, ở phân khúc cao cấp, thị trường kim cương nhân tạo lại tràn đầy dấu hiệu tích cực. Một khách hàng của Mehta gần đây đã đặt một chiếc vòng cổ cho thành viên hoàng gia vùng Vịnh. Điều đặt biệt, chiếc vòng này có một viên kim cương tự nhiên trị giá 8 triệu USD được đặt ở vị trí trung tâm và dùng kim cương nhân tạo đính xung quanh. Tổng giá trị của loạt kim cương nhân tạo là 100.000 USD. Người thợ chế tác nói với Mehta rằng: “Những viên kim cương nhân tạo này đầy tính nghệ thuật, giống như khung tranh của Andy Warhol”.

Văn Khoa

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI