Cứu nhiều trẻ nhờ quy trình quản lý tim bẩm sinh từ bào thai

20/04/2022 - 07:05

PNO - Nhờ quy trình quản lý tim bẩm sinh từ bào thai đến sau sinh và trưởng thành, các bác sĩ đã cứu được nhiều em bé tưởng chừng hết hy vọng sống.

Lên kế hoạch phẫu thuật từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ

Sau thời gian thực hiện quy trình quản lý tim bẩm sinh từ bào thai đến sau sinh và trưởng thành, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã phát hiện nhiều ca dị tật bẩm sinh từ trong bào thai, từ đó lên kế hoạch mổ cứu sống kịp thời ngay khi các bé chào đời.

Bé N.M.T., con của sản phụ L.T.T., ngụ tỉnh Long An, là một trong số đó. T. được chẩn đoán tiền sản chuyển vị đại động mạch với thông liên thất lớn, còn ống động mạch lớn vào tuần thai thứ 25. Ngay khi phát hiện tim thai có bất thường, các chuyên khoa sản, sơ sinh và phẫu thuật tim trẻ em của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã lên kế hoạch điều trị cho mẹ và bé. Sản phụ sinh thường vào lúc thai 37 tuần ba ngày. Sau sinh một tuần, bé được phẫu thuật chuyển gốc đại động mạch, vá thông liên thất, cột ống động mạch. Sau mổ, bé được nằm tại phòng hồi sức phẫu thuật tim, hiện đã xuất viện với tình trạng khỏe mạnh. Bé mới tái khám định kỳ, chỉ số tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, bé N.H.H., con của sản phụ H.T.N., ngụ tỉnh Bến Tre, được chẩn đoán tiền sản chuyển vị đại động mạch với thông liên thất nguyên vẹn vào tuần thai thứ 32. Cũng nhờ vào quy trình mới của bệnh viện mà sản phụ và thai nhi được theo dõi sát sao. Xét thấy sức khỏe thai nhi chuyển biến xấu, bác sĩ chủ động lên chương trình mổ bắt con vào lúc thai 38 tuần hai ngày. Ngay sau mổ, bé được can thiệp nội mạch cấp cứu phá vách liên nhĩ (thủ thuật Rashkind). Sau can thiệp hai tuần, bệnh nhi tiếp tục được phẫu thuật chuyển gốc đại động mạch, khâu ống động mạch và phá vách liên nhĩ. Nếu không được tầm soát dị tật tim bẩm sinh và chủ động lên kế hoạch cho các ca mổ ngay từ sớm, các bác sĩ không thể nào trở tay kịp. Sau mổ, bệnh nhi nằm tại phòng hồi sức phẫu thuật tim khoảng hai tháng. Hiện nay, bệnh nhi đã xuất viện. Lần tái khám định kỳ gần nhất vào tuần trước ghi nhận bé khỏe mạnh, phát triển tốt. 

Trường hợp con của sản phụ V.T.N.M., quê ở Vũng Tàu, được chẩn đoán mắc tứ chứng Fallot vào lúc tuổi thai 25 tuần bốn ngày. Sản phụ sinh thường vào lúc thai 34 tuần sáu ngày. Nhờ được phát hiện từ sớm nên ngay khi ra đời, bé đã được hội chẩn và điều trị bởi các chuyên khoa sản, sơ sinh và phẫu thuật tim trẻ em. Bé xuất viện sau khi sinh bảy ngày và được tái khám theo dõi tại phòng khám Khoa Phẫu thuật tim trẻ em định kỳ. Với trường hợp này, khi bé đủ điều kiện về cân nặng và chiều cao sẽ được phẫu thuật sửa chữa toàn bộ tứ chứng Fallot.

 

Bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, phẫu thuật cho trẻ sơ sinh bị dị tật tim bẩm sinh - ẢNH: M.T.
Bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phẫu thuật cho trẻ sơ sinh bị dị tật tim bẩm sinh - ẢNH: M.T.

 

Mô hình lấy bệnh nhân làm trung tâm

Theo thạc sĩ - bác sĩ Cao Đằng Khang, Trưởng khoa Phẫu thuật tim trẻ em Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tại Việt Nam, siêu âm theo dõi sức khỏe thai kỳ mới chỉ dừng ở mức cơ bản, chứ chưa đưa siêu âm dị tật tim thai thành một quy trình tầm soát thường quy. Trong khi đó, ở Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia phát triển trên thế giới từ lâu đã thực hiện siêu âm tầm soát dị tật tim thai một cách chi tiết và chuyên sâu. Dị tật tim thai có những bệnh lý yêu cầu trẻ phải được phẫu thuật sớm nhất ngay sau khi chào đời. Nếu được phát hiện sớm từ lúc còn trong bụng mẹ sẽ giúp các bác sĩ có thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch cho ca mổ, giành được thế chủ động về thời gian để cứu sống bé.

Tại các bệnh viện phụ sản của ta, khi em bé sinh ra bị dị tật tim mạch sẽ được chuyển qua các bệnh viện đa khoa có khoa tim mạch nhi chuyên sâu. Để tới khi trẻ sinh ra mới biết bị dị tật tim, rồi lại thêm một bước chuyển viện, lên kế hoạch mổ thì mỗi công đoạn cũng phải mất vài ngày tới một tuần. Trong thời gian đó, em bé chưa chắc đã chờ được và sẽ tử vong bất cứ lúc nào.

Trước trăn trở đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã lập quy trình quản lý tim bẩm sinh từ bào thai đến sau sinh và trưởng thành. Cụ thể, bệnh nhi được đặt là trung tâm. Kể từ khi là bào thai, bé đã được theo dõi bệnh lý tim mạch, thai phụ sẽ sinh nở ngay tại khoa sản của bệnh viện. Ngay sau khi em bé ra đời, các chuyên khoa khác như sơ sinh, phẫu thuật tim mạch trẻ em… sẽ phối hợp can thiệp điều trị cho bệnh nhi ngay tại chỗ, không cần phải chuyển viện. Ê-kíp điều trị và phẫu thuật cho em bé cũng đã được lựa chọn, theo dõi bệnh nhi ngay từ khi là bào thai. Các bác sĩ có đủ thời gian để chuẩn bị cho những cuộc mổ phức tạp, nhờ thế tỷ lệ thành công cũng như hiệu quả của ca mổ cao hơn. 

Sau ca phẫu thuật, em bé tiếp tục tái khám định kỳ tại bệnh viện và được theo dõi cho tới khi trưởng thành. Nhờ đó, thời gian qua, bệnh viện đã mổ cứu được ba ca bị hội chứng thiểu sản tim trái - tim chỉ còn hoạt động bằng một nửa với mức bình thường, nếu không phát hiện và điều trị sớm trẻ sẽ tử vong bất cứ lúc nào sau khi sinh ra. Tiếp đến là những bệnh lý tim mạch khác như tứ chứng Fallot, đã phẫu thuật được vài trăm ca; bệnh lý chuyển vị đại động mạch, đã phẫu thuật được 20 ca. Khi mắc dị tật chuyển vị đại động mạch, sau khi ra đời bé sẽ bị suy hô hấp rất nhanh, tỷ lệ tử vong lên đến 100% nếu không được can thiệp khẩn cấp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI