Cuối năm, bánh kẹo cận, hết hạn sử dụng tràn ngập

31/12/2021 - 06:59

PNO - Sau thời gian dài các chợ phải đóng cửa vì dịch bệnh, nhiều sản phẩm bánh kẹo, các loại hạt tồn đọng không tiêu thụ được nay đã cận hoặc hết hạn sử dụng. Điều đáng nói là nhiều tiểu thương đã đem ra bày bán các loại bánh kẹo, hạt này.

Mập mờ hạn sử dụng 

Tại chợ sỉ Bình Tây (Q.6, TPHCM), nhiều sạp đang bày bán các sản phẩm bánh mứt đóng gói sang trọng, thông tin hạn sử dụng (HSD) luôn để khá nổi bật, tuy nhiên có không ít sản phẩm đã gần hết HSD hoặc HSD in nhập nhèm, ở vị trí khó thấy, không rõ ràng được bày bán xen lẫn. 

Sạp bánh mứt T.M đang bán hạt điều dạng hàng xá giá 180.000 đồng/kg và loại có nhãn mác hiệu K.T giá 220.000 đồng/kg. Hàng có nhãn mác cũng chỉ có thông tin về thành phần, chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng, nơi sản xuất… Phần thông tin ngày sản xuất (NSX) và HSD in cẩu thả, màu mực lem luốc, không rõ ngày. Các sản phẩm như đậu phộng cháy tỏi, rang muối, tẩm mật ong… trên nhãn cũng không có NSX, HSD. 

Một số loại hạt điều được đóng gói, có nhãn hiệu nhưng hạn sử dụng được in lem luốc hoặc không có hạn sử dụng
Một số loại hạt điều được đóng gói, có nhãn hiệu nhưng hạn sử dụng được in lem luốc hoặc không có hạn sử dụng

Tại sạp B.N, không ít loại bánh pía HSD chỉ còn 1-2 ngày, được để lẫn với các sản phẩm khác. Phần lớn các loại bánh kẹo ngoại nhập ở đây được giới thiệu là “xách tay” từ Trung Quốc, hầu như không có thông tin nhà nhập khẩu, HSD. Chẳng hạn bánh quy Kas Diary của Hồng Kông (Trung Quốc) trên bao bì chỉ có dòng thông tin “P:2021/11/14”, theo người bán, đó là NSX, còn HSD thì không thấy đâu; bắp rang bơ đựng trong chai khổng lồ cao nửa mét hiệu Guli Bear chỉ có dòng chữ Trung Quốc kèm ký hiệu “A:2021/10/28”. Sạp có khá nhiều khách mua, nhưng gần như không ai để ý thông tin trên bao bì. 

Sạp L.H cách cổng chính vài mét bán khá nhiều loại ô mai (cherry, việt quất) của Hồng Kông (Trung Quốc) đóng gói đẹp mắt giá khá rẻ, chỉ 40.000 đồng/bịch 428g. Thông tin trên sản phẩm bằng tiếng Anh và có HSD là 12 tháng nhưng lại… không có NSX. Chúng tôi phải tìm rất lâu thì mới thấy dãy số “2021.01.22”. Người bán cho biết đó là NSX nhưng rất dễ nhận ra lớp mực in khác biệt và cẩu thả. 

Tình trạng này cũng xuất hiện tại các chợ lẻ. Tại cửa hàng T.T chợ Bàn Cờ (Q.3, TPHCM), nhiều loại hạt điều rang muối được đóng hộp có nhãn nhưng chỉ có thông tin công ty, số công bố được in rõ ràng, còn NSX và HSD bỏ trống. Nho khô đen sấy dẻo Ấn Độ có NSX mà không có HSD. Nhiều loại bánh kẹo của Đài Loan (Trung Quốc), Nhật… có NSX được in thêm khá lem nhem.

Chị Thủy (Q.3) cho biết, cách đây một tuần chị ghé chợ Tân Định (Q.1) mua bánh kẹo, hạt gửi về quê. Về nhà, chị Thủy phát hiện có những bịch hạt hướng dương ngoại nhập đã hết HSD từ ngày 2/10/2021. “Lúc mua có kiểm tra nhưng có thể những túi hết date được tiểu thương cất riêng chứ không bày bán ra bên ngoài. Có thể mình mua nhiều, ít chú ý nên người bán trộn vào lúc nào không hay”, chị Thủy nói. 

Nhiều sản phẩm có hạn sử dụng tự in 

Ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc Công ty In ấn, Phun date Hùng Cường - cho biết, sản phẩm Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) có nhiều cách ghi HSD, một là sẽ ghi hết cả hai dòng (NSX, HSD) hoặc chỉ ghi NSX. HSD sẽ ghi “ba tháng kể từ NSX” hoặc “12 tháng kể từ NSX”… Lý do là nhà sản xuất sẽ in một loạt bao bì trước, in luôn HSD một thời gian nhất định. Đến khi sản phẩm đóng gói mới bắt đầu in NSX lên. “Có thể có sản phẩm đóng gói đã lâu, nhập về Việt Nam rồi một số đầu nậu mới bắt đầu in NSX lên sau đó để kéo dài thời hạn sản phẩm vì đôi khi hàng nhập bị kẹt quá lâu ở các cảng” - ông Cường nói. 

Nhiều loại bánh kẹo ngoại, các loại hạt được bày bán ở các chợ sỉ, chợ lẻ, có thương hiệu nhưng nhập nhèm về hạn sử dụng
Nhiều loại bánh kẹo ngoại, các loại hạt được bày bán ở các chợ sỉ, chợ lẻ, có thương hiệu nhưng nhập nhèm về hạn sử dụng

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng - bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Trường đại học Hoa Sen - các nhà sản xuất thường nghiên cứu để biết tới thời hạn nào là chất béo trong sản phẩm sẽ bị ô-xy hóa, biến chất, sinh nấm mốc… Vì vậy nhiều nước như Mỹ, châu Âu sẽ để thêm cụm từ “best before” - dùng trước ngày… là tốt nhất. Đây là mốc thời gian chỉ trạng thái sản phẩm tươi ngon, sau đó có thể không còn ngon nữa, nếu sau ngày đó tiếp tục bán thì không bị tính là phạm luật. Nhưng nếu sản phẩm được ghi cụm từ “Use by date” - nên dùng trước ngày… việc sử dụng sau đó có nguy cơ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu vẫn tiếp tục bán thì vi phạm pháp luật. 

Được biết, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm… thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường (QLTT) và cơ quan quản lý an toàn thực phẩm. Vừa qua, UBND TPHCM đã ban hành văn bản yêu cầu cơ quan QLTT tăng cường kiểm tra các sản phẩm hàng hóa phục vụ tết, xử lý tình trạng bán hàng hết HSD, hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI