Giá hàng hóa lại tăng khiến người tiêu dùng phải bóp hầu bao

17/05/2021 - 07:02

PNO - Nhiều nhóm hàng tại các cửa hàng, sạp chợ đã tăng giá; nhiều nhà cung cấp cũng yêu cầu các siêu thị tăng giá sản phẩm.

Giá sản phẩm tăng theo giá nguyên liệu

Tại các chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa ở TPHCM, giá dầu ăn, đường cát đã đồng loạt tăng từ 1.000-4.000 đồng/sản phẩm. Cô Vinh - bán tạp hóa ở chợ Căn cứ 26A, Q.Gò Vấp - cho biết, từ một tháng nay, giá nhập vào của các mặt hàng trên tăng nên cô buộc phải điều chỉnh giá bán ra với mức tăng tương ứng. Theo đó, giá dầu ăn từ 29.000 đồng/chai 1 lít tăng lên 33.000 đồng; giá đường cát từ 15.000 đồng/kg tăng lên 19.000 đồng; giá bột chiên các loại cũng tăng ít nhất 1.000 đồng/bịch 300g.

Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn
Giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khiến đời sống người dân càng thêm khó khăn

Theo các tiểu thương, một số nhà cung cấp (NCC) đã gửi thông báo tăng giá trước đợt điều chỉnh giá bán 1-2 tuần. Với đợt tăng này, các NCC nêu nguyên nhân giá nguyên liệu đầu vào tăng. Một số tiểu thương vẫn giữ mức giá bán cũ đối với lượng hàng nhập còn tồn, nhưng thông báo với khách rằng giá sản phẩm đã tăng để khách quen dần với giá mới. 

Từ nửa cuối tháng 4/2021, một số siêu thị bắt đầu nhận được đề nghị tăng giá hàng loạt mặt hàng và sẽ áp dụng vào tháng 5/2021 với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Đại diện Central Retail cho biết, hệ thống siêu thị Big C và Let’s Go đã tăng nhẹ giá đường và dầu ăn theo đề nghị của NCC và vẫn giữ nguyên giá các mặt hàng khác như sữa, bột dinh dưỡng, mì ăn liền. Ông Nguyễn Nhơn Quý - Trưởng phòng Truyền thông Aeon Việt Nam - cũng cho hay, Aeon đã nhận được đề nghị tăng giá từ một số NCC và đang cân nhắc. 

Nhiều giải pháp quản lý giá cả, thị trường

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thận trọng, linh hoạt và chủ động trong thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021; trong đó tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để kịp thời đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, đồng thời dự báo diễn biến thị trường những tháng còn lại của năm 2021. Theo Cục Quản lý giá, giá một số mặt hàng rất khó đoán bởi một số yếu tố tác động bất lợi, như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, tăng, giảm bất thường. 

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, tăng cao gây nguy cơ lạm phát, khó đảm bảo mục tiêu giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường để kịp thời có biện pháp bình ổn giá.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, sở đã chỉ đạo rà soát kết quả thực hiện chương trình bình ổn thị trường vừa qua và hiện nay để đối chiếu, từ đó có định hướng, kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp nhất, tránh để thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Theo đại diện các công ty Meizan, Acecook, nguyên liệu đầu vào của nui, mì, bột tăng 20% từ đầu quý IV/2020. Tháng 5/2021, giá các nguyên liệu này tiếp tục tăng nên các công ty buộc phải điều chỉnh giá bán đồng thời cố gắng giảm các chi phí không cần thiết, giảm hao phí phát sinh, tự động hóa sản xuất để tăng giá hàng hóa ở mức thấp nhất có thể. 

Đại diện Công ty Sài Gòn Food cũng cho biết, tất cả các nguyên liệu sản xuất, từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng giá. Trong đó, các loại phụ gia nhập khẩu tăng 5-10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15-70%, găng tay cao su tăng 300%. Trong khi đó, giá các loại nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản cũng tăng từ 5-20% do tình trạng mất mùa, giảm sản lượng. “Hiện công ty tìm mọi cách giảm tối đa chi phí, thay thế nguồn nguyên liệu, tìm thêm NCC để kéo dài thời điểm tăng giá sản phẩm và mức tăng phù hợp với tình hình thị trường” - đại diện Sài Gòn Food chia sẻ.

Khó ngăn đà tăng giá

Theo ông Nguyễn Nhơn Quý, cứ đến khoảng tháng Ba và tháng Tư hằng năm, NCC các sản phẩm tiêu dùng sẽ gửi đề nghị tăng giá, dựa vào các yếu tố như lạm phát, giá vận chuyển hàng hóa, tỷ giá (đối với hàng nhập khẩu). Bộ phận thu mua của siêu thị sẽ cân nhắc trong một khoảng thời gian nhất định và phản hồi. 

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op - cho biết, tất cả các đề nghị tăng giá của NCC sẽ được Saigon Co.op xem xét cẩn trọng, không áp dụng ngay mà phải đưa ra lộ trình hợp lý. Là một trong những đơn vị chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM, Saigon Co.op đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo cung cấp hàng đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu sáu tháng tới. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, thịt, trứng, thực phẩm khô và các mặt hàng chống dịch COVID-19 như gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải… 

Theo ông Nguyễn Đăng Phú - Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan - các doanh nghiệp thực phẩm như Vissan thường chuẩn bị trước nhiều kịch bản ứng phó để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường với giá ổn định. Tuy nhiên, rất khó đưa ra dự báo về giá cả trong thời gian tới vì hành vi của người tiêu dùng thay đổi khá nhiều trong việc lựa chọn thực phẩm hằng ngày. 

Người tiêu dùng cân nhắc chi tiêu

Mặc dù tổng thu nhập của vợ chồng chị Thu Phương - nhân viên bảo hiểm, nhà ở Q.12 - trên 30 triệu đồng/tháng, nhưng chị Phương vẫn đau đầu với bài toán chi tiêu trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng. Thay vì đi siêu thị mỗi tuần/lần như trước đây, chị giãn ra hai tuần/lần và chỉ mua các sản phẩm thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt, còn thịt, cá, rau, củ thì mua ở chợ. 

“Tổng hóa đơn các mặt hàng thiết yếu mua định kỳ đã tăng ít nhất 10-15%, chưa kể các mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng. Thay vì đi chợ mỗi ngày với mức chi khoảng 300.000 đồng/ngày cho năm người, tôi chi 500.000 đồng cho hai ngày để tiết kiệm bớt. Tôi mua cà chua, đậu que, hành, tỏi, chanh theo ký để rẻ hơn mua lẻ; riêng thịt heo thì chỉ mua 400-500g thay vì mua 700-800g như trước” - chị Phương chia sẻ. 

Thất nghiệp hơn ba tháng nay, chị Thanh Nga - nhân viên marketing, nhà ở Q.3 - cho biết, trong tình hình giá cả tăng liên tục như hiện nay, gia đình chị buộc phải thay đổi nếp sinh hoạt: vợ chồng chị cùng hai con về ăn cơm chung với ông bà ngoại gần nhà vào hai buổi trưa và tối để giảm bớt việc nấu ăn. Cả nhà chị tự nấu ăn sáng ở nhà thay cho việc ăn sáng bên ngoài. Theo chị Nga, lúc công việc còn ổn định, tổng tiền chợ của gia đình chị là 10 triệu đồng. Hơn ba tháng nay, tổng tiền chợ giảm xuống còn 8 triệu đồng. Nhưng gần đây, giá cả các mặt hàng tăng cao, mức chi lại vọt lên 10 triệu đồng/tháng, thậm chí 11-12 triệu đồng/tháng, cả nhà phải giảm hết các chi phí không cần thiết và luân phiên thay đổi các món ăn để cân đối chi tiêu. 

Những gia đình có mức thu nhập thấp, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng càng đau đầu với bài toán chi tiêu khi giá cả đồng loạt tăng cao. Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos, tác động của dịch COVID-19 lên những gia đình có thu nhập trung bình, thấp của Việt Nam là khá nặng nề. Chỉ có 10% số người tham gia khảo sát cho biết, gia đình họ không bị ảnh hưởng về tài chính. Các gia đình trong nhóm thu nhập thấp phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất: 17% trong số họ bị cắt giảm tài chính hơn một nửa, 41% có thu nhập giảm hơn 20%. Có đến 30% người tiêu dùng nghĩ rằng thu nhập sẽ không được cải thiện, chưa quay trở lại với các thói quen chi tiêu như trước COVID-19. Phần lớn người tiêu dùng cân nhắc hơn trong chi tiêu, giảm hẳn những khoản chi không cần thiết. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI