Cuộc sống tạm bợ trên những kênh rạch ì ạch chỉnh trang

05/04/2022 - 06:15

PNO - 20 năm trước, bà Thanh đã nghe nói về việc di dời những ngôi nhà nằm trên rạch Xuyên Tâm. Sau 20 năm, bà và hàng ngàn gia đình khác vẫn phải hằng ngày ăn, ngủ bên dòng kênh ô nhiễm, đầy rác thải.

Mỏi mòn chờ di dời

Chiều tối, từ dãy nhà trọ mười phòng của bà Lê Thị Thanh (65 tuổi, ở P. 15, Q. Bình Thạnh, TPHCM) vọng ra những tiếng lách tách liên hồi của chiếc vợt muỗi. Mấy hôm nay, trời đứng gió, muỗi từ phía rạch Xuyên Tâm bay vào nhà như ong vỡ tổ. Từ chiều cho đến lúc đi ngủ, bà Thanh luôn đặt chiếc vợt muỗi sát bên tay.

Rạch Xuyên Tâm ô nhiễm, nhếch nhác nằm giữa những tòa nhà, cao ốc hiện đại ở Q.Bình Thạnh
Rạch Xuyên Tâm ô nhiễm, nhếch nhác nằm giữa những tòa nhà, cao ốc hiện đại ở Q.Bình Thạnh

Mấy chục năm trước, bà Thanh rời tỉnh Thanh Hóa vào TPHCM sống ở hẻm 27 Điện Biên Phủ, Q. Bình Thạnh, sát rạch Xuyên Tâm. Sau một thời gian tích cóp, bà đã dựng được một dãy nhà trọ mười phòng cho người bán vé số thuê. Nhiều người gọi đây là dãy trọ “không thấy ánh mặt trời” vì mỗi căn phòng được đóng ván ép xung quanh như một chiếc hộp gỗ, rộng vài mét vuông. Dãy trọ này nằm thòi ra rạch Xuyên Tâm. Hằng ngày, mọi người trong dãy trọ đi vệ sinh, tắm giặt, xả nước trực tiếp xuống rạch.

Mỗi buổi chiều, bà Thanh thường ra phía sau dãy trọ - nơi có ánh sáng mặt trời - để đếm số vé còn lại giao cho đại lý. Từ chỗ bà ngồi nhìn ra rạch Xuyên Tâm, có thể dễ dàng thấy những lớp rác dày đan kín trên mặt rạch. Sát bờ, đàn chuột cống đang lục tìm thức ăn. Một con chuột lớn bò theo cây gỗ mục xông thẳng đến chỗ bà Thanh đang ngồi để liếm láp thức ăn thừa. Bà chẳng mảy may để ý. Sống ở rạch Xuyên Tâm mấy chục năm qua, mọi người đã quen với chuột, muỗi và mùi hôi. “Có nhiều cảnh còn khiếp hơn nữa. Mấy con chuột này ăn thua gì” - bà Thanh nói.

Thấy có người lạ đến chụp ảnh, bà Phạm Thị Đẹt (tên thường gọi là Đào, ở P. 15, Q. Bình Thạnh) chạy đến hỏi nhỏ: “Năm nay đã di dời đi chưa, hay phải chờ nữa?”. Theo bà, từ 20 năm trước, người dân ở đây đã nghe tin về việc chỉnh trang rạch Xuyên Tâm. Thế nhưng, đến nay, con rạch vẫn không được chỉnh trang và ngày càng ô nhiễm. 

Dãy phòng trọ và căn nhà của bà Đào nằm ngay trên con rạch, thuộc diện di dời nên nhiều năm qua, dãy phòng trọ đã xuống cấp nhưng bà không thể sửa chữa. Hiện tại, bà Đào đang cho một số người dân quê miền Trung làm nghề bán vé số, hàng rong thuê với giá 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Một trong những người sống lâu năm nhất trong dãy trọ này là ông Nguyễn Văn Công, làm nghề bán cá viên chiên. 

Phòng trọ của ông Công rộng chừng 5m2. Khi soi đèn qua những khe hở trên sàn nhà bằng ván, có thể dễ dàng thấy một lớp rác đen ngòm ngay bên dưới. Ông Công cho biết, những ngày nắng nóng, ruồi, gián, muỗi bên dưới theo các khe hở chui vào nhà. Mùa mưa, nước ngập dâng cao gây ngập phòng trọ. Những người dân ở “xóm ổ chuột” này cũng quen với việc sống trong cảnh khốn khó này mấy chục năm nay.

Khi được hỏi về việc dời đi nơi khác, ông Công nổi cáu: “Khổ quá mới phải ở đây, được ngày nào hay ngày đó. Mấy năm qua, mỗi năm vài lần, lại nghe người ta nói chuyện di dời mà có thấy gì đâu”.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, để triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm qua quận Gò Vấp, Bình Thạnh, cần di dời 2.196 căn nhà. Trong đó, Q. Bình Thạnh có khoảng 2.000 căn và riêng P. 15, đã có hơn 600 căn nhà thuộc diện di dời.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên chiều dài khoảng 6km của rạch Xuyên Tâm đều bị ô nhiễm và lấn chiếm. Đoạn rạch bị ô nhiễm nặng nhất là gần cầu Liên phường 15 và 2, Q. Bình Thạnh. Khu vực này bị những tòa cao ốc vây quanh, rạch Xuyên Tâm nằm lọt thỏm ở giữa với những căn nhà “ổ chuột” xập xệ, mục nát và con rạch đầy rác.

“Khổ nhất là rác thải ở phía trên tràn xuống, mắc cạn đọng lại, mùa nắng bốc mùi hôi rất khủng khiếp. Nhà tôi có năm người, ai cũng bị bệnh về đường hô hấp” - chị Trần Thị Ben, ở P. 15, Q. Bình Thạnh, nhăn mặt.

Những căn nhà “ổ chuột” trên rạch Xuyên Tâm thường xuyên bị rác bủa vây
Những căn nhà “ổ chuột” trên rạch Xuyên Tâm thường xuyên bị rác bủa vây

Hy vọng chờ cải tạo kênh rồi thất vọng

Cuối tháng Ba, dưới cái nắng gay gắt, ông Nguyễn Văn Thành (P. 15, Q. Tân Bình) dắt chúng tôi ra “thị sát” kênh Hy Vọng ở gần nhà, đoạn gần đường Phan Huy Ích. Trên kênh, rác thải sinh hoạt đủ loại nằm ngổn ngang, đọng thành một lớp dày ở trước cống. “Chúng tôi chờ cải tạo kênh Hy Vọng nhiều năm nay, giờ thì vô cùng thất vọng. Sống gần con kênh đầy rác, mùa nắng thì hôi thối, mùa mưa thì ngập ngụa nên nhiều người chán ngán, chuyển đi nơi khác ở” - ông Thành nói.

Trong căn nhà rộng chừng 15m2, hai mẹ con chị Lê Thị Bé bật chiếc quạt máy ở nấc số ba, hướng quạt ra ngoài cửa để giảm bớt mùi hôi xộc vào nhà dưới cái nắng oi bức. Gần 16 năm trước, vợ chồng chị Bé dành toàn bộ mấy chục cây vàng tích cóp được để mua căn nhà ở P. 15, Q. Tân Bình. Trước khi mua, người môi giới nói với chị rằng, có nhà nằm ven con kênh là mơ ước của rất nhiều người dân ở TPHCM. Chiều về, mọi người có thể ra ngắm bờ kênh, câu cá.

Nhưng suốt 16 năm qua, chị Bé chưa một lần được ngồi ngắm bờ kênh, câu cá. Kênh Hy Vọng ngày một ô nhiễm nặng hơn. Dưới kênh, rác nhiều hơn nước. Con kênh dài 1,9km này không mang lại sự thơ mộng cho căn nhà mà trở thành nỗi ám ảnh của chị Bé và hàng trăm cư dân.

Kênh Hy Vọng bắt nguồn từ sân bay Tân Sơn Nhất, là hệ thống thoát nước chính của sân bay. Năm 2012, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến năm 2013, nhận thấy sự cấp bách của việc cải tạo kênh cũng như giải thoát cho sân bay Tân Sơn Nhất khỏi cảnh ngập nước, UBND TPHCM chỉ đạo khẩn trương thực hiện dự án. Nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TPHCM phê duyệt.

Sau đó, khi dự án sắp được khởi công đúng kế hoạch thì Ngân hàng Thế giới (WB) ra thông báo dừng hỗ trợ 400 triệu USD cho dự án quản lý rủi ro chống ngập khiến việc cải tạo kênh Hy Vọng bị đình trệ.

Sở Xây dựng TPHCM cho biết, theo kế hoạch chỉnh trang đô thị giai đoạn 2021-2025, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được xếp vào nhóm ưu tiên thực hiện. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.980 tỷ đồng, cần di dời 190 căn nhà ở ven kênh. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn chưa thể biết được khi nào dòng kênh sẽ đổi sắc xanh. 

Sập tối, tiếng đóng cọc công trình vang lên dồn dập, người dân ở hẻm 728 Phạm Thế Hiển, P. 4, Q. 8 thót tim nhìn ra phía bờ sông. Cũng vào một buổi chiều cách đây chưa đầy một năm, sau một tiếng động vang lên chát chúa, nhiều căn nhà trong hẻm đã bị kênh Đôi nuốt chửng. Những căn nhà này đều nằm trong kế hoạch di dời nhà ở trên và ven kênh rạch của UBND Q.8 để chỉnh trang đô thị.

Từ năm 2015, việc di dời nhà ven và trên kênh rạch đã được đưa vào chương trình đột phá về chỉnh trang đô thị của Đảng bộ, chính quyền TPHCM. Nhưng đến nay, chương trình này chưa thực hiện được do gặp nhiều vướng mắc.

Dọc theo con kênh này, có rất nhiều căn nhà “ổ chuột” tạm bợ. Nhiều căn nhà lụp xụp đến mức có thể đổ ụp xuống nước bất cứ lúc nào khi có gió mạnh. Anh Lê Văn Hưng (P. 16, Q. 8) nói: “Bao nhiêu năm nay, cứ nghe nói giải tỏa hoài mà chưa nghe hỗ trợ thế nào. Việc giải tỏa cũng ì ạch nên người dân rất mệt mỏi. Chúng tôi mong mọi thứ phải rõ ràng. Nếu không giải tỏa được nữa, cũng phải công bố để chúng tôi xây nhà kiên cố ở”. 

Chi 28.400 tỷ đồng chỉnh trang đô thị ven kênh rạch

Theo kế hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025 do UBND TPHCM phê duyệt cuối năm 2021, trong giai đoạn này, UBND thành phố dự kiến chi hơn 28.400 tỷ đồng (gần 1,3 tỷ USD) để di dời gần 14.000 hộ dân ven các kênh rạch.

Các dự án được chia thành ba nhóm. Nhóm 1 gồm ba dự án, di dời 3.220 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng: dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm; dự án Cải tạo kênh Hy Vọng, Q.Tân Bình; dự án Nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh. Nhóm 2 gồm 14 dự án, di dời 3.250 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỷ đồng. Nhóm 3 gồm 30 dự án, di dời 7.282 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng.

Ngoài ra, ngành chức năng của TPHCM sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục để sớm tổ chức đấu thầu chọn chủ đầu tư thực hiện sáu dự án, di dời 6.630 căn nhà. Trong đó, trọng tâm là dự án bờ nam kênh Đôi, di dời 5.055 căn nhà.

Khó di dời nhà ven kênh rạch ở nội thành

Những năm gần đây, TPHCM đã thực hiện khá nhiều dự án nạo vét, cải tạo kênh rạch ô nhiễm. Riêng ở Q.12, đã có 18 dự án nạo vét các con rạch ô nhiễm nặng như rạch Rỗng Tùng, Ông Học, Tư Trang… với tổng kinh phí 817 tỷ đồng, đã mang lại diện mạo mới cho các con rạch cũng như đời sống cư dân ven rạch.

Trong khi đó, ở nội thành, còn nhiều kênh rạch ô nhiễm, bị lấn chiếm nhiều năm nhưng chưa thể cải tạo, và còn hàng chục ngàn ngôi nhà ven kênh rạch đang chờ được di dời. Một dự án cải tạo kênh rạch ở nội thành có tổng mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó 50-70% là chi phí bồi thường, di dời nhà ở.

Cảnh báo về mùa sạt lở ở TPHCM

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TPHCM cảnh báo, theo quy luật triều hằng năm, TPHCM đang bước vào thời kỳ thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển. Từ tháng Tư đến tháng Chín là thời kỳ có mực nước chân triều rút thấp nhất năm 2022. Ban này yêu cầu các sở, ngành và các địa phương có kế hoạch cụ thể để chủ động phòng chống, ứng phó và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. 

Trong năm qua, tại TPHCM, đã xảy ra sáu vụ sạt lở bờ sông ở TP.Thủ Đức, H.Củ Chi, H.Cần Giờ khiến một căn nhà bị sụp nền, hai căn nhà bị nứt tường và nghiêng sàn bê tông, thiệt hại 67m kè và khoảng 1.470m2 đất.

Sơn Vinh - Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI