Cuộc đối thoại về bộ sách Công nghệ giáo dục có nguy cơ trở thành công kích

03/01/2020 - 11:42

PNO - Sáng nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ trưởng Vụ GD tiểu học - ông Thái Văn Tài khẳng định lại quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký thẩm định sách giáo khoa (SGK), cũng như việc thành lập hội đồng thẩm định quốc gia, và quá trình thẩm định sách giáo khoa đều diễn ra đúng quy định.

GS Hồ Ngọc Đại cũng khẳng định lại việc ông không có bất cứ oán trách nào đối với hội đồng thẩm định, khi bộ SGK Công nghệ giáo dục (CNGD) bị loại ngay từ vòng đầu. Bởi ông biết rõ hội đồng thẩm định phải làm đúng trách nhiệm được giao.

Bộ sách CNGD bị loại của GS. Hồ Ngọc Đại
Bộ sách CNGD bị loại của GS Hồ Ngọc Đại

Điều cả GS Hồ Ngọc Đại và PGS Nguyễn Kế Hào cùng muốn hướng đến, là SGK CNGD đã chứng minh được hiệu quả trong suốt 40 năm qua. Đặc biệt là vai trò của SGK CNGD trong việc hoàn thành phổ cập tiểu học, xóa mù chữ; và là giải pháp của nhiều địa phương trong việc khắc phục tình trạng ngồi nhầm lớp từ 2006 đến nay.

Do đó, theo hai ông, cần có một cách thẩm định khác đối với SGK CNGD. PGS Nguyễn Kế Hào nêu giải pháp: “Bộ trưởng vẫn dựa vào các hội đồng thẩm định và có thể giao cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn. Vẫn theo đánh giá của Thông tư 33, nhưng các chỉ báo được vận dụng linh hoạt hơn để giữ bản sắc riêng cho mỗi bộ sách”.

PGS Nguyễn Kế Hào cũng khẳng định: “Nếu bộ sách quá khó đối với học sinh tiểu học, thì không thể triển khai đại trà tại nhiều địa phương trên cả nước như thời gian qua. Bộ SGK CNGD không chỉ giúp học sinh học đến đâu biết đến đó, mà còn chống tái mù chữ từ miền núi đến nông thôn và thành thị”.

Cuộc đối thoại giữa các bên liên quan diễn ra khá gay gắt, đặc biệt khi PGS Trần Kiều - Chủ tịch hội đồng thẩm định môn toán cho rằng GS Hồ Ngọc Đại chỉ nên viết sách tham khảo, vì sách của ông bị hội đồng thẩm định đề nghị viết lại và có tới 160 lỗi.

GS Đại cho rằng, ý kiến của PGS Trần Kiểu thể hiện sự khác biệt về tư duy, cả về kinh nghiệm và trải nghiệm. “Cách ông Trần Kiều phát biểu là “tư duy kinh nghiệm của môt người dạy thêm lão luyện” nên không phù hợp”.

Cuộc đối thoại đã chuyển dần từ những vấn đề xung quanh SGK CNGD sang công kích cá nhân. PGS Trần Kiều nói ông nể GS Hồ Ngọc Đại vì ông là nhà tâm lý học; và GS Đại không phải nhà toán học nhưng lại viết SGK về toán.

GS Trần Đình Sử thì nói ngược lại, “GS Đại là nhà toán học (GS Hồ Ngọc Đại từng bảo vệ luận án tiến sĩ về toán), nhà tâm lý học nhưng không hiểu về văn học. Tư duy của GS Đại là “tư duy tự do””.

Hiện tại, cuộc đối thoại vẫn chưa có được tiếng nói chung.

N.M.Tâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
  • Dung Le 06-01-2020 12:12:10

    Sao cứ phải bàn cãi rồi lôi đi lôi lại cái gọi là công nghệ giáo dục nhỉ? Các cấp có thẩm quyền tối cao về ngành giáo dục đã loại bỏ cái gọi là công nghệ giáo dục trò hề với vài trăm lỗi này ra khỏi bộ sách giáo khoa rồi mà không hiểu sao lại có một số ít người, một số ít báo chí cứ ra sức chạy án cho cái đối tượng kể trên vậy ta?

  • Nguyễn Phúc Hội 06-01-2020 06:33:02

    Phát biểu của GS.Trần Đình Sử trong "hợp mặt" có lẽ đủ để quyết định!

  • Nông Văn Dân 05-01-2020 10:14:04

    Sản phẩm ra đời sai lầm ngay trong tư duy và lý luận vì Giáo dục là nghệ thuật chứ tuyệt nhiên nó không phải là một ngành công nghệ và Thầy Cô không thể là người công nhân trong nhà máy công nghiệp sản xuất dây chuyền và thủ tiêu luôn vai trò của phụ huynh trong việc bồi dưỡng kiến thức cho con em như Giáo trình CNGD của ông Đại. Cứ cho rầng vải tám được nhiều người dùng (dùng thật chứ không dùng thử mà phải thử suốt 40 năm đâu nhé) trong thời bao cấp độc quyền phân phối thì hôm nay hôm nay không ai thích dùng nữa đâu.

  • Trần Bá Trì 04-01-2020 13:40:39

    Kết quả của HS trong các năm qua là nhờ học thêm đó các thầy ạ. Đừng nhầm tưởng là công lao của mình.(cả các CT khác nữa) khi dạy thêm thầy cô dạy cách khác để HS hiểu và làm được bài trên lớp. Nếu thống kê thì ít nhất là 80/100 hs có học thêm.

  • Lê Nam 04-01-2020 06:57:57

    Từ năm 2003, cho rằng sách giáo khoa cũ không còn phù hợp nên thay sách. Sau khi thay sách, lại được đánh giá là quá tải nên phải giảm tải. Đồng thời cũng phải tích hợp nhiều vấn đề vào bài dạy. Nhìn mục tiêu của bài dạy cũ đã chóng mặt. Giờ mới nghe giới thiệu qua mục tiêu của chương trình phổ thông mới mà thấy rối ren.

  • TCT 03-01-2020 14:19:01

    Tui nghĩ chúng ta nên thống nhất đánh giá lại cái Chương trình mới (gồm mục đích và nội dung), các tiêu chí thẩm định và cách tiến hành thẩm định bộ sách giáo khoa lớp Một (việc thực nghiệm phải là một phần của quy trình thẩm định).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI