Công nghệ giáo dục đang là phương pháp hiện đại nhất

16/09/2019 - 09:46

PNO - Đó là khẳng định của tiến sĩ Nguyễn Thành Nam trong cuộc trò chuyện với Báo Phụ Nữ TP.HCM về phương pháp dạy học sinh tiểu học, cũng như vấn đề đang diễn ra xung quanh sách Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam là giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Cộng hòa Pháp (CNRS) năm 2007, ông đã bỏ ra bốn năm chỉ để học cách… dạy học sinh tiểu học. Hai năm tiếp theo, ông trực tiếp vừa biên soạn chương trình vừa dạy khoa học cho học sinh tiểu học. Qua sáu năm trải nghiệm, ông hiểu việc dạy học sinh tiểu học hoàn toàn khác với học sinh ở các cấp học trên.

Hội đồng thẩm định chỉ làm đúng chức năng so sánh

* Phóng viên: Thưa ông, bản chất của công nghệ giáo dục (CNGD) là phương pháp sư phạm, và qua phương pháp đó để đưa đến cho học sinh “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, học sinh phải hoạt động, tự làm ra sản phẩm cho chính mình, để “mỗi trẻ em phát triển trở thành chính nó”... Nhưng lâu nay, đặc biệt là trong lần thẩm định vừa qua, có vẻ như ngành giáo dục không quan tâm đến phương pháp sư phạm hay triết lý giáo dục đó?

Cong nghe giao duc dang la  phuong phap hien dai nhat
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam dạy học sinh lớp 1 bằng phương pháp Công nghệ giáo dục

- Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam: Nói về kỳ thẩm định sách giáo khoa (SGK) vừa qua, Tôi cho rằng, không phải cả 15 thành viên của hội đồng thẩm định (HĐTĐ) không ủng hộ sách CNGD. Vì việc của HĐTĐ không phải là xét duyệt theo ý riêng của từng thành viên, mà nhiệm vụ của họ là so sánh sách CNGD với các điều kiện trong văn bản tiêu chuẩn mà Bộ GD-ĐT đưa ra. Trong khi so sánh, thấy các tiêu chuẩn của sách CNGD không trùng với tiêu chuẩn thẩm định thì họ đánh giá “không đạt”. Có nghĩa là sách CNGD “không đạt” so với tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT, chứ không phải với quan điểm cá nhân của tất cả thành viên HĐTĐ.

* Phương pháp sư phạm của các nhà khoa học đã được thể hiện trong sách CNGD. Ông thấy phương pháp này có gần với phương pháp giáo dục của các nước phát triển?

- Phương pháp giáo dục tiên tiến nào cũng dựa trên nền tảng là hoạt động học tập của học sinh. Có thể coi việc học thông qua hoạt động của người học là xây cái nền, còn học thông qua giảng giải là xây các tầng cao lên trên cái nền đó. Tôi cho rằng phương pháp học tập thông qua hệ thống việc làm của CNGD là phương pháp hiện đại nhất. 
Việc dạy học sinh tiểu học hiện nay về đại thể dựa trên hai cách, một là cách giải thích truyền thống như chương trình đại trà lâu nay vẫn làm và hai là học tập qua hệ thống việc làm như cách mà CNGD đang làm.

Cần lưu ý rằng, để học theo cách giảng giải đòi hỏi học sinh phải có kiến thức nền và có đủ trải nghiệm nhất định mới có thể tiếp thu được cái mới, trong khi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp Một hoàn toàn chưa có kiến thức và sự trải nghiệm nên cách tốt nhất là tổ chức cho học sinh làm việc để qua đó học sinh tự tạo ra và chiếm lĩnh kiến thức. Thầy cô dạy CNGD không chú trọng vào việc giảng giải mà họ dạy học sinh thông qua hệ thống việc làm.

Cong nghe giao duc dang la  phuong phap hien dai nhat
Tiến sĩ Nam quan tâm nhiều hơn đến phương pháp giáo dục

Chẳng hạn, mặc dù bạn chưa từng được ăn, nhưng tôi vẫn có thể giải thích để bạn hiểu về món phở chua của Bắc Hà. Tôi chỉ cần giải thích món phở chua cũng giống như phở ở dưới xuôi, nhưng nước phở là nước dưa muối để lạnh, sử dụng bánh phở làm thủ công và ăn kèm với dưa chua thái nhỏ cùng một ít đậu xị thì bạn vẫn có thể mường tượng ra được, vì bạn đã có sẵn các trải nghiệm với bát phở miền xuôi, với món dưa chua và bánh phở.

Khi nghe giải thích, người lớn có thể so sánh thông tin nhận được với những trải nghiệm và kiến thức của bản thân để tạo ra thông tin mới, qua đó tiếp nhận được cái mới ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, do học sinh tiểu học không có cái nền tri thức và trải nghiệm như người lớn nên giải thích các em sẽ không hiểu. Tự tay làm ra và thưởng thức món phở đó là cách tốt nhất để trẻ em có được khái niệm về món phở chua của Bắc Hà.

Trước đây khi chưa trực tiếp dạy học sinh tiểu học, tôi cũng có những nhận xét này nọ về phương pháp của CNGD, nhưng sau thời gian trực tiếp nghiên cứu và dạy học sinh tiểu học, tôi mới thấy rõ những suy nghĩ và nhận xét trước đây của mình là có vấn đề. 

* Xin ông cho một ví dụ để giải thích sự khác nhau giữa cách dạy thông thường và cách dạy theo CNGD là như thế nào?

- Trình độ của người làm CNGD thể hiện ở năng lực lựa chọn và tổ chức hệ thống việc làm để học sinh có thể chiếm lĩnh mục tiêu dạy học. Chẳng hạn như khi dạy học sinh về cái thước, bạn có thể đưa cái thước cho học sinh xem và giải thích để các bạn ấy hiểu, và bạn có thể hướng dẫn để học sinh sử dụng cái thước đó để đo chiều dài của sự vật giống như cách mà các thầy cô thường làm.

Tuy nhiên, cách tốt nhất là tổ chức cho học sinh làm ra cái thước, trong quá trình đó học sinh sẽ tự mình khám phá khái niệm độ dài thông qua việc so sánh sự dài ngắn giữa các đồ vật, rồi học sinh sẽ tự làm một cái thước với đơn vị chuẩn do các em tự chọn và đặt tên.

Cuối cùng, thầy cô chỉ cần đưa cái thước thông dụng ra khoe và giới thiệu tên đơn vị chuẩn ở đây là mét (hay centimet) thì các em sẽ hiểu ngay lập tức và có thể sử dụng, vì về bản chất, cái thước xịn của người lớn giống hệt cái thước mà các em tự tạo ra, sự khác biệt chỉ là đơn vị chuẩn. Với cách dạy như vậy trẻ em không chỉ học được khả năng nhận diện và biết sử dụng cái thước, mà đã tạo ra cho mình khái niệm đơn vị chuẩn và tư duy về phép đo độ dài. Quá trình học tập lại rất vui vì đầy ắp các hoạt động trải nghiệm, tương tác và hợp tác giữa các học sinh với nhau.

Cong nghe giao duc dang la  phuong phap hien dai nhat
Một giờ học trong lớp của tiến sĩ Nguyễn Thành Nam

Bộ GD-ĐT có đang “gọt chân cho vừa giày”?

* Thực tiễn cho thấy, ngành giáo dục ở nhiều địa phương cần sách CNGD, đã và đang áp dụng có hiệu quả. Nay bộ đặt ra một cái khung, và yêu cầu thực tế phải đi theo cái khung đó, trong khi cái khung chưa chắc đã đúng, đã đáp ứng được những gì mà thực tế đang diễn ra, đang cần?

- Trẻ em học CNGD sẽ chiếm lĩnh khái niệm và tri thức thông qua hệ thống việc làm chứ không thông qua lời giải thích. Cho nên khi những người lớn đã quen với việc dạy học sinh bằng lời gặp phải vấn đề không thể giải thích cho học sinh hiểu thì sẽ nghĩ là nội dung quá khó.

Làm sao có thể giải thích cho học sinh lớp Một các khái niệm âm và tiếng, nhưng CNGD đã tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh khái niệm đó qua các thao tác phát âm, phân tích âm, ghi lại. Qua đó, các em sẽ tự mình làm ra khái niệm âm và tiếng, tự làm ra được chữ viết, và tự tạo ra cho mình khả năng đọc thông viết thạo tiếng Việt. Làm sao có thể dạy cho học sinh lớp Một những khái niệm bác học đó chỉ bằng lời! 

Sai lầm trong cách đánh giá hiện nay là người ta đã tự “vẽ” ra một cái khung, rồi đưa thực tế vào so sánh, thấy lệch, họ bèn gạt thực tế đó đi. Nói như giáo sư Ngô Bảo Châu, việc “đem cuộc sống ra thẩm định thì cũng buồn cười nhỉ. Tư duy quan liêu luôn đẻ ra vô cùng nhiều các loại chuẩn. Đủ loại chuẩn ấm ớ với mục đích dứt khoát định nghĩa cuộc sống tự nhiên sinh động”.

* Cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc giáo sư Hồ Ngọc Đại không chỉnh sửa theo khung chương trình mà Bộ GD-ĐT đề ra. Bởi thực tế ta có tư duy nhiệm kỳ, cách làm theo nhiệm kỳ. Nếu sửa theo khung chương trình, thì kỳ sau, khi có một cái mới khác được đưa vào, là lại phải chạy theo để chỉnh sửa ư? Nhưng nhìn toàn diện, theo tiến sĩ, có nên chỉnh sửa không, với một bộ sách đã 40 năm tuổi?

- Thực tế, giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn liên tục cập nhật, điều chỉnh để sách CNGD ngày càng hoàn thiện hơn. Ông chỉ không đồng ý sửa chữa một sản phẩm khoa học đã hoàn chỉnh chỉ để đáp ứng những đòi hỏi về mặt hành chính. Với một nhà khoa học tâm huyết đã dành cả đời cho một công trình thì làm sao có thể chấp nhận chỉnh sửa chỉ để “lọt” vào một cái khung. 

Khi tôi về nước, tình yêu với việc dạy học khiến tôi có nhu cầu nghiên cứu về giáo dục. Tôi đã trực tiếp dạy từ bậc đại học xuống đến tận lớp Một của tiểu học trong hàng chục năm. Tôi đã trực tiếp dạy chương trình lớp Một của CNGD và thậm chí đã dạy cho một học sinh người Séc gốc Việt bằng chương trình đó, tôi nghĩ mình có đủ trải nghiệm để nhận ra sự khác biệt.

Tôi cho rằng, trong việc dạy học thì dạy bậc học càng thấp càng khó khăn, càng có những đòi hỏi khắt khe hơn về mặt sư phạm, và dạy tiểu học là khó nhất. Không phải cứ có bằng cấp cao là có thể phát biểu đúng đắn về giáo dục tiểu học đâu, nhất là những người chưa có trải nghiệm thực tế trong việc dạy học sinh tiểu học.

* Nhận thức của học sinh lớp Một hiện nay đã khác với học sinh lớp Một của 10 năm trước, so với 40 năm thì càng khác. Với kinh nghiệm và kiến thức, cũng như hiểu biết về CNGD, về phương pháp giáo dục lấy học trò làm trung tâm, thì việc giữ nguyên một bộ sách trong 40 năm liệu có nên không, thưa ông?

- Trẻ lớp Một ở thế hệ nào cũng vẫn vậy thôi, vẫn là tờ giấy trắng, có khác chăng ở điều kiện dinh dưỡng, chiều cao, cân nặng. Và những vấn đề dạy ở tiểu học, đặc biệt là ở lớp Một luôn là những vấn đề rất căn bản. Yêu cầu dạy tiếng Việt lớp Một hiện nay hay là 40 năm trước cũng không có gì khác nhau đâu. Sự khác biệt lớn nhất là nội dung ở những lớp phía trên, ở những bậc học cao hơn. 

Về chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi cho rằng cách làm của Bộ GD-ĐT cũng có nhiều tiến bộ về cách tiếp cận, như việc nghiên cứu cập nhật chương trình giáo dục của các quốc gia phát triển, yêu cầu làm rõ mục tiêu môn học, cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá… Tuy nhiên, việc loại trừ những sản phẩm đã được cuộc sống thừa nhận về chất lượng chỉ dựa vào những tiêu chí mới chưa được triển khai trong thực tiễn cuộc sống là rất sai lầm. Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên đánh giá chất lượng của các chương trình bằng chất lượng sản phẩm ở đầu ra thì mới đủ sức thuyết phục.

* Cảm ơn tiến sĩ. 

Uông Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI