“Cuộc chiến” giành con khi ly hôn: Ly hôn, cần quan tâm đến cảm xúc của con

15/04/2021 - 15:11

PNO - Mỗi năm, ngành tòa án TPHCM thụ lý xấp xỉ 20.000 vụ ly hôn, bao gồm tranh chấp tài sản và giành quyền trực tiếp nuôi con. Trong lý lẽ giành con, các bậc sinh thành quên mất, đứa trẻ ở với ai không quan trọng bằng việc chúng nhận được gì từ cuộc ly hôn của cha mẹ. Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tâm lý, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM - đã có những chia sẻ xoay quanh nội dung này.

LTS: Ly hôn, là một thất bại hết sức nặng nề và cay đắng trong hôn nhân. Sau ly hôn, người ta sẽ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bị buông bỏ nên rất ít người duy trì được sự tử tế trong cách cư xử với nhau, cũng như ý thức thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với con cái. Sự oán hận khiến họ luôn nuôi dưỡng ước muốn trả thù. Những đứa trẻ lúc này sẽ bị đem ra làm vũ khí đắc lực cho suy nghĩ mù quáng và ích kỷ ấy của cha mẹ. Thay vì được bù đắp cho những thiệt thòi không đáng phải gánh chịu, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn đau đớn bước vào cuộc chiến không hồi kết của đấng sinh thành: cuộc chiến giành con đẫm nước mắt.

Bài 1: Những đứa trẻ bơ vơ trong hồi kết hôn nhân

Bài 2: Những cuộc tranh giành bất tận

Bài 3: Nỗi ân hận muộn màng của người trong cuộc

Bài 4: Khó như... thi hành án quyền nuôi con

Phóng viên: Ly hôn, giành quyền nuôi con là chuyện của… người lớn. Nhưng trong những “cuộc chiến” giành con như vậy, đứa trẻ không thể tránh được những thương tổn nhất định?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy: Tôi sẽ bắt đầu bằng trường hợp gần đây nhất mà tôi tham vấn. Người vợ muốn ly hôn, người chồng thì không, nên quyết tâm giành con để gây áp lực với vợ. Họ có ba người con, một đang học đại học, một đã trên chín tuổi và một mới sáu tuổi. Người con đang học đại học thì cảm thấy áp lực sợ ba chị em bị chia cắt. Bé rất thương cậu em đang bị bố giành nuôi. Cậu em thì đã đủ tuổi nêu nguyện vọng, cho biết mình rất thương cha và muốn ở với cha, lý do sợ cha buồn. Đứa nhỏ nhất chưa có nhiều ý niệm về tình cảnh gia đình.

Trong gia đình ấy, người cha thường rất dễ nóng giận, thi thoảng quát mắng và đánh đập vợ con. Do đó, cả người mẹ và người con lớn đều lo lắng cậu con trai sẽ bị bạo hành nếu về ở với cha.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tâm lý, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - chuyên viên tâm lý, giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM

Khi tôi gặp cả ba người con, gương mặt chúng rất buồn, không có chút hồn nhiên nào mà những đứa trẻ cần phải có. Việc lựa chọn ở với ai đôi khi lại vì cha mẹ chứ không hề vì bản thân chúng. Cha mẹ đấu trí trong “cuộc chiến” nuôi con, còn với con cái là cả sự dằn vặt phải lựa chọn. Hôn nhân tan vỡ, con cái đã tổn thương vì gia đình chia cắt, càng tổn thương hơn khi chứng kiến cuộc tranh giành quyền nuôi con của các bậc sinh thành.

* Nỗ lực để có được quyền nuôi con, người làm cha mẹ thường nhân danh tình yêu, tin rằng mình yêu và chăm sóc con tốt hơn người còn lại. Đó có phải một tình yêu đúng, thưa bà?

- Việc cha mẹ cho rằng mình mới là người nuôi con tốt hơn, yêu con hơn rồi tìm mọi cách giành quyền nuôi con bằng được, là họ đang yêu mình, vì sự ích kỷ của bản thân chứ không hề vì con cái.

Luật quy định con trẻ đủ chín tuổi phải được hỏi ý kiến, được chọn lựa người trực tiếp nuôi dưỡng, chính là sự quan tâm đến cảm xúc, tôn trọng ý muốn của đứa trẻ, chứ không hề dựa trên việc người nào nuôi tốt hơn.

Như câu chuyện trên, người mẹ nghĩ rằng người cha suốt ngày đi làm, thời gian đâu chăm con và nuôi con tốt bằng mình. Bà cũng sợ chồng đánh con khiến con tổn thương, nên nghĩ rằng ông chỉ cần chu cấp tiền nuôi con là đủ. Tôi đã phân tích rằng cái quan trọng nhất chính là cảm xúc của trẻ, ở với ai để ít tổn hại hơn về thể chất, tinh thần mới là điều cần bàn đến. 

Tôi thường khuyên những người làm cha mẹ, nếu thực sự yêu con, muốn dạy con nên người, thì hãy thương yêu và học cách sống chung cùng người bạn đời. Trường hợp bất khả, không hạnh phúc thì nên chia tay, bởi việc trì kéo hôn nhân như vậy chỉ càng gây hại cho con cái.

Hạnh phúc của cha mẹ quyết định rất lớn đến cuộc đời con. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình hạnh phúc thường có sự tự tin, cởi mở; còn ngược lại, đứa trẻ sẽ tự thu mình, không cảm thấy an toàn, thậm chí có xu hướng chống đối người xung quanh. Trẻ quậy phá, học hành sa sút, phần lớn đều lớn lên trong gia đình bất hòa, tan vỡ.

Sau này, khi chúng yêu và lập gia đình, việc cha mẹ từng đối xử với nhau ra sao ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của chúng với tình yêu, hôn nhân của chính mình. Chúng hạnh phúc hay bất hạnh, tin tưởng hay đầy hoài nghi, phụ thuộc rất lớn vào bài học hôn nhân của cha mẹ.

* Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng. Để tốt nhất cho con, bà có lời khuyên nào dành cho các bậc sinh thành?

- Không phải cuộc ly hôn nào cũng tác động tiêu cực đến đứa trẻ. Mà chính cách đối xử giữa người lớn với nhau khi ly hôn mới là ảnh hưởng lớn nhất. Rất nhiều trường hợp cha mẹ ly hôn nhưng vẫn dành cho nhau sự tôn trọng, con cái họ thường hạnh phúc. Trong cuộc sống, chúng lại có ý thức nỗ lực để có được hạnh phúc.

Tôi chân thành mong các bậc phụ huynh nếu lựa chọn ly hôn, hãy ứng xử với nhau thật văn minh. Đồng thời, tùy độ tuổi của con mà nói thật với chúng về hoàn cảnh của mình, không che giấu. Đứa trẻ được nghe thông báo chính thức từ cha mẹ sẽ tốt hơn nghe người ngoài xì xào. Sau đó, cũng tùy độ tuổi mà cho đứa trẻ biết kế hoạch về cuộc sống mới để tránh ngỡ ngàng: Con sẽ sống với ai, ở đâu, việc học hành có bị xáo trộn không, cha hoặc mẹ đến thăm con ra sao?…

Khi cha mẹ ly hôn, đứa trẻ rất chông chênh, cảm giác mất an toàn, buồn chán, do đó cần thường xuyên đưa con đi chơi, tâm tình với con, để không chỉ mình, mà chính các con cũng cần được giải tỏa.

Khi hôn nhân tan vỡ, nhiều người cứ “đóng băng” chính mình, rúc trong cảm xúc của mình mà bỏ mặc luôn cảm xúc của đứa trẻ, bỏ mặc con cho người khác chăm sóc, thậm chí ngăn cản con gặp gỡ cha/mẹ chúng. Đó là những sai lầm mà sau này có muốn cũng không cách gì bù đắp được. Yêu con, là làm sao để con hiểu rằng cha mẹ dù không còn là vợ chồng, không còn cùng chung sống; nhưng những gì liên quan đến con đều sẽ không bị mất đi, đặc biệt là tình yêu thương. 

Hãy vì lợi ích của đứa trẻ

Trong tranh chấp nuôi con, không thể nói cha hay mẹ thương con nhiều hơn hay ít hơn. Nên khi giải quyết các vụ việc như vậy, tôi không đánh giá tình cảm của cha mẹ, mà sẽ đặt lên hàng đầu lợi ích của trẻ và những điều kiện để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện.

Tôi muốn lưu ý rằng, giao con cho ai nuôi cũng chỉ mang tính chất tương đối, vì từ lúc đó đến khi trẻ 18 tuổi, thì việc thay đổi quyền nuôi con luôn được pháp luật bảo hộ. Do đó, nếu thấy đối phương nuôi con không tốt, hoặc tình cảm của đứa trẻ thay đổi, có nguyện vọng về ở với người còn lại, thì quyền nuôi con vẫn thay đổi được.

Nếu cha mẹ thật sự thương con, thì dù ở bên cạnh con hay không, cũng sẽ theo sát sự phát triển của con theo từng giai đoạn và sự phát triển tâm sinh lý. Khi đó, tự bản thân trẻ sẽ biết mình cần sống với ai. Ví dụ, với trẻ gái, khi tới tuổi dậy thì, có kinh nguyệt, thì rất cần mẹ bên cạnh chỉ bảo, hướng dẫn cách chăm sóc, vệ sinh. Hoặc bé trai cũng có giai đoạn rất cần học hỏi sự mạnh mẽ, tự tin của người cha. 

Nguyễn Thị Minh Hương

(nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân quận 10) 

Thùy Dương (ghi)

Lá rụng về cội

Tháng 8/2016, tôi từ TPHCM về quê chồng ở TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) sinh con. Mẹ chồng không ưa tôi, không cho tôi gọi con bằng con, xưng mẹ mà phải gọi bằng bé, xưng mợ. Con hơn bảy tháng tuổi, gia đình chồng đuổi tôi, để con lại cho họ chăm sóc. Không tiền bạc, tôi cũng không dám mang con theo. Từ đó, hễ trở lại TP. Phan Rang - Tháp Chàm thăm con, tôi đều bị gia đình chồng mắng chửi, ngăn cấm. Tôi chỉ được tiếp xúc với con qua thông tin được truyền lại từ hàng xóm.

Tháng 11/2017, tôi xin ly hôn, giành quyền nuôi con. Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận, TPHCM tuyên cho ly hôn, trao cho tôi quyền trực tiếp nuôi dưỡng cháu. Chồng kháng cáo, cấp phúc thẩm cũng tuyên y bản án sơ thẩm.

Chị Ánh N. nhiều lần vất vả từ TP.HCM ra Ninh Thuận thăm con, nhưng chỉ được biết thông tin con qua hàng xóm
Chị Ánh N. nhiều lần vất vả từ TP.HCM ra Ninh Thuận thăm con, nhưng chỉ được biết thông tin con qua hàng xóm

Thế nhưng, từ đó đến nay, tôi chưa được gia đình chồng giao con cho mình. Thi hành án nhiều lần vào cuộc, song lần nào gia đình chồng cũng mang con tôi đi giấu. Tôi chỉ có thể tiếp tục thu xếp đi về giữa TPHCM - Ninh Thuận để nắm thông tin con từ hàng xóm tốt bụng.

Một năm qua, tôi không còn tìm mọi cách để về thăm và nhìn thấy con nữa. Không phải bớt thương nhớ con, mà tôi hiểu rằng, mỗi lần hay tin tôi về, gia đình chồng cũ biết được đều không ngừng chửi bới, nói xấu tôi, thậm chí gây xích mích với những người hàng xóm. Sự căng thẳng đó chỉ làm cho con tôi phát triển không ổn định, ảnh hưởng xấu đến cháu. 

Nghe hàng xóm kể lại, con tôi rất ngoan, được gia đình nội chăm sóc tốt. Tôi phần nào an tâm. Nhưng, con tôi nay đã năm tuổi, cũng đã có nhiều câu hỏi về mẹ. Nếu con tiếp tục lớn lên trong mâu thuẫn giữa hai bên, liệu cháu có bị tổn thương?

Tôi luôn ước ao gia đình chồng suy nghĩ lại, thực hiện bản án mà giao con cho tôi. Tôi đảm bảo sẽ không có bất cứ cản trở nào trong thăm nom của gia đình nội với con, ngược lại, giúp con có được cả tình yêu, sự chăm sóc, lo toan của cả mẹ lẫn cha và những người thương yêu cháu. 

Lá rụng về cội. Tôi tin con lớn lên sẽ hiểu được mọi chuyện, và để tránh tổn thương cho con, mối mâu thuẫn giữa người lớn hôm nay cần được gia đình chồng cũ cởi bỏ càng sớm càng tốt. Đó mới chính là tình yêu đích thực mà họ muốn dành cho con tôi.

Chị Lê Thị Ánh N. 

Phong Vân (ghi)

Tuyết Dân (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI