Cuộc chiến chống phá thai: Quyền của người mẹ hay quyền cho đứa trẻ ?

20/05/2019 - 13:31

PNO - Với lập luận rằng sinh mạng của đứa trẻ quan trọng không kém người mẹ, nhiều bang thông qua luật cấm phá thai nhằm buộc Tòa án Tối cao Mỹ xem xét lại án lệ Roe v. Wade, cơ sở bảo đảm việc phá thai cho phụ nữ.

Lựa chọn phá thai là quyền hiến định của phụ nữ

Vào ngày 22/1/1973, Tòa án Tối cao Mỹ (Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ) công bố phán quyết cho vụ án “Roe v. Wade”, thách thức trực tiếp một đạo luật ở Texas vốn ngăm cấm việc phá thai, trừ khi người phụ nữ bị đe dọa nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng.

Trước đó, vụ án được đệ trình bởi Jane Roe, người phụ nữ chưa chồng muốn kết thúc việc mang thai lần thứ ba một cách an toàn và hợp pháp. Đứng về phía Roe, tòa án đã bác bỏ đạo luật của bang Texas.

Để đi đến quyết định trên, Tòa án Tối cao dẫn chứng án lệ qua hàng thập kỷ, cho rằng chính phủ không thể can thiệp vào một số quyết định cá nhân về sinh sản, hôn nhân và các khía cạnh khác của đời sống gia đình.

Trong phán quyết cuối cùng, lần đầu tiên tòa án đã công nhận rằng định nghĩa về quyền riêng tư trong Hiến pháp Mỹ đủ rộng để bao gồm cả quyết định của người phụ nữ về việc có nên chấm dứt thai kỳ hay không. Từ đó, Roe v. Wade được biết đến như là trường hợp hợp pháp hóa phá thai đầu tiên trên toàn quốc.

Cuoc chien chong pha thai: Quyen cua nguoi me hay quyen cho dua tre ?
Một người ủng hộ lựa chọn phá thai biểu tình trước Tòa án Tối cao vào năm 2016, khi Tòa xem xét lệnh cấm phá thai tại các phòng khám ở bang Texas.

Vào thời điểm quyết định được thông qua, gần như tất cả các tiểu bang đều cấm phá thai. Các đạo luật này chỉ loại trừ trường hợp cứu mạng người phụ nữ hay vì một số lý do hạn chế nhằm bảo vệ sức khỏe của người mẹ; có thai do hãm hiếp, loạn luân hoặc dị tật thai nhi.

Án lệ Roe biến tất cả các đạo luật trên thành vi hiến, giúp dịch vụ phá thai trở nên an toàn hơn rất nhiều và dễ tiếp cận hơn đối với phụ nữ trong cả nước.

Quyết định này cũng đặt ra tiền lệ pháp lý ảnh hưởng đến hơn 30 vụ án của Tòa án Tối cao liên quan đến các hạn chế trong việc tiếp cận phá thai. Ngày nay, theo thống kê từ tổ chức Cha mẹ có kế hoạch, 73% người Mỹ không muốn nhìn thấy án lệ Roe v. Wade bị bãi bỏ.

Từ bước đi âm thầm đến làn sóng mạnh mẽ của Đảng Cộng Hòa

Trở lại tháng 2/2019, khi người dân Mỹ vẫn lo ngại về viễn cảnh Tổng thống Donald Trump buộc chính phủ đóng cửa lần thứ hai, thượng nghị sĩ bang Ohio, bà Kristina Roegner lặng lẽ đưa ra dự luật mới mà hiện là một phần của chuỗi các đạo luật đe dọa quyền phá thai trên toàn quốc.

Dự luật phá thai dựa trên “nhịp tim” ít thu hút sự chú ý từ báo chí quốc gia; nhưng khi được ký ban hành thành luật vào tháng Tư, đạo luật kết thúc cuộc chiến pháp lý âm thầm suốt 7 năm tại tiểu bang, đưa việc hạn chế phá thai lùi về tuần thai thứ sáu, thời điểm trước khi nhiều phụ nữ thậm chí biết mình có thai.

Bà Roegner nói với tờ The Independent về đạo luật từng được đệ trình vào năm 2011: “Quan điểm của tôi, đối với đạo luật ‘nhịp tim’ này, và tất cả các đạo luật ủng hộ sự sống, là để cứu những đứa trẻ chưa ra đời”.

Dự luật ‘nhịp tim’ của bang Ohio là một trong tám đạo luật cấm phá thai ở Mỹ dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2019, sau gần 50 năm án lệ Roe v. Wade có hiệu lực. Làn sóng đã khiến hầu hết mọi người Mỹ tự hỏi: đây có phải là kết thúc của quyền phá thai dành cho phụ nữ Mỹ?

Bà Roegner nói thêm: “Mục đích chính của đạo luật là cứu người. Chúng tôi sẽ không né tránh việc đưa vấn đề ra tòa án tối cao với ý định lật đổ án lệ Roe v Wade”.

Cuoc chien chong pha thai: Quyen cua nguoi me hay quyen cho dua tre ?
Những người ủng hộ lệnh cấm phá thai cho rằng việc hợp pháp hóa phá thai tại Mỹ là một cuộc "giết người hàng loạt" bởi có khoảng 54 triệu ca phá thai được thực hiện từ khi án lệ Roe v. Wade có hiệu lực.

Đối với những người ủng hộ cấm phá thai, chiến lược này khá rõ ràng và đặt các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát vào một cuộc xung đột trực tiếp với Tòa án Tối cao nếu mọi việc suôn sẻ.

Vì Roe v. Wade là án lệ liên bang, mỗi đạo luật cấm phá thai của từng bang sẽ đi ngược lại các giới hạn được đưa ra bởi phán quyết của Tòa án Tối cao năm 1973, vốn ngăn chặn lệnh cấm phá thai nếu thai nhi không thể sống sót bên ngoài tử cung.

Theo y học, vào tuần thứ sáu của thai kỳ, bào thai chỉ có kích thước bằng hạt đậu trắng và vừa bắt đầu hình thành bàn tay, bàn chân giống như mái chèo, hoàn toàn không sẵn sàng cho việc tồn tại bên ngoài cơ thể người mẹ.

Vì vậy, ngoài việc cấm phá thai ngay lập tức, các đạo luật xuất hiện trên cả nước còn nhằm mục đích đưa ra những thách thức pháp lý, buộc Tòa án Tối cao đưa ra quyết định khi nhiều tiểu bang tham gia trận chiến.

Đại diện bang Terri Collins, người tài trợ  Đạo luật cấm phá thai khiến hầu như tất cả các vụ phá thai đều bất hợp pháp ở bang Alabama, ngay cả trong các trường hợp hãm hiếp hoặc loạn luân, đã xác nhận rằng Tòa án Tối cao là mục tiêu cuối cùng của làn sóng.

Kể từ khi Roe v. Wade được ban hành vào năm 1973, ước tính có hơn 54 triệu ca phá thai được thực hiện tại Mỹ.

Trong khi những người ủng hộ lệnh cấm phá thai mô tả con số đó là một cuộc tàn sát hàng loạt, thậm chí đạo luật tại Alabama còn liên kết phá thai với nạn diệt chủng, nhiều người nói rằng con số này không phải là vấn đề.

Theo tổ chức nghiên cứu chính sách Guttmacher Institute, một trong bốn phụ nữ tại Mỹ dự kiến ​​sẽ phá thai vào năm 45 tuổi, và các biện pháp bảo vệ do “Roe” cung cấp giúp họ tìm thấy hỗ trợ y tế an toàn. Các bác sĩ thực hiện việc phá thai trong phòng mổ, theo một quy trình nghiêm ngặt hơn nhiều so với các ca phá thai bí mật của  năm mươi năm trước.

Mặt khác, dù các dự luật cấm phá thai được thông qua trên toàn quốc không đề cập đến chủng tộc hay tình trạng kinh tế xã hội của những người phụ nữ, dễ thấy rằng phụ nữ nghèo và phụ nữ da màu là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Lý do vì các thẩm phán và công tố viên ở Mỹ thường có nhiều quyền quyết định đối với việc tuyên án, và điều đó dễ mang lại lợi ích cho những người da trắng giàu có.

Nhưng dù bà Roegner và bà Collins có thể hy vọng đưa vụ việc ra Tòa án Tối cao và mong đợi một phán quyết có lợi, sau khi Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm hai thẩm phán mới theo đường lối bảo thủ, Brett Kavanaugh và Neil Gorsuch, vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào về việc tòa án sẽ xem xét lại án lệ Roe v. Wade.

Thêm vào đó, theo phó giám đốc Dự án Tự do Sinh sản của Liên minh Tự do Dân sự Mỹ, Brigitte Amir, thách thức pháp lý đối với Roe v. Wade có thể đến từ bất cứ đâu. Bà Amir nói: “Bất kỳ phán quyết nào của Tòa án Tối cao liên quan đến phá thai đều có thể được sử dụng để chống lại Roe v. Wade”, chứ không phải do bất kỳ sức ép nào từ truyền thông.

Cuoc chien chong pha thai: Quyen cua nguoi me hay quyen cho dua tre ?
Theo lập luận của Tòa án Tối cao năm 1973, phụ nữ được quyền phá thai nếu thai nhi không thể tồn tại bên ngoài tử cung của người mẹ.

Tối thứ bảy 18/5, Tổng thống Trump cũng đăng một loạt dòng tweet giải thích lập trường của ông về quyền phá thai trong khi cảnh báo rằng đảng Cộng hòa sẽ vấp phải sự phản đối nếu không thể thống nhất.

“Tôi ủng hộ lựa chọn bảo vệ sinh mạng cho đứa trẻ, với ba trường hợp ngoại lệ: Hiếp dâm, loạn luân và bảo vệ cuộc sống của người mẹ như quan điểm của cự Tổng thống Ronald Reagan.

“Chúng ta phải gắn bó và giành chiến thắng vào năm 2020. Nếu chúng ta dại dột và không đoàn kết một cách thống nhất, tất cả kết quả từ nỗ lực khó khăn của chúng ta cho cuộc đua Tổng thống năm 2020 có thể, và sẽ nhanh chóng biến mất!”.

Tấn Vĩ (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI