CPI khó giữ dưới 4% nếu cứ để giá thép tăng cao

16/05/2021 - 07:11

PNO - Giá thép tăng cao khiến cho lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng. Bộ Tài chính, Cục Quản lý giá đã đưa ra nhiều kịch bản để kiểm soát.

Giá thép thời gian qua bất ngờ tăng 40-50% được Bộ Xây dựng lý giải, do mất cân đối về cung cầu, nguồn cung thép xây dựng khan hiếm. 

Kiểm soát về giá cả hàng hoá để lạm phát bình quân 2021 là 4%
Việc tăng giá thịt theo từng gây sức ép về tăng lạm phát quý I/2020

Trong kịch bản điều hành giá đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Theo Bộ Tài chính, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng 0,66%, vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%.

“Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế liệu thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến tác động làm giá trong nước tăng theo; căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ” – Bộ Tài chính lo ngại.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Công thương nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; giao Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Đồng thời, để thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...; phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong công tác lưu thông phân phối hàng hóa để tránh hiện tượng sốt giá cục bộ do khan hiếm hàng hóa hoặc sụt giảm giá bất lợi đối với hàng nông sản do bị ùn tắc trong lưu thông, phân phối. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo điều hành giá (qua Bộ Tài chính) để có chỉ đạo.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kê khai giá, niêm yết giá, nhất là đối với vật tư y tế phòng chống dịch, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá. Chủ động tính toán, xây dựng phương án giá đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá thuộc thầm quyền quy định giá của địa phương trong đó đánh giá kỹ liều lượng, mức độ điều chỉnh cho phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI