COVID-19 đẩy trường học đến lựa chọn: Thay đổi hay là chết

23/06/2021 - 20:06

PNO - Ít ai có thể ngờ rằng, ngành giáo dục trên toàn cầu phải có lúc đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn cho sự tồn tại và phát triển của mình chỉ vì ảnh hưởng của con virus tí hon không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo số liệu từ tổ chức UNESCO mới đây, hiện đang có hơn 1,2 tỷ trẻ em từ 186 quốc gia trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học vì COVID-19.

Và để đối phó với tình hình đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc dạy và học trực tuyến đang trở thành giải pháp tối ưu nhất mà ngành giáo dục có thể lựa chọn, ít nhất là trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2025 với giá trị đầu tư cho công nghệ giáo dục lên đến 350 tỷ USD.

Ngành giáo dục đang phải thay đổi vì COVID-19 - Ảnh: Alfonso Di Vincenzo/Getty
Ngành giáo dục đang phải thay đổi vì COVID-19 - Ảnh: Alfonso Di Vincenzo/Getty

Ngành giáo dục đang xoay xở với COVID-19 như thế nào?

Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập tăng vọt trong mùa đại dịch, hàng loạt nền tảng học trực tuyến đã “nở rộ như nấm sau mưa”, hầu hết là miễn phí hoặc theo hình thức phi lợi nhuận. BYJU, một nền tảng giáo dục chuyên cung cấp các lớp học trực tuyến của Ấn Độ đã chứng kiến mức tăng 200% học sinh tham gia các lớp học trực tuyến miễn phí của mình.

Tương tự, các lớp học trực tuyến do Tencent (Trung Quốc) cung cấp đã thu hút 730.000 học sinh (chiếm 81%) từ lớp 1 đến lớp 12 ở Vũ Hán theo học, tạo nên một phong trào học trực tuyến lớn nhất trong lịch sử của thành phố này.

Hàng chục ngàn học sinh tại Vũ Hán đã áp dụng hình thức học online từ đầu năm 2020 - Ảnh: Tencent
Hàng trăm ngàn học sinh tại Vũ Hán đã áp dụng hình thức học online từ đầu năm 2020 - Ảnh: Tencent

Lark, một nền tảng đám mây của Singapore cũng đã sử dụng tối đa năng lực của mình để cung cấp giải pháp giao tiếp trực tuyến giúp thầy và trò có những trải nghiệm thuận tiện và hiệu quả trong quá trình làm bài tập nhóm, thực hiện dự án chung, cũng như tham gia các hoạt động của nhà trường.

Một số trường học ở thành phố Los Angeles (Mỹ) còn có sáng kiến phối hợp với đài phát thanh truyền hình địa phương để cùng sản xuất các chương trình giáo dục trên nền tảng số dành riêng cho từng nhóm học sinh với từng độ tuổi khác nhau.

Định hình cho cách học trong tương lai

Trong một bài báo với tiêu đề "Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn nền giáo dục toàn cầu" đăng trên tạp chí của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2 chuyên gia giáo dục Cathy Li và Farah Lalani nhận xét, mô hình giáo dục “lai” giữa phương pháp trực tiếp truyền thống và trực tuyến dưới sức ép của COVID-19 đã và đang mang lại những lợi ích rõ ràng.

“Tôi tin sự kết hợp giữa giáo dục với công nghệ thông tin sẽ giúp đưa hình thức học trực tuyến gắn chặt vào khung chương trình dạy và học của các trường phổ thông”, ông Wang Tao, Phó chủ tịch tập đoàn giáo dục Tencent khẳng định.

Những lớp học trên mây kết hợp với hình thức học truyền thống đang trở nên quen thuộc với học sinh trong mùa COVID-19 - Ảnh: Al Seib/LA Times/Getty Images
Những lớp học "trên mây" kết hợp với hình thức học truyền thống đang trở nên quen thuộc với học sinh trong mùa COVID-19 - Ảnh: Al Seib/LA Times/Getty Images

Xu hướng “lớp học trên mây” này cũng dần phổ biến cả trong “địa hạt” giáo dục đại học. Chẳng hạn như, Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đang triển khai hơn 5.000 khóa học trực tuyến cho sinh viên của mình. Còn Đại học Hoàng gia London (Anh) thì phát triển môn học “Khoa học về coronavirus” được giảng dạy trên nền tảng Coursera hiện đang thu hút đông đảo sinh viên trên toàn cầu đăng ký theo học.

“Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp thay đổi phương pháp giảng dạy của chúng tôi”, tiến sĩ Amjad từ Đại học Jordan nói. Ông cho biết thêm: “Tôi có thể tương tác một cách hiệu quả và nhanh chóng với sinh viên của mình thông qua các nhóm chat, các buổi lên lớp online, chia sẻ tài liệu, phân công nhóm làm việc…. Sinh viên cũng hào hứng với cách học này. Tôi sẽ tiếp tục duy trì hình thức học trực tuyến kết hợp với học trực tiếp theo cách truyền thống kể cả sau khi đại dịch đã được khống chế”.

Vẫn còn đó những thách thức

Mặc dù có nhiều lợi ích trong việc học trực tuyến, vẫn còn không ít người tỏ ra “lăn tăn” với những "điểm trừ" mà nó tạo ra.

Điều dễ nhìn thấy nhất, đó là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các nước nghèo không thể đảm bảo cho việc cung cấp các lớp học trực tuyến một cách có hiệu quả.

Học sinh ở các nước nghèo vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận internet phục vụ việc học - Ảnh: Shutterstock
Học sinh ở các nước nghèo vẫn đang gặp khó khăn trong tiếp cận internet phục vụ việc học - Ảnh: Shutterstock

Trong khi 95% học sinh ở các nước giàu như Thụy Sĩ, Na Uy và Áo sở hữu máy tính riêng để phục vụ việc học online thì tỷ lệ này ở Indonesia chỉ là 34%, theo một báo cáo do OECD công bố.

Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục "thời COVID-19" cũng là vấn đề khiến các chuyên gia giáo dục lo lắng.

Ở Mỹ, hầu như tất cả trẻ em 15 tuổi ở các gia đình thuộc nhóm người da trắng cho biết các em có máy tính để học bài. Thế nhưng, chỉ 25% trẻ em cùng độ tuổi thuộc nhóm dân nhập cư có máy tính.

Một số bang ở Úc, như bang New South Wales, cung cấp miễn phí các thiết bị điện tử phục vụ việc học cho học sinh trong khi ở nhiều trường thuộc các nước nghèo trên thế giới, trẻ em đang phải trưng dụng bờ tường hoặc khoảnh sân, biến chúng thành những chiếc bảng đen để viết chữ lên đó.

Một lớp học lộ thiên của thầy và trò ở vùng nông thôn nghèo của Ấn Độ - Ảnh: Amarjeet Kumar Singh/Anadolu Agency/Getty
Một lớp học "lộ thiên" dưới chân cầu của thầy và trò ở vùng nông thôn nghèo của Ấn Độ - Ảnh: Amarjeet Kumar Singh/Anadolu Agency/Getty

Trong quyển sách thuộc danh mục Bán chạy nhất của mình có tựa đề “21 bài học cho thế kỷ 21” (tiếng Anh: 21 Lessons for the 21st Century) xuất bản tháng 12/2018, nhà sử học Do Thái nổi tiếng Yuval Noah Harari có đề cập đến việc hệ thống trường học vẫn tiếp tục “bám trụ” với cách dạy và học truyền thống vốn được duy trì từ lâu nay.

Thậm chí, nhiều nơi vẫn còn áp dụng phương pháp bắt học sinh học thuộc lòng thay vì dạy các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như Tư duy phản biện và khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thế nhưng, có thể ông ấy không thể ngờ rằng, con virus tí hon SARS CoV-2 chỉ mới xuất hiện từ đầu năm 2020 nhưng đã kịp “làm một cuộc cách mạng” sâu sắc khiến toàn bộ hệ thống giáo dục trên toàn cầu phải đứng trước sự lựa chọn: thay đổi hay là chết.

Và vì vậy, một tương lai được cho là “sáng sủa hơn” của ngành giáo dục đang dần lộ diện ngay trong những “ngày giông bão” của đại dịch COVID-19 hiện nay.

Nguyễn Thuận 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI