Công nhân lương cao, giấc mơ nhà ở xã hội cũng xa vời

24/06/2022 - 06:18

PNO - Đồng Nai là một trong ba địa phương có thu nhập của người lao động cao nhất nước (bình quân đạt 8 - 8,5 triệu đồng/tháng) nhưng việc sở hữu một căn nhà, dù là nhà ở xã hội, đối với công nhân cũng rất xa vời.

Chen chúc trong những nhà trọ chật hẹp

Xung quanh các khu công nghiệp ở Đồng Nai không hiếm những dãy phòng trọ chật hẹp và ẩm thấp. Phần đông các gia đình công nhân phải ở trong những dãy trọ này. 

Hơn mười năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Hòa, bốn người, vẫn sống trong căn phòng trọ hơn 10m2 tại P.Long Bình, TP.Biên Hòa. Vợ chồng chị Hòa rời Thanh Hóa vào Đồng Nai làm công nhân từ khi họ còn độc thân. Sau khi kết hôn, họ chọn “gắn bó” với căn phòng trọ này, vì gần nơi làm việc. Hai đứa con lần lượt ra đời khiến họ phải thuê thêm phòng bên cạnh làm nơi để vật dụng và bếp nấu ăn. “Đến giờ, tài sản dư ra của chúng tôi là hai đứa con và khoản tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Với số tiền đó, việc mua đất cất căn nhà riêng để thực sự “an cư lạc nghiệp” dường như rất xa vời” - chị Hòa cười buồn.

Những căn phòng trọ san sát nhau là nơi ở của nhiều gia đình công nhân ở Đồng Nai suốt nhiều năm liền
Những căn phòng trọ san sát nhau là nơi ở của nhiều gia đình công nhân ở Đồng Nai suốt nhiều năm liền

Hiện tại, đất ở và căn hộ chung cư tại các dự án nhà ở thương mại ở Đồng Nai có giá từ 20 - 40 triệu đồng/m2. Vì thế, căn hộ chung cư rộng 40 - 50m2 sẽ là giấc mơ cả đời người của nhiều gia đình công nhân. Chị Thảo Nguyên, ở trọ tại khu phố An Hòa, P.Hóa An, TP.Biên Hòa, chia sẻ: “Hầu như ngày nào, cả hai vợ chồng cũng làm tăng ca, chấp nhận ăn uống kham khổ, ở chật hẹp, để tiết kiệm. Nhưng tằn tiện lắm cũng chỉ để dành được cỡ 50 - 60 triệu đồng/năm. Vì thế, chuyện mua đất xây nhà là không thể. Giờ tôi chỉ còn hy vọng vào các dự án nhà ở xã hội, bán giá rẻ và cho trả góp trong 10 - 15 năm thì may ra mới có khả năng”.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, tỉnh có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động, trong đó, người từ các tỉnh, thành khác đến chiếm khoảng 58% (khoảng gần 700.000 người). Khảo sát của tỉnh về nhu cầu chỗ ở của công nhân cho thấy gần như 100% công nhân ngoại tỉnh có nhu cầu về chỗ ở. 

Vẫn phải chờ quy hoạch nhà ở xã hội

Bà Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho rằng dù thu nhập của người lao động tại Đồng Nai cao so với mặt bằng chung (quý I/2022, Đồng Nai là một trong ba địa phương có thu nhập của người lao động cao nhất cả nước với mức bình quân đạt 8 - 8,5 triệu đồng/tháng) nhưng việc sở hữu một căn nhà hay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đối với họ cũng là vấn đề rất khó khăn. Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh tại 27 doanh nghiệp trên địa bàn, cả những người có hơn 15 năm làm việc tại Đồng Nai, trên 60% chỉ có khả năng mua được những căn nhà/căn hộ có giá dưới 300 triệu đồng, số mua được những căn nhà trên 400 triệu đồng rất hạn chế. Bà Ý cho rằng, một gia đình vợ chồng đều là công nhân lao động, để có một khoản tiền lớn mua nhà ở thương mại là rất khó, vì họ còn phải chi tiêu cho nhiều khoản trong sinh hoạt hằng ngày.

Do không thể mua nhà ở nên phần đông lao động xa quê phải ở trong các phòng trọ chật hẹp. Nhiều dãy nhà trọ được xây san sát, đối diện nhau. Nhiều phòng trọ chỉ rộng 12 - 14m2 nhưng có từ 4 - 6 người ở. “Thời điểm dịch bệnh bùng phát ở Đồng Nai, công nhân lao động sống trong các nhà trọ bị nhiễm rất nhiều, thậm chí có những khu trọ hàng trăm người bị nhiễm do môi trường ở chật hẹp” - bà Ý cho hay.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, toàn tỉnh có bảy dự án nhà ở xã hội đang được thi công với gần 8.000 căn, dự tính trong giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành gần 3.600 căn và giai đoạn 2026-2030 hoàn thành thêm 4.600 căn. Ngoài ra, Đồng Nai cũng đã chuẩn bị 10 khu đất sạch, chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với quy mô khoảng 7.000 căn hộ. Tuy nhiên, muốn triển khai nhanh các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội ở những khu đất công đã có sẵn thì các địa phương phải tiến hành quy hoạch chi tiết 1/500 và trình tỉnh phê duyệt. Có quy hoạch chi tiết mới có thể mời gọi doanh nghiệp tham gia đấu thầu. Các dự án này đã được tỉnh giao cho địa phương thực hiện để nắm rõ nhu cầu của công nhân, người có thu nhập thấp để có kế hoạch đầu tư cho phù hợp.

Hàng trăn ngàn công nhân lao động ở Đồng Nai vẫn sẽ tiếp tục chờ đợi và hy vọng dù thời gian “chờ” ngắn hay dài, nhanh hay chậm thì tương lai mới biết. 

Gia Huy

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI