Con nít hát bài bản tài tử Nam Bộ

27/06/2015 - 16:42

PNO - PN - Không ít người cứ “tưởng” đờn ca tài tử là đờn ca… diễn viên điện ảnh! Bởi vì, hồi nào giờ nghe mấy chữ “tài tử”, “minh tinh” thấy nó gắn chặt với máy quay phim hơn là hát vọng cổ, gảy đờn kìm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đây nè, không đơn giản chút nào đâu nha. Nghe MC Quế Trân chào hàng trong đêm chung kết 1 của chương trình “Giọng ca nhí - Hò xự xang xê cống”, do đài truyền hình Bạc Liêu tổ chức, mà phát… lạnh mình: hệ thống bài bản của đờn ca tài tử Nam bộ có 20 bản tổ, chia làm bốn nhóm gồm ba Nam, sáu Bắc, bảy Bài, bốn Oán. Chưa hết, trong mỗi nhóm lại có nhiều thể điệu khác nhau, mới chết.

Bảo đảm, hồi còn nhỏ, ai mà mê cải lương, thể nào cũng biết tuồng Xin một lần yêu nhau diễn trên sân khấu Kim Chung. Cặp nghệ sĩ tài danh Minh Phụng - Lệ Thủy làm điên đảo biết bao người với hai vai lấy nước mắt thiên hạ: Âu Thiên Vũ và Hồ Như Thủy. Phải nói, các bài bản, thể điệu cất lên trong vở tuồng này với giọng ca của chị Thủy, anh Phụng tới bây giờ vẫn chưa ai qua nổi.

Từ Xuân bình chấn, Lưu thủy trường đến Cổ bản vắn, Tây thi vắn, Nam ai… hết vui tươi, rộn ràng chuyển sang buồn than nức nở, nghe mà… rụng rún. Vậy đó, không hề dễ dàng chút nào, mà cuộc thi nói trên cũng đã kiếm được 14 giọng ca nhí vào vòng chung kết 1 với phần thi bài bản Bắc.

Con nit hat bai ban tai tu Nam Bo

Nhỏ xíu mà giỏi, xem các cháu thi xướng âm các chữ nhạc, khán giả yếu yếu một chút về vốn đờn ca tài tử Nam bộ dám chắc… ù tai và nói ngọng luôn. Một phần câu đầu của điệu thức Lưu thủy trường nè: là hò là cồn, cồn xế xang hò, xang xê cồn cống xế xang… Còn đây là một phần câu đầu của điệu thức Cổ bản vắn: Cồn xê công líu xê xang xự, xang líu cống xế xang, xàng xê xang hò…

Mà đâu phải trơn lùi vậy, còn ngân nga “đổ hột” thiệt điệu nghệ giữa câu, giữa chữ và đúng nhịp nữa mới được chấm đậu. Khó dàn trời. Đến khi hát vô lòng bản, mấy đứa nhỏ cứ như là đang đóng vai… Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thanh Sang, Phượng Liên, Diệu Hiền…

Thiệt chớ. Từ đứa có giọng kim cao vút sắc bén đến đứa khao khao giọng thổ, đều lên xuống ngọt ngào, mướt rượt, tới nỗi thạc sĩ Huỳnh Khải (Hội đồng bình luận) chịu thua luôn: có cháu hát một lúc tới năm cái dấu sắc trong câu “quý mến các cháu thiếu nhi…” mà nghe vẫn êm ru không bị “sét”.

Dân cải lương chuyên nghiệp còn sợ đừng nói con nít mới học ca. Những thí sinh này đúng là con em của vùng đất đờn ca tài tử, của cải lương. Cuộc thi này, giống như “gãi đúng chỗ ngứa”, các cháu dự thi rần rần, tuy chưa thể so sánh về số lượng với các cuộc thi âm nhạc khác. Mới thấy, cải lương không lo thiếu thế hệ kế thừa. Ăn thua là có chịu tìm kiếm, khơi nguồn hay không…

Có điều hơi bị tiếc cho cuộc thi là nội dung bài bản đờn ca tài tử vẫn còn “cao” hơn tuổi của các cháu nhiều quá, dù đã được một số tác giả viết lại lời mới. Phải chi có thêm bài về gia đình, về trường học, về nếp sống làng quê, về mơ ước tuổi thơ với thiệt nhiều cung bậc cảm xúc - thậm chí có thể hài hước, vui nhộn - thì sân chơi mới này chắc chắn sẽ làm được mấy mùa liên tiếp mà không bị ngán.

Cái này mới ngộ nè, nhà tài trợ cho một chương trình xài ban đờn toàn là đờn cò, đờn kìm, đờn bầu, đờn tranh, bộ gõ nhịp song lang lại là... nhãn hàng Bia Saigon! Tưởng bia chỉ chơi với tân nhạc, người đẹp, ai dè… Dám chơi với đờn ca tài tử Nam bộ, vậy mới ngon nha… bia.

MAMARAZZI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI