Con người tác động quá nhiều vào đất, rừng gây hậu quả

30/10/2020 - 10:04

PNO - Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây nên thiên tai, bão, lũ. Tuy nhiên, tôi khẳng định có yếu tố nhân tai, tức là tác động của con người.

Về nguyên nhân sạt lở đất, có thể do mưa lâu ngày, đất đá đã bị bão hòa nước, nhão đi. Trong khi đó, ở vùng đất này, rừng đã bị tàn phá, làm cho sự kết dính của đất giảm đi, dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, sạt lở thường ở sườn dốc. Khi ở dưới chân bị khai thác đất, đá, sườn dốc bị mất chân, dẫn đến khối đất đá phía trên dễ ập xuống.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa

Tôi đặt vấn đề nhân tai vì những năm gần đây, chúng ta phá rừng quá nhiều. Trong khi đó, việc quy hoạch thủy điện và thủy lợi thì có phần tùy tiện. Người dân phá rừng tự phát đã đành, nhưng việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng, một số diện tích đất rừng nhất định đã dẫn đến rừng bị phá. Bên cạnh đó, một số nơi sườn dốc bị cắt chân lấy mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng nên khi có mưa lớn thì một khối lượng đất đá khổng lồ bên trên ập xuống.

Tóm lại, các hoạt động của con người như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, thủy điện, phá rừng… đều làm mất cân bằng trong đất và sườn dốc, dẫn đến sạt lở đất, đá. Việc con người tác động quá nhiều vào đất, rừng đã gây ra hậu quả không thể lường trước.

Trong các vụ sạt lở ở miền Trung những ngày gần đây, tôi thấy thiệt hại về người quá nặng nề. Như vụ sạt lở ở Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cả một vùng dân cư với vài chục người bị thương vong, mất tích. Tại sao chúng ta để dân cư ở một vùng có nguy cơ sạt lở cao như vậy? Có thể thấy, việc quy hoạch khu dân cư đang diễn ra tràn lan, chưa bài bản đã dẫn đến hậu quả rất đáng tiếc.

Về giải pháp, theo tôi, việc cần làm ngay bây giờ là đánh giá toàn diện những vùng có nguy cơ sạt lở cao và có biện pháp quy hoạch dân cư ở những vùng này hợp lý để giảm thiệt hại về người khi xảy ra sạt lở. Cùng với đó, cơ quan chức năng nên giao cho các đơn vị chuyên môn rà soát, khảo sát lại các quy hoạch, đánh giá toàn diện các dự án, đặc biệt là thủy điện để xem xét mặt được và mất để quyết định có thực hiện dự án hay không. 

Về giải pháp lâu dài, theo tôi, không còn cách nào khác là quy hoạch trồng rừng trở lại. Chỉ có phủ xanh rừng thì mới giảm được tác hại của thiên tai.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông hóa, thổ nhưỡng

 Sơn Vinh (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI