edf40wrjww2tblPage:Content

Nguồn ảnh minh họa: vipschool.edu.vn
Vừa qua, thầy giáo Trần Đình Trợ, giáo viên dạy toán Trường THPT Hương Sơn, Hà Tĩnh gây bất ngờ với nhiều người khi tiến hành một khảo sát nhỏ ở một lớp 12 chọn của trường.
Một vài trong số những kết quả thú vị là cả 45 em trong lớp đều đi học bằng xe đạp, trong đó có 3 em phân biệt được líp và đĩa, 10 em phân biệt được săm và lốp. Không em nào biết sửa xe.
Cả 45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình, còn 17/45 em thường xuyên rửa bát.
Cả 45 em đều đọc sách, nhưng là đọc sách giáo khoa. Trong đó có 5 em có đọc sách truyện nhưng bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đăng ký mượn sách miễn phí của thầy giáo nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
Tôi đi dạy kèm cho một học sinh lớp 8, cậu học trò tên Hải gầy nhẳng, đeo một cái kính dày cộp, mẹ vẫn thường phải ngồi đút cơm cho Hải ăn để đi học cho nhanh. Mỗi khi được giao một việc nhỏ như cắm hoa, rửa vài cái bát, Hải sung sướng và mân mê từng cái bát một. “Em chẳng bao giờ được rửa bát cả”, cậu bảo. |
Kết quả trên không đủ để đánh giá một thế hệ, cũng như cách nuôi dạy các con của các bậc phụ huynh, nó chỉ thêm một cơ sở để chúng ta giật mình với cách yêu thương nhưng thật ra lại là… hại con của nhiều gia đình.
Nhiều đứa trẻ 4 tuổi vẫn chậm nói. Bố mẹ mang con đến bác sĩ thì đến lượt bác sĩ choáng khi cháu bé chỉ cần ra dấu bằng cái nhìn đã được mẹ và bà đáp ứng ngay. Khóc là có sữa, nhìn đồ chơi là có đồ chơi, đập đập tay là đòi bế. Thế thì cháu nói để làm gì?
Anh bạn tôi than, con trai anh sang năm học lớp 1 mà tối nào cũng phải đóng bỉm, nếu không con tè dầm, trôi cả bố lẫn con. Con chậm học được thói quen chủ động trong việc đi tiểu cũng là do anh chiều con từ nhỏ, không nỡ đánh thức dậy giữa đêm đi tè.
Lớn lên một chút, các con vào lớp 1 rồi trở thành nữ sinh, nam sinh, nhiều học sinh vẫn trong vòng tay của bố mẹ, trừ mỗi lúc ngồi trên lớp học. Sáng đưa đến tận trường, chiều đón về tận nhà, đi sinh nhật bạn cũng phải đưa - đón hoặc chờ bên ngoài đến lúc xong.
Không ít cô cậu học sinh học hết THPT vẫn không biết đi xe đạp. Một học sinh lớp 12 bây giờ vẫn ngơ ngác hỏi tôi: “Chị ơi, vậy thì tóm lại ngoài đời con trâu trông như thế nào? Hoa chuối có nở từng chùm không?” Tôi ngỡ ngàng, còn em vẫn ngơ ngác vì cho rằng trong lớp nhiều bạn còn nói những câu ngu ngơ hơn mình. Ví dụ như cây khoai lang được gieo bằng hạt, rồi mọc cây, rồi cho củ.
Tôi đi dạy kèm cho một học sinh lớp 8, cậu học trò tên Hải gầy nhẳng, đeo một cái kính dày cộp, mẹ vẫn thường phải ngồi đút cơm cho Hải ăn để đi học cho nhanh. Mỗi khi được giao một việc nhỏ như cắm hoa, rửa vài cái bát, Hải sung sướng và mân mê từng cái bát một. “Em chẳng bao giờ được rửa bát cả”, cậu bảo.
Trẻ con ở xã hội hiện đại rất thông minh, chúng có thể thành thục sử dụng iPhone, iPad và nhiều thiết bị công nghệ số khác khi mới ở lớp mầm non, tiểu học. Nhưng chúng cô đơn cũng nhiều hơn trong vòng vây của sự chăm sóc đặc biệt của người giúp việc, máy móc mà thiếu sự lan tỏa của hơi ấm gia đình.
Cũng vì thế, nhiều đứa trẻ lạnh lùng, sống thu hẹp trong một thế giới riêng mình. Không nhớ sinh nhật ai, không thích chia sẻ cảm xúc buồn vui với ông bà.
Thay vì nháo nhào vài tuần lễ đưa con vào các trại hè quân đội, ào ào bắt các con tham gia các lớp học kỹ năng sống, phụ huynh có thể cùng con đọc sách, đọc truyện tranh, vào bếp nấu ăn, rửa bát, trồng cây, qua đó dạy cho các con nhiều hơn về cuộc sống xung quanh.
Không nên cho rằng chỉ những cuốn sách giáo khoa mới là thần thánh để đưa các con vào giảng đường đại học. Vào đại học rồi, các con vẫn phải hòa đồng cùng các sinh viên khác, cần kỹ năng hùng biện, thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng thoát hiểm, có khi phải tự đi làm thêm, trang trải cuộc sống để hiểu hơn về kỹ năng quản lý thời gian - tiền bạc, và vô số những thứ không có trong sách giáo khoa khác để thành công.
Sẽ có nhiều người bảo “con tôi, tôi xót” và “con tôi, tôi lo” là quyền của tôi. Tất nhiên là đúng, nhưng có đảm bảo các phụ huynh đi được bên con suốt cuộc đời để xót - lo cho các con. Một cái cây cớm nắng có đủ sức mạnh khi ngày mai người ta mang nó ra để dưới mưa nắng và những thứ sâu bệnh khác đang đe dọa, rình rập.
Chắc tốt hơn là sớm cho cái cây ấy quen với nắng, mưa. Người trồng cứ đứng từ xa, sẽ có lúc tưới chút nước, bắt con sâu, vun vén gốc, uốn cho cây luôn thẳng rồi chờ đơm hoa. Hoa tự nhiên bao giờ chẳng thơm hơn hoa công nghiệp trong nhà kính?
NGUYỄN THÚY HẰNG (Hà Nội)
Thông qua những trải nghiệm, chứng kiến, suy tư của mình về trường lớp, mối quan hệ thầy - trò, quan hệ giữa các nhà giáo, chương trình dạy - học, chính sách giáo dục, công tác quản lý, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, sản phẩm giáo dục… hãy viết và gửi bài cho diễn đàn “Giáo dục trong mắt tôi” của phunuonline.com.vn. Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến qua các địa chỉ: - Mở trang chủ phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang - Hoặc theo địa chỉ email: xahoi.phunuonline@gmail.com - Hoặc viết vào phần bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn. Cuối bài ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản (nếu ở ngoài TP.HCM - để tiện gửi nhuận bút). Phụ Nữ Online trân trọng cảm ơn sự cộng tác của bạn đọc. |