Cô trò ở những ngôi trường 40 ngày ngập lụt

20/11/2020 - 06:52

PNO - Ở vùng bị bão, lụt miền Trung, khi nước lũ rút đến đâu, các thầy cô lại xắn quần dọn bùn đất, sửa sang trường lớp, đón học sinh trở lại trường. Không hoa, không quà trong ngày 20/11, niềm vui lớn nhất đối với giáo viên vùng lũ lúc này là được nhìn thấy học trò an toàn trở lại trường học.

Chỉ mong thấy học sinh đến lớp

Sáng 19/11, chúng tôi trở lại các trường học ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc này, nước lũ vừa rút xuống, quanh sân trường vẫn còn những lớp bùn non. Sắp đến ngày 20/11 nhưng tất cả thầy cô cùng tất bật thu dọn vệ sinh để tiếp tục đón học sinh trở lại trường.

Đến trưa 19/11, các cô giáo Trường mầm non Phong Bình 2 vẫn tiếp tục phơi tập, sách  do bị ngâm nước lũ dài ngày
Đến trưa 19/11, các cô giáo Trường mầm non Phong Bình 2 vẫn tiếp tục phơi tập, sách do bị ngâm nước lũ dài ngày

Hai ngày nay, các cô giáo ở Trường mầm non Phong Bình 2 mới được nhìn lại những gương mặt thân yêu trở lại trường sau hơn 40 ngày nghỉ học do bão lũ triền miên. Cô Nguyễn Thị Linh - hiệu trưởng nhà trường - nói: “Niềm hạnh phúc nhất của các cô là được mọi người sẻ chia”.

Nằm trong khu vực ngập sâu nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trường mầm non Phong Bình 2 có 19 cán bộ, giáo viên, 5 phòng học với 144 cháu đang theo học.

Ngày lũ về, phòng học ở đây ngập 2m. Do là trường mầm non, cán bộ, giáo viên đều là nữ nên trước ngày lũ dâng, các cô giáo của trường đã huy động phụ huynh cùng “con rể” (chồng của các giáo viên) của trường đến tiếp sức, mỗi người một tay dọn dẹp dụng cụ học tập, đồ chơi của các cháu cất lên cao, mới trở về thu dọn nhà cửa, kê kích đồ đạc. 

Do nước lũ lên cao, lại ngâm lâu ngày nên khi các cô trở lại trường, bàn ghế, tập sách, đồ chơi của các cháu bị hư hại rất nhiều. Cô Linh nhẩm tính, trong 40 ngày qua, Trường mầm non Phong Bình 2 hứng chịu hơn tám trận lũ lụt. Có nhiều lúc, nước lũ lên nhanh quá, các cô không kịp trở tay.

Do bão lũ triền miên nên năm nay, nhà trường chỉ tổ chức tọa đàm ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam vào cuối buổi chiều 20/11. Trong ngày 20/11, các cô trò vẫn học tập, sinh hoạt như thời khóa biểu bình thường.

“Nhìn trường, lớp bị hư hỏng, học sinh gặp khó khăn sau lũ, những người làm trong ngành giáo dục không thấy vui khi được nhận hoa chúc mừng trong dịp kỷ niệm này. Bông hoa đẹp nhất mà chúng tôi muốn nhận bây giờ là nhìn thấy trường học sớm được khắc phục, thầy cô bớt nhọc nhằn, học sinh vùng bão lũ sớm ổn định việc học” - cô Linh mong muốn.

Đang lật từng trang sách bị ngâm nước lũ lâu ngày để phơi ráo, ánh mắt cô giáo Trần Thị Yên đượm buồn. Suốt bảy năm theo nghề dạy trẻ tại trường này, chưa có năm nào mà trong một tháng, các cô phải vất vả dọn dẹp liên tiếp nhiều lần, cả trường phải nghỉ gần 40 ngày vì lụt bão.

Cô Yên xúc động nói: “Làm nghề giáo, mỗi năm chỉ có một ngày được phụ huynh tặng hoa động viên tinh thần. Năm nay, do địa phương thiệt hại quá lớn nên ngày 20/11, em cũng như các cô giáo vùng lũ chỉ biết cùng động viên nhau vượt qua khó khăn”.

Ngày lễ 20/11 năm nay, nhiều phụ huynh ở rốn lũ Phong Bình cũng rất buồn, bởi nhiều bà con đã chuẩn bị cá, tôm đánh bắt được nhưng cũng không thể đem đến trường tặng cho cô giáo, do nhiều nơi nước vẫn còn, đơn cử như xóm Tân Bình vẫn còn hơn 30 hộ bị ngập 0,3-0,5m, nhiều học sinh ở thôn vẫn phải tiếp tục nghỉ học.

Những bông hoa hiếm hoi trước cổng Trường THPT Trần Văn Kỷ, xã Phong Bình, H.Phong Điền
Những bông hoa hiếm hoi trước cổng Trường THPT Trần Văn Kỷ, xã Phong Bình, huyện Phong Điền

“Tui có bốn đứa con trai, trong đó có ba đứa đang học mẫu giáo và tiểu học ở xã Phong Bình. Mấy hôm nay, chồng tui đi đánh cá, chờ nước rút sẽ đem tặng các cô giáo nhân ngày 20/11, ai ngờ đến hôm nay nước vẫn chưa rút luôn” - chị Phan Thị Phương, ở xóm Tân Bình, làng Đông Phú, xã Phong Bình, nói. 

Khẩn trương dạy bù 

Mùa mưa lũ, việc nghỉ học là “chuyện cơm bữa” với học sinh ở các vùng trũng của tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Ở vùng rốn lũ như huyện Quảng Điền, chuyện dạy và học lắm gian nan. Nhiều lúc, học sinh đang học giữa chừng, nước lên, trường phải cho nghỉ học để tránh lũ, bão để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh. Tại Trường tiểu học số 1, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, nước ngập sâu hơn 1m suốt cả tháng, buộc gần 300 học sinh phải nghỉ học. 

Cô Đoàn Thị Ngọc Lan - hiệu trưởng trường này - cho biết đến nay, sân trường vẫn còn ngập nước, học sinh chưa thể đến trường: “Mọi năm, nhà trường vẫn tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và có mời một số giáo viên hưu trí về dự, nhưng với tình hình này, rất khó tổ chức lễ. Chắc là hẹn vào mùa sau”.

Lũ chồng lũ, bão chồng bão hơn một tháng, đến nay, học sinh nhiều trường ở huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà vẫn chưa đi học trở lại.

Tại huyện Quảng Điền, có 45/45 trường bị ngập lụt từ 0,3-1m, trong đó nặng nhất là các trường ở các xã Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An và Quảng Thọ. Gần 20.000 học sinh nơi đây phải nghỉ học hơn một tháng, chương trình dạy học bị chậm theo. 

Ông Nguyễn Thái Hiệp - Trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Điền - nói: “Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, trong tình hình bão lụt như vậy, chúng tôi đã chỉ đạo cho các trường làm lễ kỷ niệm gọn nhẹ ở trường, không tổ chức các hoạt động vui chơi như trước đây, để dành thời gian tập trung cho công tác dạy bù, đảm bảo chương trình cho học sinh”. 

Cô trò vùng lũ nỗ lực dạy, học để kịp chương trình
Cô trò vùng lũ nỗ lực dạy, học để kịp chương trình

Cứ sau mỗi trận bão, lụt, nhiều học sinh nghèo trở lại trường trong hoàn cảnh sách, vở, bút, viết bị trôi, hư hỏng. Ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết cơn bão số 13 làm 34 điểm trường trong tỉnh bị hư hỏng, trong đó nhiều trường bị tốc mái. Học sinh các trường vùng trũng đã nghỉ học quá dài ngày, nhiều trường nghỉ hơn một tháng. Ngành giáo dục tỉnh phải điều chỉnh lại thời gian dạy bù trong cả năm học để việc dạy bù không tạo áp lực cho học sinh và thầy cô giáo. 

“Trong dịp 20/11 năm nay, chúng tôi động viên đội ngũ giáo viên toàn tỉnh vượt qua khó khăn và tiết kiệm thời gian để ưu tiên cho việc dạy học. Sau giờ dạy, giáo viên chỉ tổ chức gặp mặt nội bộ, ôn lại ngày truyền thống nghề giáo, nhắc nhau hoàn thành công việc và động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Tân chia sẻ. 

Thuận Hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI